Chương trình 1 triệu sáng kiến: Lan tỏa sáng tạo, tự hào công nhân
Với sự hưởng ứng tích cực của các cấp công đoàn trong tỉnh, những đoàn viên, công nhân ưu tú đã tham gia nhiều ý tưởng, giải pháp cải tiến kỹ thuật hữu ích, có giá trị làm lợi cao. Chương trình đã khơi dậy tinh thần thi đua lao động, niềm tự hào công nhân Việt Nam, góp sức vào sự phát triển của quê hương, đất nước.
Thiết thực, hiệu quả
Chị Nguyễn Thị Thường, công nhân tổ may 6, Công ty TNHH Việt Pan Pacific (TP Bắc Giang) vừa vinh dự nhận danh hiệu công nhân xuất sắc (quý I/2023) do giám đốc công ty trao tặng. Làm việc tại doanh nghiệp (DN) đã hơn 11 năm, chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp yêu mến, quản lý tin tưởng. Chị tâm sự: “Nghề may đòi hỏi người thợ phải cẩn thận từng chi tiết nhỏ, bởi chỉ một chút sai sót sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình thức, chất lượng sản phẩm, hơn nữa là uy tín của DN. Do vậy, với mỗi mặt hàng lỗi, tôi đều dành thời gian nghiên cứu xem nguyên nhân ở khâu nào để tìm ra giải pháp khắc phục”.
![]() |
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Daeyang Hà Nội (Tân Yên). |
Xuất phát từ suy nghĩ đó, cùng với kinh nghiệm của bản thân, chị Thường trở thành “cây sáng kiến” của DN lúc nào không hay. Trung bình mỗi năm, chị có 2 ý tưởng cải tiến kỹ thuật trong quy trình may đề xuất với lãnh đạo DN. Tất cả đều được áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực. Mới nhất phải kể đến sáng kiến “Thay đổi chân vịt trong máy may” giúp đẩy nhanh tiến độ và hạn chế lỗi ở sản phẩm. Đây cũng là sáng kiến chị cập nhật lên phần mềm tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến.
Trước đây, máy may sử dụng chân vịt 5 ly, mỗi lần chỉ chạy được một đường canh viền mép, tốn thời gian, lại dễ sai sót nên chị Thường tham mưu với lãnh đạo công ty chuyển sang sử dụng chân vịt loại 2 ly, 3 ly có thể đi được 2 đường may cùng lúc. Cách làm này giúp tăng tính chính xác, đường may đẹp, nhất là số lượng sản phẩm trên mỗi chuyền tăng từ 30 lên 40 áo; số hàng lỗi giảm từ 30% xuống còn 10%. Hiện nay, chuyền may của chị chỉ cần 40 người để hoàn thành công việc, thay vì 45 người như trước đây. Giá trị làm lợi cho DN lên đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến, nam công nhân Nguyễn Văn Khánh, công nhân Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (KCN Đình Trám) đề xuất sáng kiến “Vận chuyển khuôn và vật liệu bằng xe tự động”. Anh cho biết, sáng kiến này bắt nguồn từ khó khăn trong thực tế sản xuất.
Trước khi đưa ra ý tưởng này, công nhân vào ca sản xuất phải dùng tay để vận chuyển khuôn và các loại vật liệu lắp ráp đến bàn thao tác, số lần đi lại tốn thời gian, làm ảnh hưởng tới năng suất làm việc, chưa kể đến sai sót nếu sơ suất lấy nhầm nguyên liệu đầu vào. Sau khi quan sát và nảy ra ý tưởng, anh Khánh báo cáo tổ trưởng và được nhất trí để phối hợp với bộ phận kỹ thuật chế tạo thành công xe tự động để vận chuyển khuôn, vật liệu. Từ khi áp dụng sáng kiến (tháng 8/2022) đến nay, những hạn chế nêu trên đều cơ bản được khắc phục, tạo thuận lợi cho công nhân trong dây chuyền, tăng năng suất lao động, hạn chế hàng lỗi.
Biểu dương kịp thời, tiếp thêm động lực
Chương trình 1 triệu sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động vào thời
Chương trình 1 triệu sáng kiến được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ cả nước, đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, DN và sự phát triển chung của đất nước. Hưởng ứng chương trình ý nghĩa này, tính đến ngày 25/4, tỉnh Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước về số người đăng ký với gần 8,8 nghìn người và cũng đứng thứ 7 cả nước về số lượng sáng kiến với hơn 52,1 nghìn sáng kiến. |
điểm cả nước chung sức, đồng lòng phòng, chống đại dịch Covid-19 và từng bước phục hồi kinh tế. Chương trình nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, sức sáng tạo của đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) cả nước, đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, DN và sự phát triển chung của đất nước.
Hưởng ứng chương trình ý nghĩa này, tính đến ngày 25/4, trên phần mềm cập nhật, tỉnh Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước về số người đăng ký với gần 8,8 nghìn người và cũng đứng thứ 7 cả nước về số lượng sáng kiến với hơn 52,1 nghìn sáng kiến.
Một số công đoàn cấp trên cơ sở vận động được nhiều đoàn viên hưởng ứng như LĐLĐ TP Bắc Giang (gần 14,1 nghìn sáng kiến); huyện Tân Yên (hơn 13 nghìn sáng kiến); Yên Dũng (hơn 4,5 nghìn sáng kiến); Công đoàn Giáo dục (gần 2,9 nghìn sáng kiến). Các sáng kiến đã thể hiện sự sáng tạo và trí tuệ của đội ngũ CNVCLĐ, kịp thời khắc phục khó khăn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh. Nhờ đó, góp phần phục hồi, ổn định sản xuất của DN, hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đây cũng là ý chí, tình cảm của đoàn viên, CNVCLĐ hướng tới Đại hội Công đoàn các cấp tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2023-2028.
Chia sẻ về động lực giúp bản thân luôn tích cực tham gia nghiên cứu, phát huy sáng kiến, nhiều công nhân bày tỏ, đó là kết quả của kinh nghiệm trong nghề nghiệp, quá trình học hỏi thêm nhiều kiến thức mới, nhất là sự biểu dương, khen thưởng kịp thời của lãnh đạo DN. Tại Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Phong (Hiệp Hòa), nhằm nâng cao chất lượng công việc và động viên người lao động tham gia phong trào cải tiến, Công đoàn Công ty đã tham mưu với ban giám đốc nhiều chính sách động viên công nhân có sáng kiến.
Bà Vũ Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, từ nhiều năm nay, DN duy trì các phong trào thi đua trong lao động sản xuất như: “Không làm ra hàng hỏng, giảm tỷ lệ hàng hỏng”; bình bầu lao động giỏi ở các tổ, bộ phận theo quý, năm; phong trào “Thi đua thực hiện 5S”. Đặc biệt, hằng năm, vào dịp Tháng Công nhân, công đoàn tổ chức hội thi “Tay nghề giỏi”. Không chỉ nhận được các phần thưởng có giá trị vật chất, những công nhân có năng lực, có sáng tạo trong lao động, mang lại giá trị làm lợi cho DN đều được lãnh đạo công ty xem xét, ưu tiên đào tạo và bố trí vào các vị trí quản lý.
Còn tại Công ty TNHH Daeyang Hà Nội (Tân Yên), DN gắn hoạt động hưởng ứng chương trình 1 triệu sáng kiến với phong trào “Thao tác tốt, thu nhập cao”. Từ đầu năm 2022 đến nay, mỗi tháng, dựa trên các tiêu chí như: Đạt, vượt mức khoán; thao tác tốt; có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công ty tổ chức bình xét và thưởng cho các cá nhân, tổ, bộ phận sản xuất. Nhờ vậy, trong danh sách công nhân lao động tiêu biểu được các cấp công đoàn tôn vinh những năm gần đây, DN luôn có đoàn viên góp mặt.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, theo kế hoạch triển khai chương trình 1 triệu sáng kiến, các cấp công đoàn trong tỉnh phấn đấu đến 1/9/2023 có số lượng sáng kiến ít nhất bằng 10% tổng số đoàn viên toàn tỉnh, tương đương 22 nghìn sáng kiến, giải pháp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, hiện kết quả của công đoàn tỉnh đã vượt xa mục tiêu đề ra.
Để lan tỏa sức sáng tạo trong công nhân lao động, vượt ra ngoài khuôn khổ của chương trình, LĐLĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo 17 công đoàn cấp trên cơ sở hướng dẫn công đoàn cơ sở tiếp nhận, tổng hợp sáng kiến; phối hợp với chuyên môn đánh giá, thẩm định và cập nhật sáng kiến trên Cổng trực tuyến của Tổng LĐLĐ Việt Nam; tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân tích cực tham gia; khuyến khích công đoàn cơ sở trong DN lồng ghép chương trình với hoạt động thi đua thường lệ, động viên người lao động đóng góp nhiều sáng kiến, giải pháp, ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, góp sức vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Ý kiến bạn đọc (0)