Gặp lại nhau đây, nồng ấm nghĩa tình
Ngọt ngào nhớ lúc đắng cay
Hội trường Trung tâm tổ chức sự kiện và biểu diễn nghệ thuật Đại Hoàng Sơn ngày gặp gỡ hữu nghị có đông đảo khách mời. Đó là ngài Tham tán Op So Phy; ngài Chea Sam Bath, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam; ông Vũ Vương Việt, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia; ông Trần Công Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh cùng đông đảo cựu quân tình nguyện, chuyên gia quân sự, dân sự, lưu học sinh nước bạn.
![]() |
Đại diện Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam tặng kỷ niệm chương cho hai cựu chuyên gia dân sự giúp cách mạng Campuchia. |
Khi lời hát “Chung dòng Mê Kông/Khơ me Việt - Lào chung tiếng ca/Chung điệu xòe hoa/Tay chung tay, lòng chung lòng...” được cất lên, ai nấy đều im lặng lắng nghe, chộn rộn trong lòng những cảm xúc bâng khuâng, nghẹn ngào đến khó tả. Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tỉnh Bắc Giang nén xúc động để cùng đồng đội ôn lại chặng đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và chiến thắng chế độ diệt chủng tàn ác. Tháng 4-1975, bóng giặc Mỹ không còn trên đất nước Chùa Tháp nhưng lại ra đời một chế độ cầm quyền dã man, ghê sợ do Pôn Pốt cầm đầu. Chúng ráo riết thực hiện chính sách diệt chủng ở Campuchia, phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam và xâm lược biên giới Tây Nam nước ta. Vừa tự vệ chính đáng, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam vừa củng cố lực lượng để giúp cách mạng Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng. Bao thanh niên trai tráng trên dải đất hình chữ S không ngại nhận nhiệm vụ mới trên đất bạn. Ở tỉnh Bắc Giang, hơn 4.000 quân tình nguyện và chuyên gia đã ra trận để lật đổ thủ đoạn “vừa ăn cướp vừa la làng” của tập đoàn Pôn Pốt.
Ngồi trầm ngâm nghe lại những dấu mốc lịch sử, chốc chốc, ông Trần Quốc Hội, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia tỉnh Bắc Giang lại nheo mắt, có lẽ ông đang cố gắng ngăn những giọt nước mắt xúc động. Lặng nghe ông kể, tôi được biết trong đội hình Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3), ông tham gia rất nhiều trận đánh nhưng nhớ nhất là trận năm 1979 ở thị xã Công-pông - chàm, làm bàn đạp cho đại quân tiến về giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh. Khó khăn trước mắt là làm thế nào để vượt sông Mê Kông với hai bờ dốc đứng, địch chốt chặn dày đặc ở bờ bên kia với hỏa lực mạnh, súng pháo lớn. Ấy thế mà, như có sức mạnh vô hình, ông cùng đồng đội chẳng chần chừ, thẳng tiến. “Chứng kiến nhiều anh em trúng đạn, ngã xuống dòng sông nhưng chúng tôi không thể cứu được, xuồng vẫn phải vượt sông, người vẫn phải tiến bước vì càng ở trên mặt nước lâu càng bất lợi. Sau khi lên bờ, đội hình chia làm ba mũi tấn công trực diện địch khiến chúng hốt hoảng, bại trận. “Cánh cửa thép” Công-pông - chàm đã được mở toang. Sau đó, chúng tôi nhằm thẳng hướng Phnôm Pênh mà tiến tới”- ông Hội nói.
Ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn giải phóng, chấm dứt chế độ diệt chủng của tập đoàn Khơ me Đỏ. Những năm về sau, Bộ đội Cụ Hồ ra sức giúp nước bạn xây dựng, củng cố chính quyền nhân dân, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục truy quét tàn quân Pôn Pốt. Ông Nguyễn Đức Nhàn (SN 1937) ở thôn Trung Đồng, xã Bảo Đài (Lục Nam) là một trong những chuyên gia dân sự có nhiều năm gắn bó với nhân dân đất nước Chùa Tháp. Trong buổi gặp mặt này, ông mừng vui vì được gặp lại những người bạn cũ sau bao năm xa cách. Các ông bắt tay, ôm choàng lấy nhau sao mà thắm đượm nghĩa tình. Bàn tay ông Nhàn run run vì tuổi già, vừa nắm chặt tay đồng đội vừa ôn lại kỷ niệm xưa. Ông kể: “Thời gian đó, nhiệm vụ của tôi là lập kế hoạch, hướng dẫn bộ đội của ta giúp nhân dân Campuchia xây dựng chính quyền, trở về nơi ở cũ, ổn định cuộc sống nên trở thành cái gai trong mắt quân phản động. Chúng trao thưởng 50 cây vàng cho ai chặt đầu tôi nhưng không ai làm vậy. Còn gì vui hơn khi được đồng đội và nhân dân nước bạn tin tưởng. Hôm nay đây, thấy nhau vẫn mạnh khỏe, yêu đời, vẫn nhớ những ngày đồng cam cộng khổ trên đất bạn, tôi mừng lắm”.
![]() |
Quân đội ta anh dũng bảo vệ biên giới Tây Nam giai đoạn 1977 - 1979. Ảnh tư liệu. |
Tình hữu nghị mãi xanh tươi
Không giấu được niềm xúc động, đại biểu Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam cùng chụp ảnh lưu niệm với các cựu quân tình nguyện, chuyên gia, mong những khoảnh khắc ý nghĩa đó sẽ còn mãi. Các em lưu học sinh nở nụ cười tươi, đến bên những người lính già thăm hỏi sức khỏe, gia đình và kể cho các ông nghe chuyện học tập, sinh sống ở Việt Nam. Trong buổi gặp mặt, đại diện Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Bắc Giang dành tặng Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam món quà là một bức tranh ý nghĩa về danh lam thắng cảnh của Bắc Giang. Không những thế, 35 lưu học sinh Campuchia đang học tập tại các trường đại học, học viện ở Việt Nam và 5 thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ cũng được nhận quà từ Hội Khuyến học tỉnh, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng.
Phát biểu tại đây, ngài Op So Phy, Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ban tổ chức đã giúp những người con Campuchia có thêm một kỷ niệm đẹp trên quê hương Bắc Giang. Một lần nữa, ông khẳng định: Nếu không có sự giúp đỡ của quân và dân Việt Nam, đất nước Campuchia không được như ngày hôm nay. Ông hy vọng rằng, tình hữu nghị giữa hai quốc gia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững. Buổi gặp mặt thân tình ấy dù không muốn nhưng cũng phải kết thúc nhưng bao câu chuyện đẹp, bao ký ức vẫn còn vẹn nguyên. Họ chia tay nhau bằng nụ cười rạng rỡ, bằng cái bắt tay thật chặt và hẹn ngày tái ngộ không xa.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)