Vượt nắng, thắng mưa trên các cung đường
"Bạn" với nắng, mưa
Dù trời mưa nhưng tốp cán bộ, công nhân Hạt Quản lý đường bộ Sơn Động vẫn miệt mài làm việc ở lưng chừng đèo Chinh trên tuyến quốc lộ (QL) 279 bên cạnh dòng xe xuôi ngược. Nhóm khơi thông rãnh để nước mưa chảy từ trên núi xuống thoát nhanh, vài người phát cỏ, dọn dẹp hành lang. Mùa này cây cỏ mọc nhanh, cắt ở đoạn này thì đoạn kia đã lên xanh tốt, tràn ra lề đường, rãnh dọc, ảnh hưởng đến giao thông.
![]() |
Công nhân Hạt Quản lý đường bộ Sơn Động khơi thông rãnh thoát nước trên đèo Chinh thuộc tuyến QL279. |
Anh Nông Văn Liên, dân tộc Tày, có hơn chục năm gắn bó với nghề tuần đường nói: “Đơn vị có ít người, địa bàn lại rộng nên anh em luôn động viên nhau cố gắng. Trái với những nghề khác, với công nhân cầu đường, càng mưa nắng càng phải ra đường. Mùa hè, mặt đường 45- 50 độ C, khi sửa chữa, vá lấp mặt đường hư hỏng, chúng tôi còn phải tiếp xúc với nhựa đường nóng chảy vài trăm độ, khói bụi độc hại.
Mùa mưa bão thường xuyên tuần tra để phát hiện, xử lý những điểm sạt lở, cây đổ…, không để ùn tắc. Nhiều đêm mưa to, anh em gọi điện thoại, chia nhau đến những chỗ thường xuyên ngập, có lũ, phối hợp chốt chặn, cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chuyện gác đường xuyên đêm, không có chỗ trú mưa bão là bình thường với chúng tôi”.
Được biết, Hạt Quản lý đường bộ Sơn Động quản lý gần 100 km đường các loại, gồm QL31 (28 km), QL279 (27 km), đường tỉnh 293 (19 km), một số tuyến đường huyện… có những điểm cách xa trung tâm hàng chục km, giáp ranh với hai tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn. Địa hình phức tạp, núi cao, nhiều đèo dốc nguy hiểm và bị chia cắt bởi khe suối, ngầm tràn. Nhiều tuyến đường đã xuống cấp, mặt đường bong tróc, xuất hiện ổ trâu, ổ gà. Trong khi Hạt chỉ có 14 người nên công việc của cán bộ, công nhân viên càng vất vả.
Cũng như huyện Sơn Động, Hạt Quản lý đường bộ Lục Ngạn đang gặp nhiều khó khăn. Anh Nguyễn Văn Thư, Hạt trưởng cho biết, nhiều tuyến đường huyết mạch, đóng vai trò giao thông quan trọng nhưng hư hỏng, nhiều đoạn mất hẳn mặt đường nhiều năm nay như QL31, QL279. Mỗi lần có va chạm, tai nạn giao thông luôn khiến những người làm cầu đường trên địa bàn huyện trăn trở, day dứt. Tuy nhiên việc sửa chữa, cải tạo đòi hỏi nguồn kinh phí lớn là “ngoài tầm với” của họ.
Trái với những nghề khác, với công nhân cầu đường, càng mưa nắng càng phải ra đường. Mùa hè, mặt đường 45-50 độ C nhưng nếu phải sửa chữa, vá lấp chỗ hư hỏng, các công nhân phải tiếp xúc với nhựa đường nóng chảy vài trăm độ, khói bụi độc hại. Mùa mưa thường xuyên tuần tra để phát hiện, xử lý những chỗ sạt lở, cây đổ… |
Chị Thân Thị Vân, công nhân của Hạt chia sẻ: “Tôi đã có 18 năm làm nghề này nhưng lương hiện chỉ gần 4 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng công tác cùng đơn vị, bao năm nay vẫn ở khu tập thể vì thu nhập thấp, quê ở xa lại nuôi con nhỏ. Có những lúc cũng chán nản, băn khoăn nhưng sau rồi nghĩ lại, nghề đã chọn người nên chúng tôi lại bảo nhau cố gắng bám đường, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập
Hiện toàn tỉnh có gần 12 nghìn km đường bộ, trong đó có 5 tuyến QL (1A, 31, 37, 279 và 17) với tổng chiều dài gần 310 km, 18 tuyến đường tỉnh dài hơn 367 km, gần 737 km đường huyện, đường xã dài hơn 2.053 km, hơn 7 nghìn km đường thôn… Trong vài năm tới, chủ trương của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông, do đó việc chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng chiếm khối lượng lớn, đòi hỏi công sức của hàng trăm cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên nguồn kinh phí phục vụ công tác này còn hạn hẹp, đời sống của người lao động, công nhân cầu đường gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Vũ Khiêm, Giám đốc Công ty cổ phần Đường bộ Bắc Giang, doanh nghiệp có gần 200 lao động làm việc tại các hạt quản lý đường bộ và bộ phận chuyên trách chuyên làm công tác bảo trì, duy tu, sửa chữa các tuyến giao thông. Những năm gần đây, do cạnh tranh khốc liệt, nhiều yếu tố bất lợi tác động nên mức tăng trưởng kinh doanh hằng năm của Công ty chưa ổn định, phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp; chưa phát triển thêm được ngành nghề sản xuất, kinh doanh và khai thác hiệu quả lợi thế hạ tầng cơ sở, chất lượng nguồn lao động thấp… đã tác động thu nhập, đời sống người lao động.
![]() |
Sửa chữa QL17 đoạn qua huyện Tân Yên. |
Để khắc phục, Công ty tập trung quản trị chi phí giá thành; tích lũy, chủ động huy động nguồn lực đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới công nghệ; tổ chức, sắp xếp hợp lý bộ máy hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ và năng suất lao động; chăm lo, bảo đảm đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động. Tích cực tham gia nhiều dự án, công trình để tăng doanh thu.
Thực hiện chế độ tiền lương theo cơ chế khoán, bảo đảm vệ sinh an toàn lao động cho công nhân như: Trang bị bảo hộ lao động, thực hiện hỗ trợ bồi dưỡng theo tháng, khám sức khỏe định kỳ... “Chúng tôi đang tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trên lĩnh vực duy tu, sửa chữa thường xuyên đường bộ. Tìm kiếm nhiều việc làm mới cũng như đầu tư trang thiết bị để giải phóng sức lao động. Cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao hiệu quả công việc và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tạo sức hút để cán bộ, công nhân viên yên tâm gắn bó với nghề, duy trì các tuyến đường thông suốt, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh và bảo đảm an toàn giao thông”- ông Khiêm nói.
Ý kiến bạn đọc (0)