Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia lĩnh vực đường sắt
BẮC NINH - Sáng 9/7, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (gọi tắt là Ban chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban chỉ đạo.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới 12 tỉnh, thành phố có các dự án đường sắt đi qua.
Tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
![]() |
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo. Ảnh Internet. |
Thời gian qua, các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ và sớm triển khai thi công. Trong đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 6 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) có tổng chiều dài hơn 388 km, tách thành 2 dự án thành phần gồm: Phần hạ tầng các ga sử dụng vốn trong nước và phần tuyến chính sử dụng vốn hỗ trợ từ Trung Quốc. Các địa phương đã hoàn thành thống kê, đo đạc giải phóng mặt bằng với tổng diện tích thu hồi hơn 2.750 ha, ảnh hưởng đến hơn 8 nghìn hộ dân. Dự án có 117 khu tái định cư với diện tích 169 ha, dự kiến khởi công một phần vào tháng 12/2025. Ngoài ra, nhiều tuyến đường sắt khác như: Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Móng Cái, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam... cũng đang đẩy mạnh triển khai ban hành kế hoạch đầu tư, rà soát giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia lĩnh vực đường sắt; rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và bàn giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Từ đó có sự thống nhất các biện pháp phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương trong quá trình triển khai dự án.
![]() |
Đồng chí Ngô Tân Phượng phát biểu thảo luận tại điểm cầu UBND tỉnh. |
Thảo luận tại hội nghị, đồng chí Ngô Tân Phượng cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn tỉnh dài 3,76 km, diện tích giải phóng mặt bằng khoảng 40,5 ha, đi qua các phường: Phù Khê, Từ Sơn, Song Liễu.
Dự án do Ban Quản lý dự án giao thông và nông nghiệp số 2 làm chủ đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đường sắt, ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương và chuẩn bị điều kiện để khởi công trong năm 2025. Tỉnh cũng ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về ứng vốn đưa vào kế hoạch đầu tư công; chuẩn bị địa điểm dự kiến khởi công dự án; chuẩn bị phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; lựa chọn xây dựng khu tái định cư cho người dân và các công trình khác do bị tác động của dự án. Đến nay công tác chuẩn bị triển khai dự án đang được thực hiện đúng kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hệ thống đường sắt có vai trò quan trọng trong vận tải hành khách và hàng hóa. Tuy nhiên, thời gian qua, giao thông đường sắt ít được quan tâm, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, để thúc đẩy hệ thống giao thông đường sắt phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp liên quan quyết liệt vào cuộc, sớm triển khai các dự án đường sắt trọng điểm quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu cần có sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, làm việc nào dứt việc đó, xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm của dự án để triển khai thực hiện. Tăng cường tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các dự án là tạo ra không gian phát triển mới, thuận lợi cho phát triển logistics, giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh hàng hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng trưởng kinh tế.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần chủ động, bám sát quy định. Các tỉnh chủ động bố trí ngân sách đối ứng theo quy định. Cùng đó, giao cho xã, phường chủ động thực hiện phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn để tập trung giải phóng mặt bằng đồng loạt từ Bắc vào Nam. Phấn đấu đồng loạt giải phóng mặt bằng trong toàn quốc vào ngày 19/8, kết thúc trong năm 2026.
![]() |
Đại diện Ban Quản lý dự án giao thông và nông nghiệp số 2 báo cáo tiến độ triển khai dự án. |
Sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến toàn quốc, tại điểm cầu UBND tỉnh, đồng chí Ngô Tân Phượng đề nghị Ban Quản lý dự án giao thông và nông nghiệp số 2 sớm tham mưu cho tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án đường sắt tỉnh phù hợp tình hình thực tiễn sau khi hợp nhất hai tỉnh và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng đó, giao Ban Quản lý dự án giao thông và nông nghiệp số 2 làm việc với Trường Cao đẳng kinh tế, kỹ thuật và thủy sản, trụ sở tại phường Từ Sơn, từ đó xác định cụ thể diện tích đất bị ảnh hưởng, kịp thời bổ sung vào hồ sơ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu, rà soát, tìm khu vực làm bãi chứa chất đổ thải phục vụ việc thi công các dự án bảo đảm quy định. Lãnh đạo các sở, ngành liên quan và các phường tập trung cao nhất cho công tác chuẩn bị để chuẩn bị phê duyệt dự án đầu tư, sau đó bàn giao hồ sơ cho nhà thầu, tổ chức bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho thi công. Chuẩn bị tốt các điều kiện cho lễ khởi công giải phóng mặt bằng (dự kiến diễn ra tại phường Phù Khê) bảo đảm an toàn, thuận lợi.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án, đồng chí yêu cầu các địa phương vừa tập trung cao sắp xếp chính quyền 2 cấp, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp vừa nỗ lực khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần tích cực, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Chú trọng công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa để dự án sớm khởi công, thi công bảo đảm thời gian, tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Ý kiến bạn đọc (0)