Bắc Ninh: Cửa hàng thời trang chật vật tìm khách
BẮC NINH - Thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh. Việc mua, bán online ngày càng thuận tiện, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ, trong đó có mặt hàng thời trang. Nhiều cửa hàng bán lẻ thời trang truyền thống đã và đang rơi vào cảnh đìu hiu vì lượng khách giảm mạnh.
Chị Tú Anh, chủ cửa hàng kinh doanh hàng thời trang nữ trên đường Trần Hưng Đạo, phường Kinh Bắc cho biết: “Trước đây, tôi mở hai cửa hàng kinh doanh thời trang, gồm một cửa hàng chuyên bán quần áo nữ và một cửa hàng bán đồ trẻ em. Thời điểm “hoàng kim”, tại mỗi cửa hàng tôi phải thuê 2 nhân viên. Nhưng vài năm gần đây, kinh doanh ngày càng khó khăn, hiện tôi đã đóng cửa hàng bán đồ trẻ em để cắt lỗ do chi phí thuê nhân viên và tiền thuê mặt bằng cao”.
Cửa hàng còn lại, chị Tú Anh tập trung cho bán quần áo nữ với các mặt hàng ở phân khúc bình dân, hướng tới khách hàng là các bạn trẻ mới ra trường đi làm có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên… Tuy nhiên, việc kinh doanh của chị cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi lượng khách ngày càng thưa thớt.
![]() |
Khách hàng chọn mua sản phẩm tại cửa hàng ở phường Từ Sơn. |
Còn chị Nguyễn Thị Hồng, chuyên bán lẻ quần áo ở phường Từ Sơn tuy đã nhanh nhạy tiếp cận, sử dụng mạng xã hội để giới thiệu, quảng cáo sản phẩm với hy vọng sẽ duy trì được doanh số bán hàng nhưng thị trường hàng thời trang online có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Chị Hồng chia sẻ: “Tôi thuê mặt bằng trên đường Trần Phú, phường Từ Sơn để mở cửa hàng kinh doanh quần áo được gần chục năm nay. Mấy năm đầu, khách đến mua hàng đông, nhất là vào giờ tan tầm và những ngày cuối tuần. Nhưng vài năm gần đây, cửa hàng dần thưa vắng khách, doanh thu bán hàng giảm mạnh”.
Những thời điểm cửa hàng vắng khách, chị Hồng mày mò học hỏi, nghiên cứu các phương thức kinh doanh online và thử chuyển hướng sang đăng bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội nhưng đơn hàng online cũng chỉ lác đác trong ngày. Gặp khó trong kinh doanh hàng thời trang, chị Hồng đang tính chuyển sang kinh doanh online các mặt hàng khác.
Thực tế đang đòi hỏi các cơ sở kinh doanh thời trang truyền thống muốn duy trì và phát triển được phải thường xuyên cập nhật xu hướng; đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời kết hợp phát triển thêm các dòng sản phẩm phụ kiện, trang sức hoặc đồ dùng gia đình mang họa tiết truyền thống… |
Qua ghi nhận trên thị trường cho thấy, dù không phải là dịp lễ, Tết nhưng các cửa hàng thời trang vẫn liên tục treo biển quảng cáo giảm giá sâu, xả hàng toàn bộ. Dù vậy lượng khách cũng khá thưa thớt. Đặc biệt, một số cửa hàng vốn “có tiếng” một thời trong lĩnh vực kinh doanh hàng thời trang cũng phải đóng cửa và chuyển giao mặt bằng cho các đơn vị kinh doanh mặt hàng khác. Nguyên nhân chủ yếu được các chủ cửa hàng lý giải do thương mại điện tử phát triển mạnh, hàng thời trang được bày bán nhiều trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok… với mức giá khá rẻ so với cùng mặt hàng bán trực tiếp tại các cửa hàng. Thêm vào đó, số lượng các hội, nhóm trao đổi hàng thời trang cũ, mới của các thương hiệu ngày càng nhiều. Số người quảng cáo, nhận đặt mua hàng thời trang Quảng Châu (Trung Quốc) và các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong và ngoài nước ngày càng đông, thu hút sự quan tâm của khách hàng, nhất là cán bộ công chức, công nhân, học sinh, sinh viên.
![]() |
Một số cơ sở kinh doanh thời trang trên địa bàn phường Kinh Bắc phải thu hẹp quy mô, thậm chí trả mặt bằng. |
Chị Ngô Thị Hương ở phường Bắc Giang chia sẻ: “Giờ đây, hầu hết quần áo, giày dép của tôi và các thành viên trong gia đình đều được đặt mua online hoặc đặt mua trên sàn thương mại điện tử với nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá hấp dẫn cộng với miễn phí giá vận chuyển. Nhiều dịp lễ, Tết trong năm, tôi còn “canh sale” được những mã hàng mua với giá rẻ chỉ bằng nửa giá mua trực tiếp tại các các cửa hàng bán lẻ truyền thống trên thị trường”. Theo chị Hương, hàng hóa mua online phong phú, giá rẻ, khách hàng lại có thể đổi, trả nếu không ưng ý mà chỉ mất một chút phí giao hàng… Vì thế, lâu rồi, chị cũng như nhiều bạn bè không còn đi chọn mua đồ tại các cửa hàng bán lẻ thời trang truyền thống như trước.
Thực tế này đòi hỏi các cơ sở kinh doanh thời trang truyền thống muốn duy trì và phát triển được phải thường xuyên cập nhật xu hướng; đa dạng hóa sản phẩm đồng thời kết hợp phát triển thêm các dòng sản phẩm phụ kiện, trang sức hoặc đồ dùng gia đình mang họa tiết truyền thống… Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng và xây dựng, quảng bá giá trị thương hiệu; tận dụng các nền tảng trực tuyến như Facebook, Instagram, TikTok... để quảng bá sản phẩm, tương tác với khách hàng.
Mặc dù kênh trực tuyến phát triển mạnh mẽ nhưng các cửa hàng bán lẻ vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc trải nghiệm và kết nối với khách hàng. Vì vậy, các cửa hàng bán lẻ thời trang truyền thống cũng cần tăng cường trải nghiệm khách hàng thông qua thiết kế không gian bán hàng độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa, truyền thống, tạo cảm giác thân thiện và thoải mái cho khách hàng.
Ý kiến bạn đọc (0)