Đổi mới giáo dục và đào tạo: Phát huy tính chủ động, sáng tạo của nhà giáo
Xây dựng đội ngũ, nâng cấp cơ sở vật chất
Đánh giá của Sở GD&ĐT, giai đoạn 2015-2020, ngành giáo dục đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII đề ra. Sở GD&ĐT đã tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Cơ sở vật chất trường, lớp và thiết bị dạy học, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại hoá.
![]() |
Ứng dụng phần mềm ViettelStudy giúp nâng cao hiệu quả tự học của học sinh ở Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang). |
Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 89,5%, tăng 5,2% so với năm 2015. Toàn tỉnh có 682 trường chuẩn quốc gia, trong đó 86 trường đạt chuẩn mức độ 2. Nhiều chỉ tiêu giáo dục của tỉnh được đánh giá trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Ông Trần Tuấn Nam, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Kết quả về GD&ĐT đã góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời khẳng định hiệu quả mang lại từ chủ trương đổi mới toàn diện GD&ĐT mà ngành đã và đang thực hiện.
Làm nên kết quả quan trọng đó phải kể đến vai trò của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua do ngành và địa phương phát động. Hằng năm, Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý có tầm nhìn, tận tâm, trách nhiệm, năng động, sáng tạo trong quản lý, điều hành chỉ đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.
Tại mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục, cán bộ thực hiện tốt vai trò nêu gương trong chỉ đạo điều hành, quản lý; lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá, xếp loại thi đua đối với từng người đứng đầu và đơn vị.
So với các địa phương trong tỉnh, cơ sở vật chất trường, lớp tại huyện Việt Yên những năm gần đây liên tục được bổ sung, từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Từ thực tế số lượng học sinh tại các trường sau sáp nhập trên địa bàn huyện tăng nhanh, nhất là ở các xã ven khu công nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, huyện đã xây mới 8 trường học và gần 700 phòng học, phòng chức năng, nâng tỷ lệ phòng học kiên cố toàn huyện lên 93%. Tiếp nhận nguồn kinh phí từ ngân sách huyện, các trường đã mua sắm bàn ghế, thiết bị dạy học, lắp đặt phương tiện dạy học thông minh, hiện đại.
Đến nay, 100% số phòng học của các trường mầm non và 60% số phòng học của các trường tiểu học, THCS đã được trang bị tivi smart kích thước lớn. Hầu hết các trường TH, THCS được trang bị phòng học tiếng Anh thông thường, phòng học tiếng Anh thông minh, phòng thực hành Tin học với gần 1 nghìn máy tính.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Để thực hiện tốt phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy”, “Mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”, thi đua “Dạy tốt - Quản lý tốt” thì việc tự học, làm chủ thiết bị công nghệ, tích cực nghiên cứu khoa học, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ có vai trò quan trọng. Tuy vậy vẫn còn một bộ phận đội ngũ có tâm lý ngại thay đổi, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế.
Trong 5 năm qua, ngành giáo dục có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, có 246 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, có 1.931 sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành và hơn 10 nghìn sáng kiến cấp huyện được áp dụng trong quản lý và giảng dạy. |
Để khắc phục, các đơn vị, cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tự làm đồ dùng dạy học, ứng dụng hiệu quả thiết bị công nghệ trong dạy và học đã trở thành nền nếp tại các nhà trường. Giáo viên chú trọng tổ chức giờ dạy thí nghiệm, thực hành, tích hợp giảng dạy kiến thức với vấn đề của đời sống xã hội.
Điển hình đổi mới sáng tạo ở khối THPT là Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Theo thầy giáo Trần Duy Phương, Hiệu trưởng nhà trường, sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Phát triển Trường THPT Chuyên Bắc Giang giai đoạn 2009-2020" cơ sở vật chất của trường đã được quan tâm đầu tư đáng kể, nhiều phòng học mới được cải tạo, nâng cấp, trang thiết bị đầu tư hiện đại hơn trước. Năm học 2019-2020, trường có 62 giải học sinh giỏi quốc gia, xếp thứ 10 toàn quốc về số lượng giải.
Trong 5 năm qua, ngành giáo dục có 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 246 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh, 1.931 sáng kiến kinh nghiệm cấp ngành và hơn 10 nghìn sáng kiến cấp huyện được áp dụng trong quản lý và giảng dạy. Tiêu biểu như sáng kiến: "Phương pháp giản đồ vec tơ giải các bài toán điện xoay chiều nhằm phát huy năng lực tự học của học sinh" - tác giả Lưu Văn Xuân (Trường THPT Ngô Sĩ Liên); "Tổ chức hoạt động dạy học chuyên đề nhóm kim loại VIIB, VIIIB nhằm nâng cao chất lượng học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang" - tác giả Nguyễn Thị Hoa (Trường THPT Chuyên Bắc Giang); "Phương pháp ghi nhớ và giải nhanh một số bài tập di truyền môn Sinh học" - tác giả Nguyễn Thị Hương (Trường THPT Tân Yên số 1)...
Phong trào đổi mới, sáng tạo trong quản lý, dạy và học đã góp phần thúc đẩy toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của từng năm học và giai đoạn, tạo đà để ngành giáo dục tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)