Mùa thu hoạch cá lồng trên sông Đuống
BẮC NINH - Dưới cái nắng chói chang một ngày đầu tháng 7, trên những khung lồng đầy ắp cá được nuôi dưỡng bởi dòng nước sông Đuống hiền hòa, người nông dân đang bước vào một trong 2 vụ thu hoạch quan trọng của năm. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng người, xe chở cá đi lại tấp nập, rộn ràng vang cả khúc sông, ai cũng hối hả thu vén trọn vẹn thành quả. Công việc trải qua nhiều công đoạn vất vả, song trên gương mặt những người nông dân ai nấy đều rạng rỡ.
“Mùa vàng” trên sông
Tạm thu xếp công việc sau những ngày đầu sáp nhập tỉnh, chúng tôi trở lại xã Phù Lãng để được hòa mình vào mùa thu hoạch cá lồng trên sông Đuống của bà con nơi đây. Ngồi nghỉ ngơi sau những mẻ cá diêu hồng được đưa từ lồng lên chiếc xe tải chờ ở đầu bờ đê thôn Kiều Lương, ông Vũ Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng phấn khởi: “Năm nay thời tiết thuận hòa, cá nuôi chóng lớn cho năng suất cao, bán ra chênh hơn 2 giá so với cùng kỳ. Bởi vậy mỗi lồng cho lãi khoảng 50-60 triệu đồng, nông dân chúng tôi lấy đó làm động lực vươn lên sau cú sốc bão Yagi năm ngoái. Hy vọng kỳ thu hoạch cá cuối năm cũng được giá, được mùa như vậy”.
![]() |
Cá chép được thu hoạch có trọng lượng 3-4 kg/con. |
Chung niềm phấn khởi với ông Chiến, vừa vuốt những giọt mồ hôi rơi trên khóe mắt và đón cốc nước giải khát từ tay “đồng đội”, ông Nguyễn Văn Trách, chủ nhân của hơn 100 lồng nuôi tiếp lời: “May nhờ có mấy anh em sang giúp một tay, người bắt cá, người cân, người ghi sổ, nên 2 lồng cá diêu hồng sản lượng tới hơn 11 tấn của gia đình chỉ thu trong buổi sáng là xong. Bà nhà tôi còn đùa: Tiền bán cá chuyến này có khi phải đi mua vàng để dành dưỡng già, mới tiêu được hết”.
Câu chuyện thêm phần rôm rả khi ông Nguyễn Văn Đoàn, một thương lái quen đến từ tỉnh Ninh Bình vừa kiểm tra lại bình ô xy cho các thùng cá chuẩn bị chuyến đi dài cho hay: “Cứ vào vụ thu hoạch cá, dù ở xa nhưng chỉ cần các bác chủ lồng nhấc điện thoại thông báo là chúng tôi có mặt từ sớm tại bến Kiều Lương để thu mua, sau đó mang đi phân phối cho các nhà hàng, đầu mối tiêu thụ tại Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình.... Năm nay, giá bán tăng hơn nhưng các đơn hàng vẫn khá đều, cả người mua và người bán đều có lộc, ai cũng vui”.
![]() |
Các hộ nuôi cá lồng trên sông Đuống tại thôn Chi Nhị, xã Đại Lai khẩn trương thu cá chép. |
Là vùng nuôi cá lồng trên sông, quy mô lớn nhất đoạn sông Đuống chảy qua xã Phù Lãng, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng có 15 hộ thành viên với 420 lồng, chuyên nuôi các giống cá diêu hồng, rô phi, chép giòn, lăng đen, trắm đen, ngạnh… Lựa chọn cá diêu hồng là đối tượng nuôi đầu tiên sau khi đặt lồng, những người có kinh nghiệm của Hợp tác xã Chiến Thắng đều cho rằng đây là loại cá khá dễ tính, hiệu quả cao. Chỉ với khoảng 5-6 tháng cho ăn tích cực, cá diêu hồng có thể đạt trọng lượng 0,4- 0,5 kg, người dân thu tỉa cá lớn trước, sau đó thu rải rác. Một số hộ trường vốn mua thức ăn nuôi đạt trọng lượng lớn để bán giá cao hơn. Trong tổng số 420 lồng nuôi, Hợp tác xã Chiến Thắng có khoảng 140 lồng nuôi cá diêu hồng, bắt đầu cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch và đến nay đã xuất bán được 8 lồng, sản lượng hơn 50 tấn, năng suất tăng so với cùng kỳ.
Mỗi lứa cá được thu hoạch đều mang đến cho người nuôi cá lồng cảm xúc bâng khuâng khó tả. Ai cũng biết làm nông nghiệp là vô cùng rủi ro, có lúc thu hoạch được giá, cũng có lúc bị ép giá, hay chẳng may gặp thiên tai, dịch bệnh thì trắng tay, song dù vui hay buồn, người nông dân đều đau đáu nghĩ xem sẽ làm gì tiếp theo ở những lứa cá mới. Hơn hết, ai cũng cầu mong mưa thuận gió hòa để thành quả chăn nuôi suốt cả năm trời với số vốn tích lũy nhiều năm được bảo toàn, sinh sôi và duy trì cuộc sống ấm no. |
Niềm vui khi cá “được mùa, được giá” của bà con không chỉ hiện hữu bên bờ Bắc mà còn lan tỏa sang cả bờ Nam (bên kia sông Đuống). Ông Trần Văn Vang, chủ nhân của 19 lồng nuôi cá trên sông Đuống, đoạn qua thôn Chi Nhị, xã Đại Lai cũng khẩn trương thu mẻ cá chép bán cho một cơ sở nuôi trong vùng để chuyển sang giai đoạn ép giòn. Tranh thủ quãng nghỉ sau vụ gặt lúa xuân, các hộ đều nhiệt tình hỗ trợ nhau mỗi khi có lồng cá nào cần thu hoạch. Trên thành lồng, ba người đàn ông kéo từng đoạn lưới cố định neo cao để lùa đàn cá vào một góc, thuận tiện cho việc thu gom. Giữa đám bọt tung trắng xóa khi đàn cá đua nhau khoắng nước, ông Vang nhấc từng con cá ra khỏi lồng của mình để di chuyển sang lồng của người mua ở gần đó. “Nhà tôi vào giống cá chép nuôi cũng được 5-6 tháng rồi, chăm bẵm từ bữa ăn đến phòng bệnh từng ngày, giờ mỗi con cá nặng khoảng 3-4 kg. Tôi vét lưới bán cá thương phẩm, một phần cung ứng tiêu thụ ra thị trường, còn phần lớn là các hộ nuôi cá đặc sản mua về tiếp tục thực hiện các công đoạn chăm sóc cần thiết cho thịt săn chắc, vào giòn để kịp thu hoạch dịp cuối năm, phục vụ thị trường dịp Tết” - ông Vang nhìn theo những con cá sang lồng mới với ánh mắt đầy hy vọng.
Hồi sinh sau bão
Nắng vẫn trải vàng trên dòng sông Đuống hiền hòa. Tại vùng bãi ngoài sông thuộc xã Nhân Thắng, ông Phạm Công Huân chuẩn bị lồng, thức ăn, vệ sinh khử trùng môi trường... “đón” những lứa cá mới cập bến để vào giống cho vụ kế tiếp. Năm 2024, cơn bão Yagi quét qua, toàn bộ 32 lồng nuôi cá của ông mới đầu tư được khoảng 3 năm đều bị ảnh hưởng nặng nề. Tới nay, cùng với chính sách hỗ trợ nông dân sau bão, ông đã vay mượn thêm khắc phục được 26 lồng nuôi cá trên sông và gần 10 mẫu ao nuôi cá ngay trên vùng đất bãi liền kề. Nhờ tham gia vào các hội, nhóm nuôi cá lồng trên sông, ông Huân có nhiều kinh nghiệm về lựa chọn đối tượng nuôi, thời điểm vào giống, cách phòng trừ dịch bệnh. Lần này, ông chủ động sản xuất rải vụ, nắm bắt quá trình sinh trưởng của đàn cá rồi mới vào các lồng tiếp theo. Trước mùa mưa bão, ông sắm thêm dây tời gắn vào các lồng, để khi nước sông lên cao kéo vào gần bờ, giảm mức thiệt hại tối đa.
![]() |
Chăm sóc cá diêu hồng vào vụ mới tại hộ ông Đoàn Xuân Thuấn (xã Đại Lai). |
Cùng chung dòng chảy, ông Trần Văn Quý, thôn Hữu Ái (xã Đông Cứu) vừa đặt mua gần 1 tấn giống cá diêu hồng với mức 1.200 đến 1.500 đồng/con loại 60 con/kg. Sau khi đưa cá vào lồng, ngày nào ông Quý cũng theo dõi con nước. Hễ thấy nước đục là ông lại bật máy sục khí ô xy cho cá dễ chịu. Ông Quý chia sẻ: “Nuôi cá lồng tuy thuận lợi nhưng lại khó xử lý hơn trong ao đất, bởi diễn biến ngoài mặt nước lớn như dòng sông rất khó kiểm soát, nhất là khi nước lũ dâng, dòng chảy xiết khiến cá dễ bị ngạt. Chăm cá như chăm trẻ con vậy, phải quan sát kỹ biểu hiện của nó hằng ngày để có phương án ứng phó kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì mới không mất trắng”.
Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, lưu vực sông Đuống đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh có nhiều lợi thế để nuôi cá lồng, đặc biệt là nhờ dòng chảy thuận lợi và nguồn nước dồi dào, ít ô nhiễm, giúp cá sinh trưởng tốt và giảm thiểu dịch bệnh. Đến nay, toàn tỉnh có 2.793 lồng nuôi cá và đa số điểm đặt lồng nằm trên sông Đuống tập trung tại các xã: Đại Lai, Cao Đức, Phù Lãng, phường Mão Điền... Nhiều loại cá có chất lượng, giá trị kinh tế cao được đưa vào nuôi thâm canh như: Chép lai, rô phi đơn tính, diêu hồng, nheo Mỹ, ngạnh, tầm… năng suất bình quân mỗi vụ đạt 4-6 tấn/lồng, cao hơn nhiều so với nuôi cá trong ao đất.
![]() |
Thu hoạch cá lồng tại hộ ông Trần Văn Vang (xã Đại Lai). |
Đồng hành với nông dân, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh tích cực tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển loại đặc sản phù hợp với điều kiện thực tế; hỗ trợ tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cung ứng các con giống bảo đảm chất lượng; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; làm công tác quan trắc, cảnh báo dự báo về chất lượng môi trường nước để người dân có biện pháp xử lý kịp thời. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, môi trường, nhất là khi mùa mưa bão cận kề, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh khuyến cáo các hộ nuôi cá lồng trên sông chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn khi lắp đặt và sử dụng điện, cố định các neo và dây neo lồng, bổ sung hệ thống sục khí trên các cụm lồng nuôi, thường xuyên vệ sinh lưới lồng nuôi, duy trì an toàn cho các đối tượng thủy sản.
Đối với các hộ nuôi cá chưa đến kỳ thu hoạch cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh… để cá sinh trưởng, phát triển tốt. Khi phát hiện cá nổi đầu trên mặt lồng, bơi lờ đờ, đầu hướng đầu nguồn nước chảy cần bình tĩnh xác định nguyên nhân, nếu do thiếu oxy cần vận hành hệ thống sục khí, máy bơm để cung cấp đủ oxy cho cá. Bổ sung vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn... Về lâu dài, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh liên kết xây dựng hệ thống tiêu thụ sản phẩm, để việc phát triển các mô hình con nuôi đặc sản trở thành hướng đi bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân; đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã thuỷ sản, chi hội nghề cá… nhằm liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế khi thu hoạch.
Rời bến sông Đuống cùng đoàn xe chở cá phân phối đi các ngả khi mặt trời đã đứng bóng, trong lòng chúng tôi không chỉ chan chứa niềm vui được mùa cùng bà con, mà còn mang theo cả những tâm tư, trăn trở của người nuôi cá lồng trên sông khi mùa mưa lũ đang cận kề. Nhưng trên tất cả vẫn là sự ngưỡng mộ, khâm phục tinh thần không chùn bước trước những thử thách của thiên nhiên, của biến động thị trường mà vẫn kiên trì bám trụ với nghề của những người nông dân tần tảo nơi đây.
Ý kiến bạn đọc (0)