Ký ức về ngày bầu cử
Cụ Nguyễn Văn Đương (SN 1926) ở tổ dân phố Hòa Sơn, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) dù tuổi cao nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong căn nhà nhỏ, cụ Đương chia sẻ: Cụ tham gia cách mạng năm 1947, phục vụ 10 năm trong quân ngũ thuộc Cục Quân khí, từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
![]() |
Cụ Nguyễn Văn Thìn, tổ dân phố Chu Nguyên, thị trấn Vôi (Lạng Giang) xem danh sách cử tri. Ảnh chụp trước khi xảy ra dịch Covid-19. |
Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam, cụ vinh dự được cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân. Ngày đó, thôn không có hội trường nhà văn hóa như bây giờ, người dân đến điểm bỏ phiếu tại đình làng. Buổi sáng, cụ Đương dậy rất sớm, mặc bộ quần áo màu nâu, đầu đội mũ giấy màu xanh, tay cầm cờ đỏ bằng giấy tự cắt đi ra sân đình.
Điểm bầu cử có kê bàn, ghế, treo ảnh Bác Hồ, cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu trang trọng. Danh sách cử tri đều viết tay. “Những cử tri không biết chữ được cán bộ trong tổ bầu cử đọc giúp thông tin người ứng cử để họ cân nhắc, lựa chọn bầu, sau đó mới bỏ phiếu vào hòm”, cụ Đương nói.
Sau mấy chục năm phục vụ trong quân ngũ và công tác ở Nông trường cam Bố Hạ (Yên Thế), năm 1977, cụ Đương nghỉ hưu rồi tiếp tục tham gia công tác xã hội ở địa phương. Cụ từng làm Trưởng Ban công tác Mặt trận, làm trưởng ban bầu cử 4 khóa ở cơ sở. Cụ chia sẻ thêm, những năm tháng dù khó khăn song bà con đều nô nức rủ nhau đi bầu cử với tỷ lệ rất cao.
Chiếc loa tay là công cụ đắc lực của cán bộ cơ sở tuyên truyền, vận động người dân đi bầu cử. Các trường hợp già yếu, ốm đau không thể đi bỏ phiếu, ban bầu cử cử người mang hòm phiếu đến tận nhà để người dân thực hiện quyền của mình. Có những lần cụ Đương và các thành viên trong ban bầu cử thắp đèn dầu, nấu cơm tại điểm bỏ phiếu chờ cử tri lao động, làm ăn xa về bỏ những lá phiếu cuối cùng.
Cũng như cụ Đương, cụ Nguyễn Văn Thìn (SN 1928) ở tổ dân phố Chu Nguyên, thị trấn Vôi (Lạng Giang) từng tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946 khi 18 tuổi. Lúc ấy, cụ Thìn ở trong đội Mặt trận Việt Minh của thôn. Theo lời kể của cụ Thìn, hôm bầu cử ai cũng háo hức, chọn mặc trang phục sạch, đẹp nhất (chủ yếu quần áo vải màu nâu).
Điểm bầu cử được đặt tại đền Chu Nguyên, hòm phiếu đặt trước cửa đền. Tại bàn bầu cử có người hướng dẫn bà con cách thức ghi tên, bỏ phiếu. Cử tri dùng chiếc bút sắt chấm mực, bầu ai thì viết tên người đó vào phiếu và bỏ vào hòm gỗ. “Ngày đó, bà con ai cũng giữ khư khư tấm thẻ cử tri bên mình, tự hào là công dân chính thức được đi bầu cử”, cụ Thìn tâm sự.
Với 93 năm tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng, 30 năm phục vụ trong quân ngũ, cụ Thìn luôn là tấm gương sáng để thế hệ trẻ ở địa phương noi theo. Các cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau này, cụ Thìn luôn được mời bỏ lá phiếu đầu tiên ở địa phương. Đồng thời tích cực vận động con cháu, người thân thực hiện đầy đủ quyền công dân.
Đối với ông Nguyễn Trung Tân (SN 1941) ở tổ dân phố Lê Lợi, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang), kỷ niệm về những cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nơi ông sinh sống có lẽ vẫn còn đọng mãi trong trái tim người đảng viên 54 năm tuổi Đảng. Từng tham gia chiến dịch Mậu Thân (1968), là trinh sát biệt động, chiến đấu ở chiến trường Huế, sau này trở lại Nhà máy Đạm Hà Bắc làm việc, dù ở cương vị nào ông Tân luôn giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là cán bộ, đảng viên mẫu mực.
Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên được cầm lá phiếu cử tri đi bầu cử, ông Tân cho biết: Ngày đó, gia đình ông cư trú tại tiểu khu Mỹ Độ, nay là phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang). Trước và trong ngày bầu cử, đoàn cổ động (thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh...) trống giong, cờ mở đi khắp ngõ, xóm tuyên truyền, vận động nhân dân đi bầu cử.
32 năm công tác tại tổ dân phố Lê Lợi (từ 1987-2019) đảm nhận vai trò Trưởng Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng CCB, Phó Bí thư Chi bộ tổ dân phố Lê Lợi, ông Tân luôn tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Hầu hết các cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, ông Tân đều được phân công làm Trưởng ban bầu cử ở tổ dân phố.
So với tổ dân phố khác của phường, Lê Lợi có đặc thù riêng, trên địa bàn có khoảng 120 người là đồng bào công giáo, tại đây có nhiều thành phần nghề nghiệp (tiểu thương, lao động tự do, công nhân). Kỷ niệm nhớ nhất của ông Tân trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV, đó là linh mục, ban hành giáo và nhiều giáo dân đến nhà văn hóa dự lễ chào cờ, bỏ phiếu rất sớm. Bà con nghiên cứu rất kỹ tiểu sử đại biểu ứng cử, khoảng 12 giờ trưa, tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu đã đạt khoảng 95-98%.
Những ngày này, cử tri cả nước đang nô nức hướng về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra ngày 23/5/2021. Mỗi cử tri cảm thấy vinh dự, tự hào khi được phát huy quyền làm chủ của công dân, trao gửi niềm tin của mình đối với các đại biểu qua những lá phiếu.
Ý kiến bạn đọc (0)