Xuân Biều - Xuân này thêm vui
Điểm tựa truyền thống
Ngược dòng lịch sử, từ năm 1943 - 1944, ở Xuân Biều đã có các cơ sở cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; đồng chí Lê Thanh Nghị, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Trưởng ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính lật đổ Pháp chiếm Đông Dương. Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ T.Ư Đảng trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang trong suốt cao trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Thấy điều kiện vận dụng được chỉ thị của Ban Thường vụ T.Ư vào hoàn cảnh cụ thể ở Hiệp Hòa, các đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã, phá các kho thóc của Nhật - Pháp để giải quyết nạn đói cho nhân dân, động viên tinh thần cách mạng của đông đảo quần chúng ở Bắc Giang. Tối 12/3/1945, tại xã Xuân Biều, huyện Hiệp Hòa (nay là xã Xuân Cẩm) một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình có 30 tự vệ và hơn 300 quần chúng tham gia. Tại đây, ta công bố thủ tiêu chính quyền bù nhìn, lập Ủy ban dân tộc giải phóng.
![]() |
Đình Xuân Biều mới được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. |
Năm 2023, Xuân Biều đăng ký về đích thôn NTM kiểu mẫu. Những con đường mới được xây dựng, các công trình văn hóa, tín ngưỡng được quan tâm đầu tư tôn tạo; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân nâng lên… là những yếu tố quan trọng, tạo nền tảng để thôn hoàn thành mục tiêu đó. Đi trên những con đường trải bê tông phẳng lì, phóng tầm mắt từ trên mặt đê ngắm nhìn những ngôi nhà khang trang, to đẹp và đắm mình trong không gian thanh tĩnh của ngôi đình làng… thấy được cuộc sống ở Xuân Biều đã và đang thực sự đổi thay. |
Đây là khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã thắng lợi đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang và cũng được xem là một trong những cuộc khởi nghĩa sớm nhất cả nước kể từ khi có Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trong cuốn hồi ký “Trọn một cuộc đời”, đồng chí Lê Thanh Nghị ghi lại: "Khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở Xuân Biều là đốm lửa để bùng lên cả một trời lửa Cách mạng Tháng Tám năm 1945". Đình Xuân Biều - nơi phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nay đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Sức sống mới ở quê hương cách mạng
Hơn 77 năm trôi qua, xã Xuân Cẩm nói chung và làng Xuân Biều nói riêng chuyển mình mạnh mẽ. Sức sống mới đang trỗi dậy ở vùng đất này với những con đường bê tông rộng mở, những ngôi nhà cao tầng khang trang vươn lên dưới tán cây xanh mát. Đồng chí Ngô Công Chính, Bí thư Chi bộ thôn Xuân Biều khẳng định: “Suốt những năm qua, truyền thống cách mạng ấy vẫn luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân vun đắp, phát huy, kết tinh thành động lực, sức mạnh để xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.
![]() |
Cô, trò Trường Tiểu học xã Xuân Cẩm tìm hiểu truyền thống tại đình Xuân Biều. |
Thực tế, điều đó được thể hiện rất rõ trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao của thôn. Nơi đây, mỗi việc lớn Chi bộ đều xây dựng nghị quyết lãnh đạo với những mục tiêu, phương thức triển khai cụ thể. Đơn cử, để thực hiện dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường dài 1,7 km từ đình Xuân Biều đến đường nối tỉnh lộ 295 và tỉnh lộ 296, Chi bộ họp bàn, thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề, thành lập ban vận động, triển khai tới các đoàn thể và toàn thể nhân dân.
Thực hiện tinh thần nghị quyết, 100% đảng viên và đông đảo hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc, nhận nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường. Nhờ vậy, chỉ sau thời gian ngắn, hơn 200 hộ liên quan đã đồng thuận, tự nguyện dành khoảng 6 nghìn m2 đất để dự án có mặt bằng sạch. Trong đó, nhiều hộ đảng viên như đồng chí Ngô Công Chính, Ngô Đình Căn… phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc hiến đất. Theo kế hoạch, sau Tết Nguyên đán Quý Mão tới đây, công trình này sẽ thi công, mặt đường trong khu dân cư mở rộng lên 7-8 m và 12-14 m đối với những đoạn phía ngoài cánh đồng, từ đó góp phần tạo sự kết nối giao thương, phát triển kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hồ, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết: “Do phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo của Chi bộ, cán bộ, đảng viên thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, những năm qua Xuân Biều có sự phát triển toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang”. Theo đó, thôn đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ tỉnh, huyện, xã để cứng hóa gần 1 km đường gom chân đê, mở rộng mặt đê, cải tạo nâng cấp một số tuyến đường nội đồng, ngõ xóm; cứng hóa hàng trăm mét kênh mương dẫn nước đến các cánh đồng. Đặc biệt, từ nguồn ngân sách tỉnh, Đình Xuân Biều – Di tích Quốc gia đặc biệt được tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn, trị giá hơn 11 tỷ đồng.
![]() |
Một góc thôn Xuân Biều hôm nay. |
Trong phát triển KT-XH, trước nhu cầu sử dụng lao động lớn của doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, thực hiện chủ trương của cấp trên, thôn tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, vận động con em tham gia các lớp đào tạo nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm. Thống kê cho thấy, hiện toàn thôn có khoảng 500 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Đáng chú ý, trên địa bàn thôn còn có Công ty Hợp Thịnh Phát sản xuất gạch tuynel thu hút khoảng 100 lao động. Những lực lượng này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình trong thôn.
Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng được duy trì với diện tích canh tác khoảng 130 ha, cấy chủ yếu giống lúa PC 25, năng suất bình quân 2,5 tạ/sào. Nhiều hộ trong thôn như: Trưởng thôn Nguyễn Tiến Hồ, ông Ngô Đình Sỹ, ông Hà Văn Quốc… còn mạnh dạn phát triển mô hình trang trại, gia trại kết hợp chăn nuôi lợn và thả cá với mức thu nhập vài trăm triệu mỗi năm. Hiệu quả từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế giúp số hộ nghèo ở thôn nay chỉ còn khoảng 20 hộ (trong tổng số hơn 600 hộ).
Nhờ kinh tế ổn định, đời sống tinh thần của nhân dân cũng ngày càng được nâng lên. Thôn có đầy đủ các câu lạc bộ như: Thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền hơi, văn hóa-văn nghệ với sự tham gia của đông đảo thành phần, từ người cao tuổi cho tới thanh thiếu niên…
Năm 2023, Xuân Biều đăng ký về đích thôn NTM kiểu mẫu. Những con đường mới được xây dựng, các công trình văn hóa, tín ngưỡng được quan tâm đầu tư tôn tạo; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân nâng lên… là những yếu tố quan trọng, tạo nền tảng để thôn hoàn thành mục tiêu đó. Đi trên những con đường trải bê tông phẳng lì, phóng tầm mắt từ trên mặt đê ngắm nhìn những ngôi nhà khang trang, to đẹp và đắm mình trong không gian thanh tĩnh của ngôi đình làng… thấy được cuộc sống ở Xuân Biều đã và đang thực sự đổi thay.
Bài, ảnh: Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)