Đào tạo nghề - “Chìa khóa” giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đổi mới theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn. Qua đó, mở hướng sản xuất mới, tạo cơ hội để người nghèo vươn lên, ổn định cuộc sống.
Thoát nghèo nhờ học nghề
Trước đây, gia đình chị Hoàng Thị Kiều (SN 1979), thôn Bãi Trại, xã Lan Giới (Tân Yên) hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng chị sức khỏe không tốt nên khả năng lao động hạn chế, chi phí khám bệnh, điều trị tốn kém. Các con còn nhỏ, mọi chi tiêu trong gia đình đều do chị lo liệu. Năm 2021, khi địa phương thông báo có lớp học nghề may công nghiệp, chị đăng ký học. Được tạo điều kiện học nghề gần nhà, hỗ trợ tiền đào tạo, chi phí đi lại, ăn uống, sau khi hoàn thành khóa học 3 tháng, chị được giới thiệu vào làm tại một công ty may trên địa bàn huyện.
|
Lớp dạy nghề may công nghiệp cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Lan Giới (Tân Yên). |
Chị Kiều chia sẻ: “Ban đầu tay nghề chưa cao nhưng dần dần tôi đã áp dụng thành thạo hơn những kiến thức được đào tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài tiền lương mỗi tháng làm ở doanh nghiệp, tôi tranh thủ ngày nghỉ nhận thêm hàng về nhà làm để có thêm thu nhập”. Có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống bớt khó khăn, tháng 3 vừa qua, chị Kiều đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện Tân Yên có hơn 200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ học nghề (ngắn hạn dưới 3 tháng) từ chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Ông Nguyễn Văn Sáng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề 2-9, xã Ngọc Thiện cho biết, hằng năm, Trung tâm phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện, các xã, thị trấn tổ chức dạy nghề, chủ yếu là nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn thuộc hộ nghèo. Đơn vị liên kết trực tiếp với doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển người, tạo cơ hội việc làm ổn định cho học viên ngay khi kết thúc khóa học.
Trong ngành nghề nông nghiệp, sau khi được hỗ trợ tiếp cận kiến thức sản xuất mới, nhiều người dân đã thay đổi thói quen sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt để vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như gia đình chị Nguyễn Thị Dung (SN 1975), thôn Chùa, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) hiện nuôi hơn 1 nghìn con vịt, ngan, gà đẻ và thả cá, thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. Được biết, trước đây do chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ theo kinh nghiệm nên có đợt vật nuôi bị dịch bệnh chết gần hết. Từ năm 2019, sau 3 tháng tham gia lớp học nghề chăn nuôi thú y, chị Dung nắm vững kiến thức phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, kỹ thuật chọn con giống tốt và chăm sóc đúng quy trình. Chị mạnh dạn vay vốn đầu tư cải tạo chuồng trại, mở rộng quy mô, tăng giá trị kinh tế. Nhờ đó, năm 2022, gia đình chị Dung đã thoát nghèo.
Sát nhu cầu, tăng hiệu quả
Theo kết quả rà soát năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63%, giảm 1,18% so với năm 2022 (vượt kế hoạch 0,18%). Hộ cận nghèo còn 16,2 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, giảm 0,8% so với năm 2022. Kết quả này có đóng góp không nhỏ của công tác dạy nghề từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, ngay khi được phân bổ vốn, Sở chủ động phối hợp với các ngành liên quan, địa phương triển khai kế hoạch cụ thể; các huyện, thị xã, thành phố rà soát số người trong độ tuổi lao động, nhu cầu việc làm gắn với thực tế ở từng địa phương. Từ đó, cán bộ LĐTBXH các xã, thị trấn cùng đoàn thể: Phụ nữ, thanh niên, nông dân lập danh sách lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chưa có việc làm, tuyên truyền tại các buổi họp dân, trên hệ thống loa truyền thanh… về hình thức hỗ trợ, chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo để người dân đăng ký.
Năm 2024, từ nguồn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh được phân bổ hơn 9,8 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Đến nay, 8 huyện (trừ TP Bắc Giang và thị xã Việt Yên) đã khai giảng 51 lớp, tổ chức đào tạo nghề cho gần 1,8 nghìn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; đạt 75,2% kế hoạch đề ra. |
Năm 2024, từ nguồn vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn tỉnh được phân bổ hơn 9,8 tỷ đồng thực hiện Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”. Đến nay, 8 huyện (trừ TP Bắc Giang và thị xã Việt Yên) đã khai giảng 51 lớp, tổ chức đào tạo nghề cho gần 1,8 nghìn người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; đạt 75,2% kế hoạch đề ra. Các huyện có kết quả mở lớp đạt cao gồm: Yên Dũng, Hiệp Hòa (cùng đạt 100%), Lục Ngạn (89%).
Tại nhiều địa phương, giải pháp quan trọng để công tác dạy nghề đạt hiệu quả là việc lựa chọn nghề sát với nhu cầu thực tế và đòi hỏi của thị trường lao động. Điển hình như ở huyện Hiệp Hòa, từ năm 2021 đến nay, huyện mở 27 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 900 lao động địa phương thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ông Phạm Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá, hầu hết người học nghề dệt may có việc làm sau khóa học tại các doanh nghiệp thuộc khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Để có kết quả trên, UBND huyện chỉ đạo Phòng LĐTBXH thường xuyên liên hệ với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các công ty; lựa chọn mở lớp đào tạo theo nhu cầu thực tế, tăng cơ hội việc làm cho người học.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, ngành LĐTBXH tiếp tục tham mưu, phân bổ, lồng ghép các nguồn lực để tổ chức đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng cho hộ nghèo. Đồng thời, kêu gọi xã hội hóa nhằm đầu tư thiết bị dạy học cho các cơ sở đào tạo nghề; phối hợp các ngành liên quan xây dựng chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, để bà con phát triển sản xuất. Với nhóm nghề phi nông nghiệp, ngành và địa phương phối hợp nhân rộng các mô hình liên kết đào tạo với DN, tăng cơ hội việc làm cho học viên.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)