Nhân rộng mô hình tổ tự quản khu dân cư văn hóa
Trách nhiệm với cộng đồng
Trước đây, thôn Đức Liễn, xã Hồng Thái (Việt Yên) thường xảy ra các vụ trộm tài sản; thanh niên nơi khác đến thôn lén lút sử dụng ma túy khiến người dân bức xúc, lo ngại. Từ thực tế đó, tháng 8/2021, tổ tự quản "Tiếng kẻng an ninh" của thôn được thành lập với 18 thành viên; tự mua sắm một số đồ dùng cần thiết. Hằng ngày, tổ chia thành nhiều ca trực tại nhà văn hóa và tuần tra các ngõ để nắm bắt tình hình an ninh trật tự.
![]() |
Mô hình tuyến đường tự quản do Chi hội Cựu chiến binh thôn Sòi, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) đảm trách. |
Hệ thống camera an ninh được đặt tại nhà văn hóa thôn, có người trực 24/24 giờ. Tổ thành lập nhóm zalo, liên tục trao đổi, cung cấp thông tin cho công an xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Anh Thân Quang Cường, tổ trưởng tổ tự quản cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tình trạng trộm cắp; các tệ nạn xã hội hầu như không còn. Rất nhiều vụ việc liên quan đến an ninh trật tự đã được tổ phát hiện, phối hợp với lực lượng chức năng xã giải quyết, xử lý.
Ngoài mô hình tổ tự quản "Tiếng kẻng an ninh" ở thôn Đức Liễn, hiện 5/5 thôn của xã Hồng Thái đều có tổ tự quản bảo đảm an ninh, an toàn giao thông do hội cựu chiến binh triển khai. Xã có gần 10 nghìn dân, trong đó có khoảng 2 nghìn người thuê nhà trọ.
Do giáp các khu công nghiệp, số lượng lao động ngoài tỉnh về sinh sống, lưu trú trên địa bàn lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, phát sinh tệ nạn xã hội. "Nhờ phát huy tốt vai trò của tổ tự quản ở khu dân cư, vài năm gần đây, tỷ lệ thôn văn hóa của xã luôn đạt từ 60-80%", ông Trần Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái nói.
Ở tổ dân phố 2 A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang), mô hình tổ liên gia tự quản về vệ sinh môi trường được người dân tích cực hưởng ứng. Hiện có 9 mô hình tổ liên gia tự quản ở 9 tổ dân phố, các tổ đều xây dựng quy chế hoạt động. Dù nhiều người bận việc gia đình, làm ăn song vào Chủ nhật hằng tuần, các tổ đều duy trì quét dọn ngõ, xóm, khuôn viên, khơi thông cống rãnh, trồng hoa.
Khi gia đình thành viên có việc hiếu, hỉ, các tổ phân công người hỗ trợ. Ông Nguyễn Hữu Thơi, Bí thư Chi bộ tổ dân phố cho biết, 9 năm liên tục (từ 2013- 2021), tổ dân phố 2 A đạt danh hiệu văn hóa; năm 2021 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Trong thành tích ấy, có sự đóng góp lớn của các tổ tự quản liên gia.
Lựa chọn mô hình phù hợp, thiết thực
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2,5 nghìn tổ tự quản ở khu dân cư được thành lập theo quyết định của chính quyền, đoàn thể cấp cơ sở. Các tổ tự quản hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: Giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; bảo vệ các công trình công cộng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Việc triển khai, xây dựng các mô hình tổ tự quản luôn gắn với nhiệm vụ chính trị ở cơ sở, các phong trào, cuộc vận động.
Tham gia hoạt động trên tinh thần tự nguyện, phần lớn không có trợ cấp, thù lao song các tổ đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Các phong trào, cuộc vận động lớn như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" đều được các tổ tích cực hưởng ứng. Các thành viên tổ tự quản còn là những hạt nhân tích cực tham gia phong trào quyên góp, ủng hộ của địa phương.
Ông Nguyễn Mạnh Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Trí Yên (Yên Dũng) cho biết: Trong phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng nông thôn mới, thành viên tổ tự quản ở các thôn tích cực vận động, tuyên truyền người thân, dòng họ đóng góp nhiều công sức, tiền của xây dựng các công trình (nhà văn hóa, đường giao thông, đình, chùa…). Cuối năm 2020, xã về đích nông thôn mới sớm hơn kế hoạch 1 năm. Hằng năm, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa từ 95-97%. 7/7 thôn của xã nhiều năm liên tục đạt danh hiệu văn hóa.
Đặc biệt, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các tổ tự quản đã phát huy vai trò đắc lực, là một trong những lực lượng nòng cốt, thường xuyên phối hợp tham gia giám sát người cách ly, điều trị tại nhà.
Theo ông Dương Hồng Cơ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dù là hoạt động tự quản song các tổ đều bám sát thực tiễn ở mỗi khu dân cư. Nhờ vậy, đa số các mô hình đều phát huy hiệu quả trong hoạt động, góp phần quan trọng vào thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm an ninh trật tự, phát triển KT-XH trên địa bàn.
Để các tổ tự quản phát huy tốt vai trò, hoạt động có hiệu quả, kinh nghiệm của các địa phương là phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể từ xã, phường, thị trấn đến thôn, tổ dân phố, sự đồng thuận của nhân dân.
Thực tế, ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm, ở đó hoạt động của các tổ tích cực, hiệu quả. Mặt khác, mô hình phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở từng khu dân cư, thiết thực với đời sống, xã hội, gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Trong quá trình triển khai, thường xuyên tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể.
Bài, ảnh : Công Doanh
Ý kiến bạn đọc (0)