Cảnh giác với thông tin xấu, độc
Những thông tin mà một số người tung ra vô căn cứ, bịa đặt hoặc thêu dệt từ những sự việc có thật nhưng nhỏ nhặt lại được một bộ phận không nhỏ “cư dân mạng” đón nhận, hưởng ứng và chia sẻ. Dù vô tình hay hữu ý thì những hành vi đó đều vi phạm pháp luật.
Cách đây chưa lâu, một số tài khoản MXH lan truyền thông tin cấm xuất cảnh đối với ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Thực tế sự việc này không có thật nhưng người tạo lập, đăng và sau đó một số cá nhân đã chia sẻ nội dung trên, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với doanh nhân và doanh nghiệp của tỷ phú này mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh, thị trường chứng khoán, nền kinh tế - xã hội của đất nước…
Tại Bắc Giang cũng đã xảy ra tình trạng đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin không chính xác gây hậu quả. Đơn cử trường hợp anh Leo Văn M. ở xã Quý Sơn (Lục Ngạn) đăng trên facebook thông tin bị một cơ sở ép giá mua vải thiều với giá 2 nghìn đồng/kg, sau đó nhiều trường hợp bình luận với nội dung ác ý về thị trường vải thiều, dùng từ ngữ không hợp thuần phong mỹ tục.
Hay như chị Phạm Thị Hồng A. ở phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) vào MXH đọc bài viết của Báo Bắc Giang có nội dung tỉnh tiếp nhận tiền phòng, chống dịch Covid-19 kèm theo ảnh của một số đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành nhận tiền ủng hộ. A. đã chia sẻ trên trang facebook của mình với lời bình xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức...
Những hành vi tung tin đồn thất thiệt, sai sự thật này với dụng ý xấu nhằm bôi nhọ hình ảnh, thương hiệu của Tập đoàn Vingroup và cá nhân ông Phạm Nhật Vượng, hay đăng thông tin không chính xác, bình luận, chia sẻ xúc phạm uy tín của tổ chức, cá nhân nêu trên đều đáng lên án.
Dĩ nhiên các trường hợp này đều đã được cơ quan chức năng xử phạt theo đúng quy định nhưng tình trạng “ăn không nói có”, dựng chuyện, “đổi trắng, thay đen”, đưa tin đồn chưa được kiểm chứng như lời khẳng định “đúng rồi” vẫn xảy ra và chiều hướng ngày càng gia tăng.
Một trong những nguyên nhân là do các đối tượng muốn câu like, tạo thông tin giật gân, câu khách, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Một số tung tin thất thiệt chỉ với mục đích để bán hàng trực tuyến, tăng tương tác hay giải quyết các vấn đề của bản thân.
Tuy nhiên một số đối tượng lợi dụng MXH để bôi nhọ, nói xấu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác vì lợi ích, mưu đồ cá nhân hoặc hướng người tiếp nhận thông tin đến cách nhìn nhận lệch chuẩn. Thậm chí có trường hợp tung tin đồn thất thiệt để tạo ra hiệu ứng xã hội nhằm chống đối, gây rối trật tự công cộng, cơ hội chính trị…
Thực tế cho thấy, các ngành liên quan đã và đang nỗ lực ngăn ngừa, phát hiện, xử lý thông tin xấu độc, tin đồn vô căn cứ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng xã hội tốt đẹp hơn. Để cuộc chiến này hiệu quả hơn thì mỗi cá nhân khi tham gia, sử dụng MXH phải thể hiện rõ trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng ở việc hình thành “bộ lọc” khi tiếp nhận thông tin; chọn các kênh chính thống theo dõi; trước khi like, chia sẻ hay bình luận một vấn đề gì hãy cân nhắc kỹ lưỡng để không tiếp tay cho kẻ xấu, vi phạm pháp luật.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)