Bốn giải pháp cấp bách làm lành mạnh thị trường bất động sản ở Bắc Giang
Giá đất Bắc Giang tăng cao thời gian qua có phản ánh đúng quy luật cung - cầu BĐS và ông có bất ngờ về tình huống này không, thưa ông?
Ông Đào Công Hùng: Thời gian gần đây, Bắc Giang đang đẩy mạnh công tác lập, phê duyệt quy hoạch các dự án lớn để thu hút đầu tư, công bố thông tin mời gọi đầu tư các dự án khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) trên địa bàn. Bắc Giang gần đây nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Đáng chú ý, Bắc Giang đã và đang hình thành nhanh chóng các khu công nghiệp (KCN), KĐT, dự án sân golf... khiến BĐS có khả năng sinh lời cao, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp.
![]() |
Ông Đào Công Hùng. |
Vì vậy, giá BĐS tại Bắc Giang từ dịp Tết Nguyên đán đến nay tăng rất mạnh. Đặc biệt, các dự án đủ điều kiện chuyển nhượng thì giá đất “thổi” lên rất cao so với giá nhà đầu tư đưa ra. Trên thực tế, chúng tôi cũng đã dự báo được làn sóng BĐS sẽ tăng cao khi đẩy mạnh thực hiện lập quy hoạch, thu hút đầu tư các dự án song cũng có chút bất ngờ khi giá BĐS lại cao ngất ngưởng như vừa qua; có nơi lên tới 50- 60 triệu đồng/m2 thì quả thật là rất cao.
Tìm hiểu thực tế, việc “thổi” giá này có một phần do một nhóm người chuyên môi giới BĐS mua gom đất của các dự án đó, sau đó bán chuyền tay nhau trong nhóm. Từ đó, mỗi người trong nhóm sẽ mua 1 giá khác nhau và cuối cùng người dân mua lô đất đó sẽ phải trả một giá rất cao. Có thể khẳng định rằng, “cơn sốt” đất ở Bắc Giang cũng một phần do những sàn giao dịch hoặc nhóm môi giới đi gom đất và đưa ra một số thông tin sai lệch để đẩy giá.
Như vậy, vấn đề quản lý hành nghề môi giới BĐS đã được quan tâm như thế nào, thưa ông?
Ông Đào Công Hùng: Trên địa bàn tỉnh, các hoạt động giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch ngày càng nhiều hơn, một số nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đã thành lập và đi vào hoạt động một số sàn theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp dần. Minh chứng là trong năm 2020, Sở kiểm tra toàn bộ các sàn giao dịch BĐS trên địa bàn phát hiện một số lỗi vi phạm và được chấn chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên, có thể thấy phần nhiều các giao dịch BĐS vẫn diễn ra thông qua trung gian môi giới nhỏ lẻ với số lượng người đông đảo. Sự đóng góp tích cực của những người môi giới đó là thúc đẩy thị trường BĐS phát triển, bản thân họ cũng ngày càng được hoàn thiện, nâng cao về chuyên môn. Song nhìn chung, đội ngũ tuy đông nhưng chưa được tổ chức, quản lý chặt chẽ, chưa được đào tạo bài bản, còn yếu chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức và các quy định pháp luật.
Việc phát triển quá nhanh đội ngũ môi giới tạo nên áp lực cạnh tranh gay gắt, không lành mạnh, dẫn tới chất lượng dịch vụ suy giảm. Với danh nghĩa trung tâm môi giới, sàn giao dịch “mọc” lên cạnh một số dự án mà không được cơ quan nhà nước nào công nhận, điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả bên bán và bên mua. Đã có không ít thửa đất được môi giới chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh, sai lệch thông tin về vị trí, giá cả, điều kiện pháp lý, quy hoạch, mua đi bán lại nhiều lần...
Thực trạng trên, Sở đã nắm được và bước đầu quản lý, kiểm tra hoạt động của đội ngũ môi giới. Sở đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân giá đất tăng cao và có biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.
Ông đánh giá như thế nào về những hệ lụy từ giá đất “sốt” như hiện nay?
Ông Đào Công Hùng: Tình trạng giá đất bất thường như hiện nay nếu không sớm được ngăn chặn sẽ gây nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên quá cao so với giá trị thực, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư nói chung. Cụ thể, giá đất tăng chóng mặt đã hút nguồn lực lớn vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác. Tình trạng “thổi” giá đất còn cản trở việc kêu gọi, thu hút đầu tư chính thống vào các địa phương. Khi giá đất tăng cao kéo theo hàng loạt chi phí khác tăng theo, đặc biệt là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Chi phí đầu tư, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng sẽ gây khó khăn cho địa phương, ảnh hưởng đến việc phát triển KT-XH.
![]() |
Một phiên đấu giá đất tại TP Bắc Giang. Ảnh: PV |
Giá đất tăng cũng làm tăng chi phí phát triển nhà ở, càng gây khó khăn hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Người có nhu cầu thực không thể đủ tiền để mua được nhà, đất vì giá bị đẩy lên quá cao.
Trước thực trạng như vậy, Sở Xây dựng có những giải pháp gì để làm lành mạnh thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh?
Ông Đào Công Hùng: Để làm lành mạnh thị trường BĐS, Sở đã tham mưu một số giải pháp: Thứ nhất, ban hành một số văn bản về hướng dẫn thực hiện quản lý hoạt động kinh doanh BĐS. Mới đây, ngày 26/02/2021, Sở ban hành công văn tăng cường quản lý để ổn định thị trường BĐS.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền, công khai về thông tin các dự án; phối hợp vào cuộc xử lý những dự án đăng tin không đúng sự thật.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động BĐS trên địa bàn tỉnh nhằm uốn nắn, chấn chỉnh các chủ đầu tư, các sàn giao dịch BĐS thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tránh dư luận xấu và tránh rủi ro cho người dân.
Thứ tư, đề nghị UBND các huyện, nơi có dự án khi nhận được phản ánh về rao bán đất nền phân lô, nhà ở khi chưa đủ điều kiện thì ngay lập tức cắm biển cảnh báo để người dân biết, tránh bị lừa.
Thời gian tới, Sở Xây dựng cũng tiếp tục làm tốt công tác dự báo cung - cầu, trên cơ sở nghiên cứu quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án BĐS bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Khuyến khích, huy động các nguồn lực, nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín để triển khai các dự án BĐS có chất lượng cao.
Riêng về đội ngũ môi giới BĐS, Sở sẽ quan tâm quản lý, tham mưu cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho những người làm môi giới chân chính có điều kiện hành nghề chính đáng, góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển một cách lành mạnh và bền vững. Trước mắt, năm 2021, Sở phối hợp với Hiệp hội BĐS tỉnh mở lớp cấp chứng chỉ hành nghề đối với người đủ điều kiện.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc (0)