Đề nghị quy định thanh toán giao dịch bất động sản phải chuyển khoản qua ngân hàng
Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng dự thảo đã cập nhật và giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn, đề ra các quy định góp phần quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh bất động sản, bảo đảm tốt quyền lợi của người mua bất động sản hình thành trong tương lai cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư huy động nguồn lực, chuyển nhượng dự án.
Về Điều 49, thanh toán trong giao dịch bất động sản, đại biểu cho rằng dự thảo Luật nên quy định thanh toán trong giao dịch bất động sản là phải chuyển khoản qua ngân hàng.
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu thảo luận. |
Việc này thực hiện không khó, khi thanh toán qua ngân hàng trong nền kinh tế đã phổ biến, tiện dụng. Thực tế, ngay cả các giao dịch bất động sản ở nông thôn thì cũng cần được công chứng tại trung tâm các huyện hoặc thị tứ, nơi đều có các phòng giao dịch của ngân hàng thương mại ở đó.
Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 cũng đã được Chính phủ nêu: Sửa đổi các văn bản pháp luật để quy định thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực có giá trị giao dịch lớn như bất động sản, phù hợp với pháp luật phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng. Chính phủ và các địa phương đã quy định và đang thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt trên phạm vi toàn quốc như thu học phí, thu phí dịch vụ vệ sinh môi trường, tiền điện, nước sinh hoạt. Vì vậy, không có lý do gì để giải thích khi không quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với giao dịch bất động sản.
Quy định thanh toán qua ngân hàng còn là một hình thức bảo vệ quyền lợi của các bên khi có tranh chấp xảy ra. Vì thực tế, khi giao dịch bất động sản không qua sàn, tức chỉ có hợp đồng chuyển nhượng được công chứng viên chứng thực, không có thanh lý hợp đồng nên vẫn xảy ra rủi ro cho cả 2 bên khi có tranh chấp. Dữ liệu thanh toán qua ngân hàng sẽ là một tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên liên quan khi có tranh chấp chuyển nhượng quyền sử dụng đất không qua sàn. Đối với giao dịch qua sàn, thanh toán không dùng tiền mặt cũng giúp bảo đảm quyền lợi của các bên tốt hơn khi có tranh chấp xảy ra.
Quy định thanh toán qua ngân hàng còn góp phần chống thất thu thuế bởi giá trị của giao dịch bất động sản thường rất lớn và liên quan đến hầu hết các sắc thuế quan trọng như: Thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, lệ phí trước bạ.
Về Điều 57, các giao dịch bất động sản thông qua sàn, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 1 cụ thể: “1. Chủ đầu tư bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để người dân tự xây dựng nhà ở, trừ trường hợp chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng lô, nền đất theo quy hoạch thì phải thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản”. Vì thực tế, đối với dự án phân lô, bán nền, hầu hết các chủ đầu tư khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch và hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì được cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận theo từng lô, nền nên việc chuyển nhượng có thể diễn ra bình thường, không cần thiết bắt buộc phải qua sàn như là giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai.
Dương Nhung
Ý kiến bạn đọc (0)