Không chủ quan, lơ là, sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 3
BẮC NINH - Sáng 20/7, đồng chí Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 (bão WIPHA) với 18 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh trở ra. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh có đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có các đồng chí: Lê Xuân Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đại tá Phạm Văn Tạo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; đại diện các sở, ngành tỉnh.
![]() |
Đồng chí Vương Quốc Tuấn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Đến sáng 20/7, bão số 3 (quốc tế là WIPHA) đã đi vào biển Đông. Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển, đất liền rất rộng và nguy hiểm. Dự báo từ sáng mai (21/7), bão đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, gây mưa lớn trên phạm vi rộng. Theo báo cáo nhanh từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, hiện mực nước ở các hồ chứa ở miền Bắc đang ở mức cao, cơ quan chức năng chỉ đạo xả đáy trước lũ, bơm nước đệm nhằm bảo đảm sức chứa cũng như năng lực vận hành khi có mưa lớn.
Tại hội nghị, lãnh đạo các ngành, địa phương báo cáo nhanh công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3. Tính đến 6 giờ 30 ngày 20/7, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã thông báo cho 54,3 nghìn phương tiện trên biển với hơn 230 nghìn ngư dân nắm bắt diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, neo đậu đến nơi an toàn. Có khoảng 148 nghìn ha nuôi trồng thủy sản; 20,1 nghìn lồng bè; 3,7 nghìn chòi canh thủy sản và 650 nghìn ha lúa mùa có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và mưa lũ.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Trần Hồng Hà nhấn mạnh tính chất nguy hiểm, phức tạp của bão số 3 và đề nghị Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cần thường xuyên cập nhật, thông tin đầy đủ, đánh giá chính xác đường đi, vị trí của bão để giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có biện pháp ứng phó phù hợp với tình hình, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Đồng chí yêu cầu các địa phương phải tập trung phân tích, xác định các điểm, khu vực trọng yếu có thể bị ảnh hưởng của mưa bão, từ đó rà soát, đánh giá lại, bổ sung các phương án ứng phó. Khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai, phân công cán bộ phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn, khu vực trọng yếu, xung yếu; xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành bảo đảm thống nhất, kịp thời, thông suốt và hiệu quả.
Đề nghị các bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Quốc phòng, các cơ quan báo chí truyền thông thường xuyên cập nhật, thông tin rộng rãi các điểm, khu dân cư, vùng nguy hiểm xung yếu (trong và ngoài đê, hồ chứa, khu dân cư ven sông, suối…) trước khi bão đổ bộ về để giúp người dân, các phương tiện kịp thời di chuyển, trú tránh đến nơi an toàn. Mưa lớn hoàn lưu sau bão trên diện rộng có nguy cơ gây lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi; ngập lụt công trình; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp trong các khu, cụm khu công nghiệp. Do vậy, các ngành, địa phương cần bám sát tình hình thời tiết, quán triệt rõ tinh thần chỉ đạo sẵn sàng, chủ động, quyết liệt, quyết tâm ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân là trên hết, trước hết. Trên cơ sở rà soát các điều kiện ứng phó tại chỗ, các địa phương chủ động báo cáo, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường vật tư, phương tiện, nhân lực hỗ trợ nếu cần thiết. Căn cứ theo tình hình, các địa phương chủ động phương án di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm; cho học sinh nghỉ học nếu thấy không an toàn.
![]() |
Quang cảnh hội nghị tại UBND tỉnh. |
Sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến, tại điểm cầu UBND tỉnh, đồng chí Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, phạm vi ảnh hưởng rộng, trong đó tỉnh Bắc Ninh là địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của bão. Đồng chí yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị tập trung ứng phó. Để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, chiều 20/7, Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập 3 đoàn công tác trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình tại các khu vực xung yếu.
Đồng chí nhấn mạnh, trong phòng, chống thiên tai, mục tiêu cao nhất phải bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân, cho Nhà nước. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại, đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp tuyệt đối không lơ là, chủ quan, cần tập trung triển khai ngay một số nhiệm vụ trọng tâm. Phát huy tinh thần trách nhiệm của thành viên ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, tiếp tục bám sát tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao nhất, quyết tâm nhất.
Yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến của cơn bão, phối hợp chặt chẽ trong triển khai các biện pháp ứng phó, hiệp đồng tác chiến giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang.
Đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường phân công cán bộ ứng trực, làm tốt công tác nhận định, dự báo tình hình; cử cán bộ xuống cơ sở phối hợp cùng các địa phương kiểm tra thực tế, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các biện pháp ứng phó. Chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi chủ động bơm tiêu nước đệm, có phương án bơm tiêu chống ngập úng đô thị, khu công nghiệp, dân sinh. Có biện pháp khơi thông hệ thống kênh mương tiêu thoát nước.
Đặt mục tiêu quyết tâm bảo vệ các khu công nghiệp của tỉnh, đồng chí Vương Quốc Tuấn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan có phương án hiệu quả xử lý úng ngập hạ tầng khu công nghiệp, đô thị. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó.
Yêu cầu Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp, nhà máy đang hoạt động trên địa bàn triển khai ngay việc kiểm tra, khơi thông hệ thống tiêu thoát nước; chủ động máy bơm tiêu úng dự phòng sẵn sàng huy động khi cần thiết.
Đối với Sở Xây dựng, đề nghị phối hợp với các địa phương rà soát các công trình xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là công trình xây dựng nhà cao tầng, các công trình cao tầng đang sử dụng. Rà soát các phương tiện trên cao (cần cẩu, tháp…), kịp thời có phương án bảo đảm an toàn. Cùng đó, kịp thời thông tin cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở trên các tuyến đường giao thông. Khi xuất hiện sạt lở, cần bố trí phương tiện, nhân lực khắc phục ngay sự cố, không để ách tắc, cản trở việc lưu thông hàng hóa và các phương tiện qua lại. Triển khai ngay việc cắt tỉa cây xanh khu đô thị, khu công nghiệp.
Đề nghị các ngành chức năng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, bám sát tình hình thời tiết từ đó chủ động có biện pháp chỉ đạo bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho Nhân dân; cho học sinh nghỉ học trong trường hợp cần thiết.
Yêu cầu ngành Điện lực bảo đảm duy trì hệ thống điện lưới thông suốt tại trung tâm chỉ huy công tác phòng, chống thiên tai. Các nhà mạng chuẩn bị các phương án ứng phó, xử lý kịp thời các sự cố liên quan đến mạng viễn thông.
Lực lượng công an, quân sự tiếp tục xác định vai trò quan trọng, chủ lực, cần tập trung lực lượng, chuẩn bị đẩy đủ các phương tiện, thiết bị sẵn sàng cơ động tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ di dân tại các địa bàn nguy hiểm, kịp thời xử lý tình huống trong suốt quá trình ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão.
Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, phường, tập trung cao nhất phương án “4 tại chỗ” huy động tổng lực sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Tuyệt đối không để người dân ở lại các vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, bám trụ tại nhà ở xuống cấp, lồng bè nuôi trồng thủy sản hoặc lưu thông, di chuyển ở khu vực nguy hiểm. Ra thông báo cấm đò ngang khi mưa bão về. Đi đôi với các biện pháp ứng phó, địa phương cần nhanh chóng triển khai các phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của thiên tai ổn định đời sống. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền cảnh báo, dự báo tình hình mưa bão qua các phương tiên thông tin đại chúng, qua tin nhắn điện thoại để mọi người dân đều nắm bắt được tình hình. Đặc biệt là thông tin ngay các vị trí có nguy cơ sạt lở, giúp các phường, xã kịp thời thông tin, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Ý kiến bạn đọc (0)