Ghi ở Sầm Sơn
(BGĐT)-Vào dịp hè khu du lịch Sầm Sơn luôn thu hút đông đảo du khách đến tham quan bởi sức hấp dẫn đặc biệt của nó. Cũng như nhiều địa phương khác, trong những ngày này, du khách Bắc Giang tấp nập đến đây nghỉ dưỡng, vui chơi sau những ngày lao động, học tập vất vả.
Khu du lịch Sầm Sơn nằm cách thành phố Thanh Hóa 16km.Trong những năm đầu thế kỷ 20, Sầm Sơn được quan chức người Pháp, vua quan nhà Nguyễn và khách du lịch biết đến như một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng với những bãi cát trắng mịn dài hơn 10 km. Đây là một vùng trời nước mênh mông, nhiều hải sản qúy và đặc biệt có dãy núi Trường Lệ với các thắng tích như hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên, đền Độc Cước.
|
Anh ĐinhVăn Truyền, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên (Bắc Giang) tâm sự: "Dường như năm nào, gia đình tôi cũng đến Sầm Sơn để nghỉ mát. So với các nơi nghỉ ở miền Bắc, có lẽ đây là điểm nghỉ lý tưởng nhất vì phong cảnh đẹp, giao thông đi lại thuận tiện, có điểm vui chơi phù hợp với người lớn và trẻ em, giá cả cũng phải chăng."
Để hoạt động du lịch biển Sầm Sơn và lấy lại niềm tin trong du khách năm nay được tốt, cấp ủy và chính quyền thị xã Sầm Sơn đã thành lập Ban chỉ đạo hoạt động du lịch và ban hành 23 văn bản về quản lý dịch vụ du lịch, trong đó có 9 phương án quy định chi tiết như bố trí, sắp xếp lại các dịch vụ thương mại tại các ki-ốt, dịch vụ trên khuôn viên bãi biển, các bến thuyền, phương án về quản lý giá, chấn chỉnh các hiện tượng không niêm yết giá, bán không đúng giá niêm yết ...
.jpg)
Anh Lê Minh Cường, Phó Đội trưởng, Đội Quản lý bảo vệ khu vực núi Trường Lệ, thị xã Sầm Sơn cho biết: "Mỗi ngày có vài trăm lượt xe ô tô đến đây đỗ với hàng vạn khách du lịch. Vì vậy, công tác bảo đảm an ninh trật tự được chúng tôi tập trung thực hiện. Mặc dù phải làm từ 6h đến19h, công việc khá vất vả, lực lượng mỏng, nhưng anh em chúng tôi đã chia tổ, cắt cử thay phiên nhau làm theo ca hợp lý nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tới đây".
Đặc biệt, năm nay, tại các điểm kinh doanh du lịch, vui chơi giải trí đều có treo biển số điện thoại của chủ tịch UBND thị xã, Trưởng công an, Giám đốc bệnh viện, Đội quản lý thị trường, Đội cứu hộ, Cảnh sát 113 để khách du lịch tiện liên hệ khi gặp phiền hà xảy ra…
Chị Nguyễn Thị Hồng, một người chở xích lô ở phường Trung Sơn, thị xã Sầm Sơn cho biết: Những năm trước, trên các xe ô tô điện đều có "lơ xe". Cứ mỗi lần đón khách, các "lơ xe" này nhao nhao nhảy xuống tranh giành, gây mất an ninh trật tự, cản trở giao thông. Năm nay, chính quyền và ngành chức năng chỉ cho phép mỗi xe điện có một người lái và phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định. Đối với xích lô cũng phải được cấp giấy phép hoạt động theo từng địa bàn và được tuyên truyền về cách ứng xử trong giao tiếp với du khách.
Dù công tác quản lý được coi là bài bản hơn trước, nhưng hiện tượng "chặt chém" giá cả ở khu du lịch này vẫn còn xảy ra. Đơn cử như giá thuê phòng hạng trung bình vào những ngày nghỉ vẫn có thể bị đội lên tới 600 -700 nghìn/phòng/ngày, đêm, trong khi giá niêm yết tối đa chỉ là 350 nghìn đồng (!?). Giá các loại đồ ăn, uống cũng bị một số nhà hàng tính cao hơn rất nhiều so với mọi năm.
.jpg)
Chị Nguyễn Thị Hiền, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang bộc bạch: "Năm ngoái, gia đình tôi đặt đồ biển để ăn chỉ có 120-150 nghìn đồng/suất nhưng năm nay lên tới 2-3 trăm nghìn đồng.
Ngoài giá phòng, ăn uống, các dịch vụ khác như đi xe điện, xích lô, thuê chỗ ngồi ngắm biển nếu như không mặc cả trước cũng rất dễ bị đội giá cao lên gấp 2,3 lần. Anh Trần Văn Sơn, một du khách ở quận Đống Đa, TP Hà Nội kể: Đoàn của anh thuê một chuyến xe điện đi dạo quanh thị xã Sầm Sơn trong vòng 15 phút, mặc cả mãi tài xế chốt giá "hữu nghị" 100 nghìn đồng. "Cả đoàn tôi hí hửng vì đi xe giá rẻ, ai ngờ về hỏi mấy anh bạn ở gần phòng trọ, họ chỉ đi hết 40 nghìn đồng. Ngẫm lại mình vẫn bị "hớ"", anh Sơn nói.
Ý kiến bạn đọc (0)