Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đóng góp nhiều ý kiến trong phiên thảo luận ở tổ
![]() |
Đại biểu Dương Văn Thái phát biểu thảo luận. |
Nội dung thảo luận tập trung vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.
Đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: Chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; chủ trương sửa đổi Luật Đất đai hiện đang tác động lớn tới người dân. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp; thị trường chứng khoán và trái phiếu chưa ổn định, tác động lớn đến bất động sản và sẽ gây ảnh hưởng mạnh trong năm 2023.
Đại biểu đề nghị đẩy nhanh tiến độ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhưng phải đợi quy hoạch Quốc gia thì tỉnh mới có thể triển khai thực hiện được.
Đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, việc triển khai thực hiện chính sách về hỗ trợ đào tạo và duy trì việc làm cho người lao động được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 68 của Chính phủ không phải địa phương nào cũng thực hiện được. Chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 31 của Chính phủ đến nay mới giải ngân được 13,5 tỷ đồng, đây là con số rất khiêm tốn so với chương trình, kế hoạch đề ra.
Đại biểu đề nghị cần đánh giá rõ hơn về thực trạng nhà ở công nhân hiện nay trong cả nước và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để thúc đẩy việc xây dựng trong thời gian tới. Qua giám sát việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu nhận thấy tình hình tổ chức hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay còn khó khăn như: Một số đơn vị chưa có quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; nhiều đơn vị còn lúng túng, nhất là vấn đề giao tự chủ hoạt động đổi mới...
Đại biểu Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại biểu đoàn Bắc Giang cho biết, qua giám sát lĩnh vực công tác dân tộc nhận thấy việc giải ngân thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số chậm. Nguyên nhân do đang thực hiện nguồn vốn sự nghiệp và đầu tư phát triển thì không thể thực hiện chương trình dân tộc thiểu số theo cách thông thường vì đây là chương trình đặc thù. Bên cạnh đó, vùng dân tộc thiểu số là vùng đặc biệt quan trọng về an ninh trật tự của đất nước, nhiều khu vực có đường biên giới. Tuy nhiên, vừa qua tình hình đầu tư cho vùng biên giới chưa được như kỳ vọng, không đáp ứng được yêu cầu.
![]() |
Đại biểu Trần Văn Lâm nêu ý kiến. |
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Bắc Giang nêu ý kiến, với bối cảnh hiện nay, Chính phủ nên xem xét, cân nhắc rút bớt một số chính sách trong Nghị quyết 43 (về hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế), không cần phải tiếp tục triển khai nữa vì hiện nay kết quả thực hiện đã vượt kỳ vọng. Về tài chính ngân sách, tồn tại việc dự toán chưa sát, cần phân tích kỹ hơn để tìm lý do tại sao dự toán chưa sát.
Một số đại biểu Đoàn Quốc hội tỉnh Bắc Giang cũng nhận định: Chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt; hoạt động sản xuất kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, như: Giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao; có tình trạng người dân hạn chế đầu tư thâm canh, mở rộng sản xuất. Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH có mặt còn hạn chế, phân bổ vốn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ của công dân, tổ chức khi giải quyết công việc tại các cơ quan hành chính nhà nước gắn với vận hành, kết nối các cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đồng bộ. Tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc, nghỉ việc và dịch chuyển ra khu vực tư nhân, nhất là lĩnh vực y tế, do nhiều nguyên nhân như áp lực công việc, chênh lệch cao giữa tiền lương khu vực công so với khu vực tư nhân…
Đề nghị tăng thu ngân sách không dùng tiền mặt thì sẽ quản lý được doanh thu dự kiến, thu đúng thu đủ. Cần mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vào những khoản vay ưu tiên trong giai đoạn này.
Chính phủ cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bỏ bớt, rút ngắn thủ tục hành chính, nên công khai minh bạch toàn bộ quá trình giải quyết để các bên liên quan đều có thể giám sát được...
Tin, ảnh: Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc (0)