Công nghệ đánh thức giá trị di sản
Không chỉ là xu hướng, công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) và thực tế mở rộng (XR) đang trở thành lực đẩy quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ngành du lịch. Từ việc tái hiện không gian di sản cho đến mở rộng trải nghiệm cho du khách, loạt sản phẩm ứng dụng công nghệ mới đã và đang định hình cách du lịch tiếp cận công chúng trong thời đại số.
Khi công nghệ thổi hồn vào di sản
Trong làn sóng chuyển đổi số toàn cầu, công nghệ thực tế ảo nổi lên như công cụ hiệu quả giúp du khách khám phá điểm đến một cách mới mẻ, sâu sắc hơn. Không chỉ mô phỏng hình ảnh, công nghệ còn có khả năng truyền tải văn hóa, làm phong phú trải nghiệm và góp phần bảo tồn các giá trị di sản.
![]() |
Du khách trải nghiệm dịch vụ thực tế ảo "Đi tìm Hoàng cung đã mất" trong Đại Nội Huế. |
Tại Việt Nam, sản phẩm “Đi tìm Hoàng cung đã mất” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phát triển được xem là một dấu ấn tiêu biểu. Thông qua kính AR Nreal Air Glass, du khách được dẫn dắt quay về triều Nguyễn trong không gian thực tế ảo, nơi các nghi lễ cung đình, cảnh đổi gác tại Ngọ Môn hay trình diễn nghệ thuật tại Duyệt Thị Đường được tái hiện sống động tại đúng địa điểm nguyên gốc. Không chỉ phục dựng kiến trúc cổ, công nghệ còn khơi gợi ký ức lịch sử và kết nối cảm xúc, tạo nên trải nghiệm chân thực và giàu chiều sâu văn hóa.
Không chỉ ở Huế, công nghệ số cũng đang lan rộng tại nhiều địa phương. Tại Quảng Bình, MobiFone đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hàng loạt dự án số hóa bảo tàng, không gian văn hóa của đồng bào Chứt và đặc biệt là các điểm du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Nhờ ứng dụng ảnh 360 độ, mô hình 3D, video thực tế ảo và thuyết minh số, người xem có thể khám phá từ xa với trải nghiệm gần giống thực tế.
Đáng chú ý, công nghệ không chỉ dừng lại ở việc mô phỏng. Khi được thiết kế đúng cách, công nghệ thực tế ảo không chỉ là công cụ “trình diễn công nghệ” mà có thể kể chuyện, truyền tải văn hóa, làm giàu trải nghiệm tại điểm đến.
Giới chuyên môn lưu ý rằng công nghệ thực tế ảo không thể thay thế hoàn toàn trải nghiệm thực địa. Thay vào đó, đây là bước đệm để tạo cảm hứng, thu hút và chuẩn bị tâm thế cho người dùng trước khi tham gia du lịch thực tế. Đặc biệt trong bảo tồn và giới thiệu di sản cho cộng đồng, công nghệ đang góp phần chuyển hóa không gian “tĩnh” trở nên sống động, linh hoạt hơn bao giờ hết.
Tiến tới hệ sinh thái du lịch thông minh
Sự bùng nổ của công nghệ XR, AI và các nền tảng số đang góp phần làm thay đổi căn bản mô hình hoạt động du lịch. Nhờ nền tảng số, doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào các kênh phân phối trung gian mà có thể tiếp cận trực tiếp người dùng, cung cấp dịch vụ, cá nhân hóa hành trình chỉ qua vài thao tác trên điện thoại.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhận định: “Với du lịch, chuyển đổi số là tất yếu và khách quan. Khi ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và các nền tảng thông minh, ngành sẽ phát triển rất nhanh và bền vững”.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2030, Đề án chuyển đổi số ngành du lịch cùng các đề án xây dựng du lịch thông minh tại các địa phương. Tuy nhiên, hành trình số hóa vẫn còn không ít thách thức, đặc biệt trong việc phổ cập công nghệ tới nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
Các chuyên gia dự báo, năm 2025 sẽ là thời điểm công nghệ AR trở nên phổ biến, tương tự như sự lan rộng của mã QR trong những năm gần đây. Việc tích hợp AI, cá nhân hóa trải nghiệm, thiết bị nhẹ, dễ sử dụng mở ra tiềm năng lớn cho ngành du lịch. Dù chặng đường còn dài, nhưng với sự đồng hành của chính sách và sự chủ động từ doanh nghiệp, công nghệ thực tế ảo đang dần trở thành lực đẩy giúp ngành du lịch Việt Nam thích ứng nhanh, sâu rộng và bền vững hơn trong kỷ nguyên số.
Ý kiến bạn đọc (0)