Lặng thầm gieo yêu thương
BẮC NINH - Bằng tình yêu và sự thấu hiểu, nhiệt huyết, cô Sim và đồng nghiệp đã xây dựng hệ thống giáo dục Hoa Hướng Dương, mang đến môi trường học tập thân thiện và hạnh phúc cho những trẻ đặc biệt.
Dạy trẻ tự kỷ không phải là một nghề bình thường - đó là sứ mệnh của trái tim với lòng kiên trì và niềm tin: "Trong mỗi đứa trẻ đều có một ngọn lửa chờ được thắp sáng và chúng ta hãy dùng yêu thương để thắp lên ngọn lửa ấy" - đó là tâm sự của cô giáo Dương Thị Sim, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giáo dục đặc biệt Hoa Hướng Dương (phường Kinh Bắc). Bằng tình yêu và sự thấu hiểu, nhiệt huyết, cô Sim và đồng nghiệp đã xây dựng hệ thống giáo dục Hoa Hướng Dương, mang đến môi trường học tập thân thiện và hạnh phúc cho những trẻ đặc biệt.
![]() |
Cô giáo Dương Thị Sim sử dụng bộ học liệu giúp trẻ nhận diện và liên kết từ với hình ảnh để phát triển khả năng ngôn ngữ một cách tự nhiên. |
Cơ duyên đến với giáo dục đặc biệt của cô giáo Sim bắt nguồn từ một trải nghiệm sâu sắc, khi có dịp thăm một trung tâm hỗ trợ trẻ khuyết tật. Hình ảnh cậu bé tự kỷ ngồi nép chặt sau lưng mẹ - một phụ nữ gầy gò với đôi mắt buồn đã chạm đến trái tim cô. Từ giây phút đó, cô Sim mong muốn có thể làm điều gì đó giúp những đứa trẻ không may mắn. Cô nhận ra những đứa trẻ đặc biệt không chỉ cần sự quan tâm, chăm sóc mà quan trọng hơn là cần một con đường giáo dục phù hợp để phát triển.
Từ những trăn trở ấy, cô Sim quyết định theo đuổi ngành giáo dục đặc biệt với tất cả sự quyết tâm và tình yêu thương. Với trách nhiệm và tấm lòng dành cho những trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, hơn 10 năm qua, cô giáo Sim đã vượt qua nhiều khó khăn để thành lập hệ thống Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương.
Điều đặc biệt tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Hoa Hướng Dương là việc nhận các phụ huynh có con tự kỷ làm việc tại đây. Cô Sim thổ lộ: "Hơn ai hết, chính cha mẹ là người hiểu sâu sắc và thấu cảm nhu cầu của con mình nhất. Nhận phụ huynh của trẻ tự kỷ vào làm việc là một quyết định sáng suốt và nhân văn của chúng tôi". Nhờ vậy, trong suốt quá trình hoạt động, đơn vị đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, không chỉ là nơi giúp trẻ phát triển, mà thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai của trẻ tự kỷ. Các con không chỉ phát triển về mặt nhận thức mà còn tiến bộ rõ rệt trong giao tiếp và hoà nhập xã hội.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đặc biệt, giúp trẻ tự kỷ có tương lai tốt hơn, cô Sim còn nghiên cứu, xây dựng bộ học liệu "Phát triển nhận thức - Ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ" với 16 chủ đề xoay quanh các tình huống và khái niệm quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Bộ học liệu mang đến cho trẻ cơ hội học tập một cách tự nhiên, không gò bó, đồng thời cá nhân hóa mức độ tiếp nhận của mỗi trẻ dựa trên khả năng và nhu cầu riêng. Thông qua hình ảnh và tương tác, bộ học liệu còn là cầu nối giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng nhận thức và ngôn ngữ, giúp phụ huynh và giáo viên nắm bắt được quá trình phát triển của trẻ một cách sát sao và hiệu quả.
Bộ học liệu đã phát huy hiệu quả khi rút ngắn 1/3 tiến trình can thiệp, mở ra cơ hội nói được sớm hơn, phát triển tư duy nhanh hơn và hòa nhập xã hội tốt hơn cho hàng trăm trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ. Nhờ ý nghĩa, hiệu quả và tính ứng dụng thực tiễn cao, dự án về Bộ học liệu "Phát triển nhận thức - Ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ" do cô giáo Sim nghiên cứu đã đạt giải Ba cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Cô giáo Dương Thị Sim bộc bạch: “Mỗi trẻ, dù có khác biệt hay khó khăn đến đâu, đều có quyền được phát triển và được yêu thương. Tôi tin rằng, với sự ủng hộ và chung tay của cộng đồng, trong tương lai hoạt động giáo dục trẻ tự kỷ sẽ được quan tâm nhiều hơn, giúp nhiều trẻ đặc biệt có cơ hội tiếp cận với phương pháp giáo dục phù hợp và mở ra một tương lai tốt đẹp hơn cho các con”.
Ý kiến bạn đọc (0)