Chung sức trên chặng đường mới
BẮC NINH - Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp dẫn đến nhiều thay đổi lớn về điều kiện, môi trường làm việc, nền nếp sinh hoạt của nhiều gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của tỉnh, nhất là ở khu vực tỉnh Bắc Ninh (cũ).
Nhận thức rõ mục tiêu tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động tỉnh Bắc Ninh đã chủ động điều chỉnh, sắp xếp cuộc sống để vừa chăm lo tổ ấm gia đình, vừa kịp bắt nhịp với guồng công việc mới.
Mỗi gia đình một bài toán thích nghi
“Đi làm xa, con còn nhỏ, mẹ già thành chỗ dựa… nhưng mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều hiểu: Sáp nhập là việc lớn, việc chung. Khó khăn cũng là khó khăn chung, mỗi nhà mỗi cảnh và đều phải cố gắng vượt qua, nhanh chóng hòa nhịp với guồng quay công việc mới” - đó là tâm sự, cũng là quyết tâm của chị Lê Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.
![]() |
Sáng sáng, chị Lê Thị Hằng dậy sớm, chuẩn bị thức ăn cho bữa trưa tại cơ quan mới cách nhà gần 30 km. |
Chị Hằng có hai con gái nhỏ, một bé chuẩn bị lên lớp 2, một bé 3 tuổi đang học mầm non. Chồng chị là cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh), rất khắt khe về thời gian. Cả hai vợ chồng đều chuyển trụ sở làm việc, cuộc sống gia đình chị Hằng xáo trộn hoàn toàn. “Trước đây nơi làm việc của tôi rất gần trường con nên tiện đường đưa đón. Nay nơi làm mới cách nhà gần 30 km, tôi phải nhờ mẹ ruột từ xã Yên Thế xuống trông nom các cháu” - chị cho biết.
Câu chuyện của chị Hằng không cá biệt bởi phía sau hơn 1.000 công chức, viên chức, người lao động từ Bắc Ninh (cũ) lên trung tâm tỉnh Bắc Ninh mới làm việc, là chừng đó gia đình đang trong một hành trình không dễ dàng. Việc ổn định cuộc sống trong điều kiện công việc mới, địa bàn làm việc mới cần một thời gian phù hợp để thích nghi.
![]() |
Gia đình có hai con nhỏ, chị Hằng nhờ mẹ quán xuyến việc nhà. |
Chị Nguyễn Việt Châu, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia Bảo hiểm xã hội khu vực 11 cũng phải dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày để đi chợ sớm, nấu ăn, chuẩn bị cơm cho gia đình rồi mới lên đường đi làm. Nhóm của chị lựa chọn phương án thuê xe 16 chỗ đi lên chỗ làm mới, chia trung bình mỗi người đóng góp khoảng 50.000 đồng/ngày, bình quân mỗi tháng, chi phí đi lại phát sinh thêm ít nhất 1 triệu đồng/người.
Anh Nguyễn Quang Khương, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh chuyển về làm việc tại trụ sở Phòng giao dịch mới đặt tại xã Lương Tài, cách nhà tới 32 km, trong khi vợ anh lên làm việc tại một cơ quan đặt tại phường Đa Mai, đi xa 22 km. Cả hai vợ chồng anh đều phải ra khỏi nhà trong khung thời gian từ 6 giờ đến 6 giờ 30 phút sáng, do đó mọi băn khoăn, lo lắng đều tập trung vào cậu con trai vừa lên lớp 10 - độ tuổi nhạy cảm, cần sự quan tâm của người lớn. “Lắp camera, mua điện thoại thông minh, đặt báo thức, ghi lịch nhắc nhở con học và ăn đúng giờ… Tất cả đều phải tính đến từng chi tiết nhỏ” - anh Khương cho biết.
Chung vai trên chặng đường dài
Một nhóm 3-4 người đi làm cùng để thay phiên lái xe và tiết kiệm chi phí là cách anh Nguyễn Văn Năng, Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Môi trường và một số đồng nghiệp đang thực hiện. “Đi chung vừa đỡ chi phí, vừa an toàn hơn nhưng vẫn khá căng thẳng vì lúc đi và về đều vào giờ cao điểm nên dễ tắc đường. Buổi trưa anh em không có chỗ nghỉ ngơi, chỉ kéo tạm chiếc ghế ngồi hoặc nằm co ro cho đỡ mệt. Chúng tôi rất mong tỉnh xem xét bố trí chỗ nghỉ trưa hoặc có chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội” - anh Năng bày tỏ.
Thay đổi địa điểm làm việc, xáo trộn sinh hoạt, mọi gia đình đều phải điều chỉnh thói quen. Với tinh thần chủ động góp sức vì mục tiêu lớn của công tác cải cách bộ máy chính quyền, tất cả đều cố gắng xoay xở, mau chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nảy sinh một số bất cập, rất cần các giải pháp giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ổn định lâu dài, yên tâm công tác như: Hỗ trợ phương tiện đưa đón tập thể hoặc chi phí đi lại; rà soát, bố trí quỹ nhà ở xã hội, khu lưu trú cho cán bộ công tác xa nhà; linh hoạt giờ làm… |
Chị Nguyễn Thị Hồng, cán bộ Thanh tra tỉnh và chồng đều cùng chuyển địa điểm công tác, nhưng mỗi người một nơi, cách nhau hơn chục cây số. Chị Hồng đi làm gần hơn chồng, cách nhà khoảng 14 km nhưng buổi trưa vẫn ở lại cơ quan. Vì không thể đưa đón các con mỗi ngày nên hai con trai của chị Hồng - một cháu chuẩn bị vào lớp 11, một vào lớp 8 phải tự chăm nhau. “Trường học của con xa nhà, nhưng gần cơ quan, nên trước đây bố mẹ vẫn đưa đón bạn nhỏ được. Giờ, tình thế đã khác, con sẽ phải tự đạp xe” - chị Hồng nói. Gia đình chị Hồng duy trì việc đi chợ từ buổi chiều hôm trước, sáng dậy sớm vừa nấu ăn sáng cả nhà, vừa chuẩn bị thức ăn cho các con buổi trưa hâm nóng lại và một suất cơm cho mẹ ăn trưa tại cơ quan. Gia đình cũng lắp camera để kiểm soát từ xa nhưng cũng không tránh khỏi nhiều nỗi lo khi bố mẹ đi làm xa cả ngày.
Không chỉ khắc phục khó khăn để chuyên tâm cho công việc, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ Bắc Ninh (cũ) còn tập thích nghi với môi trường làm việc mới. Thấu hiểu điều đó, đồng nghiệp ở cơ quan, đơn vị ở Bắc Giang đều quan tâm, chia sẻ, đồng hành, động viên đồng nghiệp mới.
Chị Nguyễn Việt Châu kể: “Ngoài thời gian làm việc tại trụ sở, chúng tôi phải đi cơ sở 3 buổi mỗi tuần. Mỗi khi cần xuống địa bàn xa vào buổi tối hay cuối tuần là anh chị em ở Bắc Giang sẵn sàng đi cùng, hỗ trợ, tận tình hướng dẫn chỗ ăn, nghỉ, chỉ đường đến cơ sở một cách thuận lợi nhất… Sự sẻ chia, ấm áp của đồng nghiệp là sự động viên rất lớn trong điều kiện thay đổi khá lớn”.
Thay đổi địa điểm làm việc, xáo trộn sinh hoạt, mọi gia đình đều phải điều chỉnh thói quen. Với tinh thần chủ động góp sức vì mục tiêu lớn của công tác cải cách bộ máy chính quyền, tất cả đều cố gắng xoay xở, mau chóng ổn định cuộc sống. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nảy sinh một số bất cập, rất cần các giải pháp giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ổn định lâu dài, yên tâm công tác như: Hỗ trợ phương tiện đưa đón tập thể hoặc chi phí đi lại; rà soát, bố trí quỹ nhà ở xã hội, khu lưu trú cho cán bộ công tác xa nhà; linh hoạt giờ làm…
Ý kiến bạn đọc (0)