Tình mẹ
BẮC NINH - Gã đứng tựa vào cửa nhà, nắng đã lên cao và gắt hơn, những con chim chuyền cành trên vòm cây trước ngõ vỗ cánh bay đi hết. Hơi gió thoảng đưa đến hương thơm quen thuộc của làng quê, mùi đất cày ải và những bông hoa ngoài đồng nội...
Người mẹ bưng bát cháo nóng hổi, múc một muỗng đưa gần miệng gã, giọng ngọt ngào như dỗ dành con trẻ:
- Ăn cháo trứng gà tía tô giải cảm đi con. Ăn rồi uống thuốc, một lát là nhẹ người.
Gã quay mặt tránh muỗng cháo, gã có phải con nít đâu mà đợi mẹ bón cho. Giành lấy cái bát từ tay mẹ, gã thổi phù rồi húp một hơi. Cháo thơm ngon quá, tía tô hái sau vườn, trứng con gà mái mơ mới nhảy ổ. Húp mấy hơi, cái bụng trống rỗng của gã nóng lên, mồ hôi trên trán, trên mũi thấm từng giọt nhỏ.
Mẹ lấy khăn lau mặt cho gã, nhỏ giọng nhắc:
- Ăn từ từ thôi, sao không dùng thìa mà húp soàn soạt thế hả?
Gã nhìn mẹ mỉm cười rồi húp cạn bát cháo. Người mẹ xuống bếp bê nồi cháo lên, trút tất cả vào cái bát trên tay gã. Gã lại vừa thổi vừa húp, một lát hết veo. Mẹ gã vui lắm, lấy túi thuốc đặt lên bàn, nhanh nhẹn rót một cốc nước:
- Con uống thuốc này. Mẹ mua hai liều, bây giờ con uống ba viên, sáng mai uống thêm ba viên nữa.
Gã bóc mấy viên thuốc cho vào miệng nuốt ực, tu cạn cốc nước rồi ngả đầu xuống gối. Gã nhắm mắt muốn ngủ nhưng bị mẹ đập đập lên lưng:
- Đợi chút để mẹ cạo gió. Dầm mưa gần nửa tiếng đồng hồ, có dại không chứ.
![]() |
Minh họa: AI |
Gã lười nhác lật úp trên giường, thò tay ra sau vén áo lên. Người mẹ thoa dầu, dùng đồng xu cạo dọc xuống, một đường đỏ bầm chạy từ cổ đến thắt lưng gã. Bà nhăn mặt thở dài, bàn tay gầy guộc đấm bóp hai vai đứa con trai. Gã úp mặt vào gối, tận hưởng cảm giác thân thuộc đã lâu gã chưa gặp lại.
Lâu lắm rồi gã mới về làng thăm mẹ, chắc cũng hơn nửa năm chứ ít gì. Ở thành phố chật chội ngột ngạt, cái phòng trọ gã thuê bé tí tẹo, kê một cái giường với chiếc xe gắn máy là hết phương cựa quậy. Vậy đó mà gã cố bám trụ lại, cương quyết không về làng. Ở làng không có công việc cho gã, với lại về làm gì, khi mà bạn bè ai nấy đều lập gia đình hoặc phiêu bạt làm ăn. Và lý do sâu kín hơn cả là gã không muốn về, gã sợ nhìn cảnh cũ rồi lại nhớ người xưa.
Mẹ gã năm nay sáu mươi tuổi, còn minh mẫn khỏe khoắn, mảnh vườn sau nhà trồng rau nuôi gà cũng đủ cho bà ra chợ đổi lấy gạo thịt. Gã làm trên phố, hằng tháng gửi tiền cho mẹ mua sắm thêm. Người mẹ tằn tiện đã thành nếp, tiền của gã bà chẳng tiêu một đồng, đem gói thật kỹ, cất trong cái rương gỗ dưới gầm giường, chờ ngày gã lấy vợ, bà sẽ đổi mấy chỉ vàng cho vợ chồng gã có vốn làm ăn.
Gã đâu biết đến những tính toán của mẹ, ngày qua ngày cần mẫn làm lụng, lâu lâu cùng anh em chiến hữu trong xưởng làm một bữa no say. Cuộc sống cứ thế chậm rãi trôi đi, gã biết mình không còn trẻ như xưa để mải miết rong chơi nữa. Những đêm thao thức, gã nhớ đến người mẹ ở nhà, mai mốt bà già yếu, ngoài gã ra còn ai lắng lo cho. Nghĩ thế, gã chuyên tâm làm việc kiếm tiền, bây giờ là nuôi thân, sau này là nuôi mẹ.
Sắp đến ngày đám cưới con trai, ông chủ xưởng mộc cho nhân công nghỉ ba ngày. Ai nấy hồ hởi xách túi xách gói về với vợ con, chỉ có gã một thân một mình ở lại. Chân tay quen làm lụng, mới có nửa ngày trong phòng trọ mà gã thấy buồn chết đi được. Chán quá, gã bật dậy khóa cửa chạy xe về làng. Đường về làng không xa nhưng vắng vẻ, giữa chừng gặp cơn dông, không có áo mưa cũng không tìm chỗ trú, gã cứ thế chạy một mạch đến nhà, thế là bị nhiễm lạnh, lên cơn cảm sốt.
Người mẹ cạo gió xong, mấy viên thuốc vừa uống cũng vừa kịp có tác dụng, gã thấy mũi đỡ nghẹt, đầu bớt đau nhức. Gã nằm thẳng người lại, bây giờ thì chắc là ngủ được rồi, gã tự nhủ khi tiếng bước chân mẹ xa dần xuống bếp. Với tay tắt điện, gã nhắm mắt lại, những mơ mộng kỳ lạ kéo đến, gã thiếp đi khi mồ hôi tuôn ra ướt đẫm chân tóc.
* * *
Gã bị tiếng dép lẹt quẹt của mẹ sau hè và tiếng gà gáy vang vang trước ngõ đánh thức. Nắng đầu ngày chiếu xuyên ô tò vò, rơi trên lá, đổ xuống sàn xi măng những chấm tròn li ti. Gã uể oải vỗ trán mấy cái rồi vén màn ra bể nước rửa mặt. Người mẹ đang lúi húi giữa luống rau, thấy gã, bà mỉm cười mang cái rổ đầy ắp những cọng hành xanh mướt để lên giàn củi rồi lại chuồng gà lấy vài quả trứng hồng tươi.
Gã rửa mặt xong, lại giường xếp mùng mền thì nghe mẹ gọi dưới bếp:
- Xuống ăn cháo rồi uống thuốc con ơi. Đã khỏe hơn chút nào chưa?
Gã bước xuống nhà, vuốt lại mái tóc rối:
- Khỏe hơn rồi, mẹ ạ.
Cháo múc ra hai bát lớn, gã và mẹ ngồi xuống đối diện nhau, chính giữa là cái nồi bốc khói nghi ngút. Gõ chiếc thìa kim loại vào bát sứ lanh canh, người mẹ hỏi gã sao lâu rồi không về thăm quê. Gã nói mình bận, rồi giả vờ cắm cúi ăn để tránh ánh mắt minh mẫn của bà. Mẹ gã thở dài, khuấy bát cháo đã nguội:
- Quên nó đi, rồi tính chuyện lấy vợ chứ con.
- Có gì mà quên với nhớ.
Gã nhăn mặt tặc lưỡi một cái. Hình ảnh nàng hiện lên, lúc đầu mờ nhạt, dần dần trở nên rõ ràng. Cách nhà nàng một con dốc thoai thoải, thời học sinh, sáng nào gã cũng chạy xe đến trước cổng nhà đợi nàng cùng đến lớp. Tốt nghiệp xong, gã đi học nghề mộc, nàng đi học nghề may. Gã thương nàng từ lâu nhưng không nói, chưa kịp ngỏ lời thì đùng một cái nàng lấy chồng. Ngày cưới nàng, gã tươi tỉnh đến dự, nhưng chỉ ngồi một lúc rồi tìm cớ về sớm. Từ đó gã ở lì trên phố, chỉ dịp lễ Tết mới về thăm nhà.
- Thế đã có ai chưa. Không thì để mẹ tìm cho nhé? - Người mẹ hỏi, nhìn xoáy vào mặt gã thăm dò.
- Thôi, phiền lắm.
Gã nuốt vội muỗng cháo rồi đứng dậy cầm cái bát rỗng ra sau hè vứt vào chậu rửa. Người mẹ thở dài đưa mắt nhìn theo. Đời bà chỉ có một đứa con trai này thôi, bao nhiêu yêu thương hy vọng gửi gắm cả vào đấy, bà muốn nói với con nhiều thứ lắm, nhưng nó kín đáo thầm lặng hệt như chồng bà vậy. Hai mẹ con mỗi người ôm một bầu tâm sự, không ai chịu giãi bày mà cứ giấu hết vào lòng, nó như hạt sạn cứa vào tim gan, đau xót mà không làm gì được.
Nghĩ đến đó, miếng cháo trong miệng nghẹn lại, ăn không nổi nữa, người mẹ dọn mâm bát xuống bếp. Gã uống xong liều thuốc cảm, thấy tỉnh táo hơn bèn đem ghế ra ngồi trước hiên nhà. Tiếng chim lích chích trên vòm cây nghe reo vui đến lạ, bụi hoa giấy trước ngõ rung rinh trong gió sớm, vài người đàn bà đi chợ về, tiếng cười râm ran ngoài hàng giậu. Gã lim dim mắt, đang mơ màng thì một giọng nói vang lên:
- Làm gì mà lâu nay không thấy mặt mũi? Về khi nào đấy?
Gã mở mắt ra, thấy bà cô hàng xóm liền đáp:
- Cháu về chiều qua.
Bà hàng xóm nghiêm mặt, một tay chống lên hông, nói oang oang:
- Bận rộn mấy cũng phải về chứ. Để bà ấy lủi thủi một mình như thế.
Gã ngậm chặt miệng chẳng biết nói làm sao. Lúc này mẹ gã bước ra, vừa nói vừa cười:
- Cô vào nhà chơi. Cháu nó mới về, lại bị cảm nữa.
- Rõ khổ. Về đây hai mẹ con chăm sóc lẫn nhau có phải hơn không? Bà hàng xóm tặc lưỡi - Em không vào đâu, sang xin củ gừng thôi.
- Để tôi ra vườn đào nhé, đợi một tí.
- Thôi, để em, để em.
Bà hàng xóm kéo dài giọng rồi nhanh nhẹn đi qua hông nhà vòng ra sau vườn. Còn lại một mình, gã đứng ngó nghiêng mấy chậu huệ mưa, không người chăm bẵm, chúng còi cọc èo uột, rũ những chiếc lá héo úa xuống nền đất khô cằn. Phía cuối vườn, thỉnh thoảng vọng lại tiếng trò chuyện của mẹ gã và bác hàng xóm. Tự nhiên, gã nghe lòng bồi hồi, vì cơn đau trong người chưa dứt và vì những cảm xúc kỳ lạ dâng lên chẹn ngang lồng ngực.
Lát sau bà hàng xóm trở về, tay xách theo một nhánh gừng, đi qua trước nhà đứng lại kể với gã rằng tháng trước mẹ gã ốm, bà ấy cùng mấy cô bác nữa sang chăm sóc. Có người muốn nhắn gã về nhưng mẹ gã không cho, sợ gã chậm trễ công việc, lại nói mình bệnh vài ngày là hết, không cần phiền đến ai cả.
Gã đứng tựa vào cửa nhà, nắng đã lên cao và gắt hơn, những con chim chuyền cành trên vòm cây trước ngõ vỗ cánh bay đi hết. Hơi gió thoảng đưa đến hương thơm quen thuộc của làng quê, mùi đất cày ải và những bông hoa ngoài đồng nội. Bà hàng xóm đi khuất rồi, nhưng giọng nói lanh lảnh và câu chuyện bà ấy vừa tiết lộ cứ mãi chờn vờn trong tâm trí gã.
Tiếng chân người mẹ loạt soạt dưới bếp, hình như bà đang sửa soạn dẹp dọn gì đấy. Tiếng động khẽ khàng rón rén ấy quen thuộc quá, từ nhỏ đến lớn, trong gian nhà này, gã nghe mãi đến quen và có lúc tưởng như nó không hề tồn tại. Mắt ươn ướt, gã bước vội xuống bếp. Người mẹ đang ngồi dưới sàn bóc vỏ đậu phộng, thấy mặt gã, bà nói:
- Trưa nay mẹ nấu canh bí đỏ đậu phộng, hay con thích ăn cháo hơn?
Gã ngồi thụp xuống cạnh mẹ, hai tay đặt lên vai bà:
- Chỉ cần mẹ nấu thì món gì con cũng thích.
Mẹ gã cười, bàn tay chai sạn đảo mớ đậu trong rổ. Gã nhìn mãi những nếp nhăn hằn sâu trên khóe mắt mẹ, vài sợi tóc đen ít ỏi chen lấp giữa mớ tóc bạc, tất cả được buộc túm bằng cái kẹp ba lá sau gáy. Bàn tay gã lần xuống lưng mẹ, bà gầy quá, xương sống nhô lên dưới lớp áo mỏng, những đường gân xanh lộ rõ trên hai cánh tay đầy vết đồi mồi.
- Con về làng ở với mẹ luôn, có được không?
Người mẹ nghĩ gã đùa, bèn đáp:
- Ừ, về đây trồng rau nuôi gà với mẹ, hai mẹ con mình rau cháo nuôi nhau.
Gã chống gối đứng dậy, suy nghĩ điều gì, tự nhiên lại nói:
- Từ nay, cuối tuần nào con cũng về với mẹ. Con ở phố làm lụng thêm vài năm nữa, kiếm đủ vốn rồi, sẽ về quê tính chuyện làm ăn.
Người mẹ ngước nhìn gã, đôi mắt còn tinh anh thoáng chút ngạc nhiên xen lẫn nghi ngờ, nhưng tất cả qua đi rất nhanh. Bà chép miệng, nét hiền hậu bao dung đong đầy trên gương mặt:
- Con tính sao cũng được, mẹ chỉ muốn con vui vẻ khỏe mạnh, cũng muốn con mau lấy vợ để có người chăm sóc.
Gã cười không đáp, quay gót đi lên nhà trên, lòng nôn nao những buồn vui trộn lẫn. Gã biết những dự định vừa nói với mẹ chỉ là nhất thời. Và mẹ gã chắc cũng biết rõ như thế nên không tỏ vẻ gì can ngăn hay ủng hộ. Nhưng lời hứa cuối tuần nào cũng về làng, thì gã dám chắc mình làm được. Đường về làng không xa, cuối con đường là căn nhà nép mình sau hàng giậu, có vườn rau ao cá, có dáng mẹ tảo tần. Tình yêu người mẹ bao la vô bờ bến, bà luôn ngóng đợi gã về, hai cánh tay dang rộng như đôi cánh chim, chở che chăm sóc như ngày gã còn thơ ấu...
Ý kiến bạn đọc (0)