Bắc Giang: Chạy "nước rút" cấp căn cước công dân
Khó khăn từ cơ sở
Tính đến ngày 18/11, huyện Lục Ngạn còn hơn 23.000 người chưa được thu nhận hồ sơ cấp CCCD và định danh điện tử - nhiều nhất tỉnh. Ở một số nơi như: Thị trấn Chũ, và các xã Hồng Giang, Phượng Sơn, Thanh Hải, Tân Quang… việc thu nhận còn chậm so với tiến độ đề ra.
![]() |
Cán bộ Công an huyện Lục Ngạn thu nhận hồ sơ cấp CCCD và định danh điện tử tại trụ sở đơn vị. |
Bởi vậy, Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) đã triển khai 3 tổ cố định tại trụ sở Công an huyện và lưu động đến những xã còn nhiều công dân đủ điều kiện mà chưa được cấp CCCD.
Chiều 16/11, tại bộ phận tiếp dân, người dân xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh, lăn dấu vân tay. Anh Đường Văn Đạt (SN 1996) ở xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) nói: “Sau khi nghe vận động nhiều lần, hôm nay, tôi mới bố trí được công việc để có thời gian đến làm CCCD”.
Thiếu tá Lưu Đức Thảo, Đội trưởng cho biết: Lục Ngạn là địa phương có đông dân cư, lại phân bố thưa thớt, địa hình đồi núi, diện tích rộng. Số công dân đủ điều kiện được cấp CCCD và định danh điện tử rất lớn. Hơn nữa, chứng minh thư nhân dân còn có thể sử dụng, nhiều công dân vẫn chần chừ, viện cớ để chưa làm ngay.
Thêm đó, một số trường hợp đã qua đời, đang chấp hành án hoặc đi lao động, học tập ở nước ngoài… chưa được rà soát, cập nhật kịp thời trên hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia.
Khảo sát ở thị trấn Chũ còn khoảng 1,6 nghìn công dân chưa được thu nhận. Rà soát cho thấy nguyên dân do quá trình thu thập thông tin bước đầu vào năm 2018 do từng tổ dân phố thực hiện còn để sai sót, có người sai tên đệm, năm sinh, giới tính. Từ đó việc cập nhật thông tin lên hệ thống dữ liệu dân cư chưa chính xác dẫn đến việc số công dân này chưa có mã số định danh nên chưa thể thực hiện.
Một số tổ công tác thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) ở tổ dân phố còn chưa thực sự quan tâm nên còn mơ hồ, thờ ơ, tuyên truyền chưa đến nơi, đến chốn, coi đây là công việc của lực lượng công an.
Việc quản lý cư trú chưa sát sao, thị trấn có khoảng 100 người đã qua đời, 300 người đi lao động, học tập ở nước ngoài cũng chưa được cập nhật.
Thượng tá Hoàng Đức Hùng, Phó Trưởng Công an huyện, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 huyện Lục Ngạn nhận định, ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền cơ sở còn chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, thực hiện.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người
Là đơn vị thường trực của Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh, đầu tháng 10, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch mở “cao điểm 90 ngày, đêm” triển khai các giải pháp bảo đảm hoàn thành những chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai Đề án 06.
Tổng chỉ tiêu mà tỉnh được giao trong đợt cao điểm này là 184.756 hồ sơ (tương ứng với số công dân). Công an các đơn vị, địa phương đã rà soát, cập nhật thông tin, tạo biến động dân cư với các trường hợp chết, mất tích, đi nước ngoài, đang chấp hành án phạt tù và được Bộ Công an giảm trừ 26.460 chỉ tiêu. Tính đến ngày 18/11, toàn tỉnh đã thu nhận được 46.767 trường hợp, đạt 39,1%.
Nhằm bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” chuẩn bị các điều kiện triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 và thực hiện Đề án 06, không riêng lực lượng công an mà cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần tích cực vào cuộc, chỉ đạo các đoàn thể cùng tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên. Ở mỗi địa phương cách thức triển khai khác nhau song có thể vận dụng một số kinh nghiệm.
Trung tá Nguyễn Thị Hòa, Đội trưởng Đội Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an huyện Việt Yên) thông tin: Công an các xã, thị trấn phân loại rõ các nhóm công dân để có giải pháp vận động, ưu tiên cấp trước với công nhân hoặc đến tận nhà cấp cho người cao tuổi. Lên danh sách người đủ điều kiện, đã vận động nhiều lần song vẫn không đến thu nhận thì tham mưu với Đảng ủy cử tổ công tác đến tận nhà vận động, gửi giấy mời, gọi điện.
Nếu không đi thu nhận thì yêu cầu gia đình ký cam kết chịu trách nhiệm, nêu rõ lý do. Ở một số nơi, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 giao bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố cùng các đoàn thể chịu trách nhiệm vận động nhóm hộ có hội viên, thành viên.
Thượng tá Ngô Văn Kiên, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) cho biết: “Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các huyện, TP, cơ sở tăng cường quản lý cư trú, tổ chức rà soát cập nhật tình hình, tạo biến động dân cư với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.
Sau khi rà soát các trường hợp đủ điều kiện nhưng chưa được cấp CCCD, Công an tỉnh đã có những giải pháp với từng nhóm người”. Cụ thể, đối với các công dân có thể bố trí thời gian để đi làm ngay thì công an cấp xã sẽ hẹn lịch, sắp xếp thu nhận kịp thời.
Đối với các công dân đồng ý cấp CCCD song chưa sắp xếp thời gian thì giữ liên hệ và hẹn lịch vào ngày gần nhất. Còn đối với công dân đi làm xa, cư trú ở địa phương khác sẽ hẹn lịch về, nếu không Công an tỉnh sẽ lập danh sách gửi Bộ Công an và công an các tỉnh, TP hỗ trợ làm thủ tục.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)