Giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú
Còn đó nỗi lo
Toàn tỉnh có gần 700 bếp ăn bán trú trong trường học, trung bình mỗi ngày cung cấp hàng trăm nghìn suất ăn cho học sinh, chủ yếu là bậc mầm non, tiểu học. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về An toàn thực phẩm đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhất là tại bếp ăn tập thể trường học.
Ở nhiều nơi, bếp ăn bán trú đã được đầu tư xây dựng, có nguồn nước sạch; đội ngũ nhân viên cấp dưỡng được tập huấn trang bị kiến thức cần thiết. Theo ông Nguyễn Văn Thể, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, dù đã được các cấp, ngành, đơn vị, trường học quan tâm song công tác bảo đảm an toàn bếp ăn bán trú trường học không thể chủ quan bởi từ các bếp ăn này dễ dẫn tới nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người, lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất là kiểm tra, giám sát nguồn thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn, nhất là hạn chế về nhân lực, vật lực để triển khai các hoạt động này.
Như trên địa bàn TP Bắc Giang, hiện Trung tâm Y tế TP phụ trách kiểm tra công tác an toàn thực phẩm của gần 60 bếp ăn bán trú trường mầm non, tiểu học. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP cho biết, Khoa An toàn thực phẩm chỉ có 5 cán bộ phụ trách công tác này nhưng lại phải kiêm nhiệm nhiều việc nên kiểm tra chủ yếu thực hiện theo kế hoạch. Còn tại các trường học hiện nay, khi đã hợp đồng với các cơ sở cung cấp thực phẩm thì gần như tin tưởng và việc đánh giá thực phẩm hoàn toàn bằng cảm quan. Nhiều cơ sở giáo dục hợp đồng mua thực phẩm qua tiểu thương ở các chợ đưa vào bếp ăn nên rất khó kiểm soát chất lượng.
![]() |
Anh Giáp Văn Toàn, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Mầm non Tân Mỹ (TP Bắc Giang) thứ hai từ phải sang) kiểm tra thịt lợn tại bếp ăn của trường trước khi sơ chế. |
Mặt khác, theo quy chế hoạt động của các nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò tham gia giám sát hoạt động của bếp ăn bán trú. Song thực tế, nhiều phụ huynh cho biết sau khi trẻ vào học là các trường đóng kín cổng. Để kiểm tra, họ phải thông báo trước với trường, như vậy, tính khách quan sẽ khó bảo đảm.
Anh Giáp Văn Toàn, Trưởng Ban đại diện phụ huynh học sinh Trường Mầm non Tân Mỹ cho biết, trước thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số địa phương và thực phẩm bẩn tuồn vào bếp ăn bán trú ở Bắc Ninh, hai tuần gần đây, Ban đại diện phân công phụ huynh giám sát tại khu vực bếp ăn. “Ngày 18-3, khi đưa hai con nhỏ đến học tại Trường Mầm non Tân Mỹ (TP Bắc Giang), tôi nán lại, đợi đúng thời điểm bếp ăn nhận thực phẩm để kiểm tra. Tại đây, nhân viên nhà bếp đang tiếp nhận 7 kg thịt vai và 4 kg xương lợn từ nhân viên cung cấp của Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang). Bằng mắt thường tôi cảm nhận thịt tươi, còn hơi ấm, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc".
![]() |
Phụ huynh Giáp Văn Toàn kiểm tra mẫu thức ăn lưu tại Trường Mầm non Tân Mỹ (TP Bắc Giang). |
Tuy vậy, nhiều phụ huynh có con học bán trú cho rằng không phải lúc nào họ cũng có thể chực chờ để giám sát thực phẩm. Và dù có kiểm tra thì đánh giá của phụ huynh cũng chỉ là cảm quan bằng mắt thường, khó cho kết quả chính xác.
Xây dựng cơ chế giám sát hợp lý, chủ động phòng ngừa
Thời gian qua, nhiều vụ tuồn thực phẩm bẩn vào trường học bị phát hiện ở một số địa phương khiến phụ huynh lo lắng, bức xúc. Dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của cơ chế giám sát nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tại nhà trường. Để tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, TP yêu cầu các trường kiểm soát chặt chẽ thực phẩm; rà soát toàn bộ quy trình tiếp nhận, chế biến, bảo quản. Hiệu trưởng cam kết và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn đơn vị quản lý, tổ chức.
![]() |
Đoàn liên ngành về An toàn thực phẩm của TP Bắc Giang kiểm tra tại bếp ăn Trường Mầm non Newworld Trần Luận, phường Lê Lợi. |
Để nắm bắt tình hình, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm, đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm TP Bắc Giang tiến hành kiểm tra toàn bộ gần 60 bếp ăn bán trú trường học trên địa bàn. Ông Đỗ Quang Hợp, Trưởng Khoa An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế TP), Trưởng đoàn cho biết: đến ngày 20-3, đoàn đã kiểm tra 16 trường. Dù không phát hiện vi phạm nhưng đoàn nhắc nhở các nhà trường kiểm soát chặt chẽ thực phẩm đầu vào; lưu ý khâu chế biến, bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh. Yêu cầu nhân viên nấu ăn thường xuyên vệ sinh nhà bếp, xoong, nồi và dụng cụ chế biến, trước khi sử dụng phải nhúng qua nước sôi khử khuẩn; duy trì lưu mẫu thức ăn theo quy định.
![]() |
Trẻ ăn bán trú tại Cơ sở mầm non tư thục Đồi Ngô VIP (Lục Nam). |
Ngày 19-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc chỉ đạo sở GD&ĐT phối hợp với sở y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường biện pháp bảo đảm vệ sinh trường học, an toàn thực phẩm. Trong đó, yêu cầu các trường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định. Quan tâm vệ sinh trường học để phòng, chống bệnh truyền nhiễm... |
Để bảo đảm an toàn cho bữa ăn bán trú, nhiều ý kiến kiến nghị công tác kiểm tra giám sát phải được duy trì thường xuyên, liên tục. Theo ông Nguyễn Văn Thể, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn bán trú, cùng với các giải pháp tích cực từ chính quyền, ngành chức năng, thời gian này nhà trường và cha mẹ học sinh cần tăng cường trao đổi, phối hợp vì mục tiêu bảo đảm sức khỏe, sự phát triển an toàn cho con em mình. Trong đó, thành viên Ban giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường đóng vai trò nòng cốt, thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời thông tin với nhà trường, cơ quan chức năng nếu phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng.
Trước thông tin hiện nay nhiều trường học không sử dụng thịt lợn chế biến suất ăn cho học sinh, cơ quan chức năng khuyến cáo bệnh tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh và không lây sang người. Theo đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh thì các trường không nên ngừng nhập thịt lợn làm ảnh hưởng đến khẩu phần, giá trị dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú. Quan trọng hơn cả là cần tìm mua sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, được cơ quan chức năng kiểm nghiệm.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)