Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập
Theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thị trường lao động Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 vẫn bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng mức độ đã giảm nhiều và đang phục hồi nhanh. Chất lượng việc làm cải thiện, thu nhập tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm giảm.
Bình quân mỗi năm cả nước giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lao động. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%.
![]() |
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
|
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước có 51,4 triệu lao động, tăng 400 nghìn người so với cùng kỳ năm trước và tăng mạnh ở khu vực thành thị, giảm ở khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân của người lao động là 6,5 triệu đồng/tháng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn. Việt Nam đang có hơn 600 nghìn lao động làm việc có thời hạn tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với thu nhập ổn định, gửi về nước khoảng 3,5 tỷ đôla Mỹ/năm.
Thảo luận tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng: Chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động mặc dù đã được cải thiện song vẫn còn thấp so với yêu cầu. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,1% và có sự chênh lệch lớn giữa khu vực thành thị (41,06%) và nông thôn (17,46%), giữa lao động nam (28,52%) và lao động nữ (23,35%).
Xếp hạng về kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp, lực lượng lao động nước ta xếp ở nhóm cuối trong các nước ASEAN. Việt Nam đang thiếu đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, chuyên gia, lao động lành nghề cho các ngành kinh tế mũi nhọn, các vùng kinh tế động lực, trọng điểm.
Chuyển dịch cơ cấu lao động trên thị trường chậm, không theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đa số lao động chuyển dịch khỏi ngành nông nghiệp đều chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp gia công, lắp ráp, làm công việc đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động chênh lệch giữa các vùng: Đồng bằng sông Hồng dịch chuyển lao động nhanh nhất khi giảm tỷ trọng lao động nông, lâm, ngư nghiệp từ 32,8% năm 2015 xuống 12% vào quý II năm 2022. Vùng Tây nguyên dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ chậm nhất. Một số vùng có tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức cao là trung du và miền núi phía Bắc, Tây nguyên. Các ngành kinh tế có tỷ lệ lao động phi chính thức cao: Nông, lâm nghiệp và thủy sản (91%); xây dựng (92%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (84,7%); làm thuê trong các hộ gia đình (99,6%).
Thảo luận tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết: Bắc Giang xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động hội nhập là một trong các khâu đột phá. Thời gian qua, Bắc Giang tập trung ban hành cơ chế chính sách về đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp; phân luồng đào tạo, dự báo nhu cầu lao động, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cuộc sống cho lao động nhập cư. Hiện trên địa bàn tỉnh đang có hơn 300 nghìn lao động làm việc trong khu công nghiệp, trong đó có khoảng 30% là lao động nhập cư.
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương thảo luận tại hội nghị.
|
Đồng chí đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động việc làm. Trong đó chú trọng phát triển cân đối giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bảo đảm cung ứng lao động có tay nghề cao để giữ thị phần lao động kỹ thuật trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các doanh nghiệp phải đưa lao động kỹ thuật của nước ngoài vào Việt Nam làm việc.
Đồng chí đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chú trọng đầu tư phát triển trường nghề, nhất là bậc cao đẳng, đổi mới phương thức đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề, có văn bằng, chứng chỉ, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; thúc đẩy doanh nghiệp tham gia đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thị trường lao động Việt Nam đã có những bước phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, ngày càng hội nhập, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới.
Đồng chí lưu ý thị trường lao động chưa theo kịp được yêu cầu phát triển KT-XH, chưa thích ứng đầy đủ được với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.
Thể chế phát triển thị trường lao động còn bất cập, chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ về giao dịch việc làm, các quy định về tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động. Cân đối cung - cầu lao động chưa hiệu quả, còn thiếu - thừa lao động cục bộ, làm việc không đúng ngành nghề đào tạo. Kết nối thị trường lao động trong nước và quốc tế còn yếu…
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ - tài khóa; triển khai chương trình phục hồi, phát triển KT-XH, tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch.
Thủ tướng chỉ ra 9 nhóm giải pháp lớn để phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập. Đó là nâng cao nhận thức về thị trường lao động, tuân thủ quy luật các quy luật của kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng linh hoạt, hiện đại, đầy đủ, bền vững, hiệu quả, hội nhập quốc tế.
Nắm bắt nhu cầu, phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm đang là ưu tiên hiện nay như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu…
Chú trọng đầu tư về cơ chế chính sách, nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng từ địa phương cấp tỉnh, cấp vùng tới toàn quốc, đa lĩnh vực theo ngành nghề. Hệ thống thông tin và dự báo hướng tới đối tượng người sử dụng là các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, doanh nghiệp và nhất là người lao động và người sử dụng lao động. Chính sách phải dựa trên cơ sở dữ liệu hiện tại và dự báo tương lai.
Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo, tầm nhìn chiến lược, chủ động, phù hợp với cơ chế thị trường, xây dựng nhiệm vụ phù hợp, khả thi, hiệu quả cả ngắn hạn và dài hạn.
Quan tâm dịch chuyển lao động, việc làm theo địa lý, địa bàn, bảo đảm cơ cấu phân bổ lao động việc làm hợp lý trên toàn quốc.
Đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Thực hiện các văn bản, quy định liên quan tới thị trường lao động, Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học, bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.
Đồng chí yêu cầu sau hội nghị hôm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các đại biểu dự hội nghị; nghiên cứu, tham mưu, sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo về tập trung nguồn lực phát triển thị trường lao động đúng hướng, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập.
Tin, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)