"Bảo vệ rừng là bảo vệ quê hương"
Trước giữ biên cương, nay giữ rừng
Theo chân những CCB trong tổ BVR thôn Láng, chúng tôi len lỏi qua những cánh rừng, con suối thâm sâu. Đại ngàn Tây Yên Tử phủ một màu xanh trùng điệp. Không gian vọng lại tiếng chim hót cùng thanh âm của côn trùng kêu rả rích.
![]() |
Rừng Tây Yên Tử đang hồi sinh. |
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên CCB Nguyễn Văn Tường (SN 1964) và Nguyễn Văn Mạnh (SN 1962) nắm rõ các lối đi, cây cối trong rừng. Dù không còn trẻ nhưng bước chân của những người lính vẫn chắc nịch trên từng phiến đá rêu phong. Các ông chỉ cho chúng tôi biết cách phân biệt đâu là lim xanh, táu gù, táu mật, vải rừng, tre nứa… Khoát tay về phía vạt rừng tạp, cách bìa rừng khoảng 3 km, ông Tường cho biết, gần 20 năm trước, nơi này là khu định cư và nương bãi của đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (năm 2002), các hộ dân sống ở đây mới được dời đi.
Sau nửa buổi lội rừng, cả đoàn nghỉ chân bên dòng suối trong vắt có nhiều phiến đá rộng. Cảnh núi rừng hùng vĩ khiến ông Tường hồi nhớ những kỷ niệm thời quân ngũ. Nhả khói thuốc lào, ông chậm rãi kể: Ngày 17-2-1984, ông lên đường nhập ngũ. Sau hơn hai tháng huấn luyện, ông được điều về đơn vị C3D19F347, bản Thâm Luông, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định (Lạng Sơn) với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ điểm cao 636 Tràng Định.
“Đêm 30-4-1984, trung đoàn chúng tôi cùng 50 xe quân sự hành quân lên thị trấn Thất Khê, bị địch phục kích bất ngờ tại khu vực hang Chui, gần thị trấn Đồng Đăng. Sau trận pháo, 50 đồng đội của tôi đã hy sinh và bị thương…”, ông Tường nói, ánh mắt xa xăm.
Trải qua nhiều gian khó, chứng kiến đồng đội quên mình vì Tổ quốc nên ông càng yêu quê hương, đất nước. Ông nhận thức rõ, rừng có vai trò quan trọng, không chỉ che chở quân đội trong thời chiến mà mang lại nguồn lợi quý cho con người, nhất là môi trường sinh thái. Ra quân từ năm 1987 đến nay, ông tích cực tham gia và làm Tổ trưởng tổ BVR của thôn Láng. Hiện nay, ông làm Bí thư Chi bộ thôn. Quá trình công tác, cá nhân ông và tổ BVR được tặng nhiều Giấy khen…
Câu chuyện của ông Tường khiến ông Mạnh cũng bồi hồi nhớ về thời quân ngũ. Cũng là người lính thời chiến tranh biên giới phía Bắc, từng bị địch tập kích nhiều lần nhưng với bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, các ông đều vượt qua gian khó… “Trước giữ biên cương, nay về giữ rừng, tổ BVR được nhận khoán 400 nghìn đồng/ha/năm nhưng đối với chúng tôi được BVR mới là niềm vui và trách nhiệm, vì giữ được rừng là giữ được nguồn nước, nguồn than, phục vụ phát triển đất nước. Hơn hết, giữ rừng còn là giữ nguồn sinh thủy cho con cháu muôn đời sau”, CCB Nguyễn Văn Mạnh bộc bạch.
Gương mẫu, trách nhiệm
Thôn Láng, xã Thanh Luận nằm gần rừng đặc dụng thuộc tuyến 7+8 (rộng hơn 987 ha) do Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử quản lý. Tổ BVR thôn Láng gồm 15 thành viên, trong đó có 3 CCB: Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Văn Mạnh và Nguyễn Bá Tiến (SN 1986).
![]() |
Tổ bảo vệ rừng thôn Láng, xã Thanh Luận trong một chuyến tuần rừng Tây Yên Tử. |
Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Luận, các thành viên này là những người có sức khỏe, uy tín, nhiệt huyết, được người dân trong thôn lựa chọn, các CCB là nòng cốt của tổ. Mỗi năm, tổ BVR ký lại hợp đồng bảo vệ (600ha rừng) với BQL Khu bảo tồn một lần và có thể chọn người thay thế. Mỗi ngày cắt cử 3 người luân phiên tuần rừng theo kế hoạch, chỉ đạo của Trạm trưởng Trạm BVR và kiểm soát lâm sản Đồng Rì. Mọi chuyến đi đều được các thành viên ghi nhật ký. Khi phát hiện rừng có biểu hiện như: Bị phát vén, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép hay nguy cơ xảy ra cháy rừng…, tổ sẽ báo cáo với cấp trên xử lý.
Tính từ năm 2016 đến nay, tổ BVR thôn Láng đã phát hiện 8 vụ khai thác lâm sản trái phép (cắt gốc lim và xâm lấn đất rừng), thu một xe lôi và nhiều cưa máy. Từ đầu năm đến nay chưa có trường hợp xâm hại rừng thuộc địa bàn tổ quản lý. Ngoài BVR, các thành viên trong tổ còn tuyên truyền tới từng người dân trong thôn nâng cao ý thức cùng BVR. Thành viên Nguyễn Văn Tư tâm sự, trong mọi hoàn cảnh, các CCB vẫn luôn xốc vác, đi đầu. Các CCB hướng dẫn mọi người cách nhận biết cây rừng quý hiếm như chè vàng, sến, táu; các loài nấm quý, nấm độc; rắn rết, côn trùng nguy hiểm để phòng, tránh...
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)