Đoàn ĐBQH Bắc Giang thảo luận tại tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
![]() |
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu ý kiến. |
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đại biểu đề nghị Chính phủ và ban soạn thảo có đánh giá rõ: Việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng này như trong dự thảo Luật có thực sự không làm tăng số người tham gia, không làm tăng chi ngân sách hay không ?
Theo Điều 13, căn cứ vào tình hình, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, điều kiện KT-XH của địa phương, UBND cấp xã hằng năm rà soát, tổng hợp về số lượng tổ bảo vệ an ninh, trật tự cần thành lập, bố trí tại thôn, tổ dân phố và nhu cầu về số lượng các chức danh tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, tổ dân phố, báo cáo UBND cấp huyện tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết định. Chức danh tổ bảo vệ an ninh, trật tự gồm có tổ trưởng, tổ phó và tổ viên. Đồng thời khoản 1, Điều 14 quy định khi cần thiết thì “tăng số lượng tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự hoặc thành lập thêm tổ bảo vệ an ninh, trật tự”.
Quy định trên là rất chung chung, dẫn đến thiếu thống nhất trong thực hiện ở các địa phương, đặc biệt là sẽ rất khó xác định được số lượng tổ và số người tham gia các tổ ổn định trong từng thời gian để làm cơ sở cho việc dự toán, bố trí kinh phí ngân sách. Đại biểu đề nghị ngay trong dự thảo Luật cần quy định tiêu chí cụ thể để làm cơ sở cho việc xác định số lượng tổ và số người tham gia các tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, bảo đảm phù hợp với quy mô dân số, diện tích và đặc điểm của các thôn ở các vùng, miền khác nhau.
Điều 13 (từ khoản 1 đến khoản 6), trình tự, thủ tục bầu tổ viên, chức danh, công nhận chức danh, thành lập tổ bảo vệ an ninh, trật tự là quá phức tạp, không phù hợp với thực tế. Đề nghị sửa lại theo hướng không tổ chức họp thôn để bầu các tổ viên và chức danh của tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; thay vào đó, chỉ cần giao cho ban công tác mặt trận phối hợp với trưởng thôn thống nhất lập danh sách đề nghị công an xã thẩm định, trình UBND xã công nhận.
Khoản 1, Điều 16 quy định: “Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác. Đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách T.Ư hỗ trợ kinh phí để thực hiện theo khả năng cân đối ngân sách trung ương”.
Đồng thời, tại Điều 20 cũng quy định các nội dung chi bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; trong đó nêu: “Người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế”.
Đại biểu đề nghị Chính phủ và ban soạn thảo đánh giá đầy đủ hơn về tác động xã hội của quy định trên để tiếp tục hoàn thiện theo hướng: Có chế độ, chính sách cụ thể để khuyến khích những người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tích cực hoạt động, đồng thời không tạo áp lực cho ngân sách nhà nước (do đối tượng hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước quá lớn). Đề nghị cân nhắc, nghiên cứu bổ sung trong Luật này về việc thành lập Quỹ hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự ở cấp xã hoặc thôn (do cấp xã hoặc thôn trực tiếp quản lý, sử dụng); việc chi bồi dưỡng, hỗ trợ cho những người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ chủ yếu từ Quỹ này, ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ cho những nơi thực sự khó khăn.
Dương Nhung
Ý kiến bạn đọc (0)