Nét thanh lịch làng Diềm
BẮC NINH - Viêm Xá xưa có tên nôm là làng Diềm, là “cái nôi” Thủy tổ quan họ. Ngày nay, khu phố Viêm Xá thuộc phường Kinh Bắc (Bắc Ninh). Nơi đây còn gìn giữ và phát huy nhiều nét văn hoá đặc sắc.
Viêm Xá có đền thờ Thuỷ tổ quan họ, gọi là đền Vua Bà. Tương truyền, bà là con gái của vua Hùng, tài sắc hơn người. Trong một lần đi du xuân thưởng ngoạn, thấy Viêm Xá sơn thuỷ hữu tình, bà liền lưu lại, gây dựng cuộc sống, mở mang phong tục, giáo hoá dân lành. Bà còn dạy cho dân những lời ca, điệu hát để động viên mọi người hăng say làm lụng. Từ những bài ca đơn sơ được trau chuốt dần trở thành làn điệu quan họ. Để nhớ ơn công lao của bà, dân làng Diềm lập đền thờ gọi là đền Vua Bà.
![]() |
Người dân Viêm Xá trong ngày hội truyền thống của khu phố. |
Ngày nay, trong tiến trình đô thị hoá mạnh mẽ nhưng khu phố Viêm Xá vẫn giữ được không gian đặc trưng của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình, hệ thống chùa chiền, cổng làng, nhà cổ... Nơi đây có hệ thống di sản văn hóa đặc trưng của không gian văn hóa quan họ như: Đền thờ Vua Bà - Thủy tổ của quan họ; nhà chứa - không gian văn hóa cộng đồng đặc thù của người quan họ; Đền Cùng - Giếng Ngọc thờ Ngọc Dung công chúa và Thủy Tiên công chúa; Đình Diềm thờ Đức thánh Tam Giang được xây dựng từ năm 1692, có bức cửa võng được công nhận là Bảo vật quốc gia...
Nét đặc trưng của người Viêm Xá chính là giọng nói với âm sắc đặc biệt, hơi nặng hơn so với cư dân các làng khác trong vùng. Thế nhưng, khi người Viêm Xá cất lên câu ca quan họ với đầy đủ các yếu tố kỹ thuật đặc trưng “vang, rền, nền, nẩy” thì lại vô cùng say đắm, cuốn hút lòng người. Điều đó có lẽ xuất phát từ đặc trưng của quan họ - lời ca của những người dân chân chất như hạt lúa củ khoai lớn lên từ đồng đất quê hương.
![]() |
Hát quan họ phục vụ bà con nhân dân tại Hồ Vua Bà, khu phố Viêm Xá. |
Đền Cùng - Giếng Ngọc là điểm di tích luôn tấp nập du khách đến dâng hương, vãn cảnh vào mùng một, ngày rằm, nhất là dịp đầu xuân. Đến đây, mọi người đều cư xử văn minh, nói năng nhẹ nhàng, tuyệt nhiên không có hiện tượng chèo kéo du khách gửi xe, mua hàng hoá hay cúng thuê. Lực lượng tự quản do bà con địa phương cử ra, túc trực ngoài di tích để hướng dẫn du khách gửi xe đúng chỗ. Trong sân di tích, các cụ cao niên tổ chức bán đồ lễ, viết sớ cho du khách tại khu vực quy định với giá cả phải chăng, phong thái lịch sự. Những du khách chưa biết về cách thức hành lễ sẽ được các cụ túc trực ở nhà đền hướng dẫn tận tình.
Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố Viêm Xá Nguyễn Văn Tý bộc bạch với chúng tôi: “Cư dân Viêm Xá vốn chân chất, thật thà, hay lam hay làm và rất tự hào về truyền thống làng Thủy tổ quan họ cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa đặc sắc. Chi bộ lãnh đạo các tổ chức đoàn thể tập hợp nhân dân đoàn kết, xây dựng nếp sống, môi trường văn hóa, nhất là trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa”. Có lẽ, chính điều đó đã định hình “thương hiệu” văn hóa đặc sắc riêng có của đất và người Viêm Xá đối với du khách thập phương.
Ý kiến bạn đọc (0)