Quản lý cơ sở dịch vụ văn hóa, giải trí: Tăng cường giám sát để phòng dịch
Cam kết phòng dịch
Là địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, trên địa bàn huyện Việt Yên có hàng vạn công nhân ở trong và ngoài tỉnh cư trú, lao động, sinh sống. Toàn huyện có 60 cơ sở kinh doanh karaoke cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet, bể bơi, phòng tập thể hình, lưu trú…
![]() |
Lực lượng chức năng huyện Việt Yên kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở thị trấn Nếnh (Việt Yên). |
Đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong nước, cùng với nhiều huyện, TP trong tỉnh, UBND huyện Việt Yên đã ban hành văn bản tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí trên địa bàn từ ngày 5/2/2021 cho đến khi có thông báo mới. UBND huyện thành lập 5 tổ kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, thị trấn yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết tạm dừng kinh doanh dịch vụ; thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngày 26/2, UBND huyện cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí được phép hoạt động trở lại, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở ký cam kết về phòng, chống dịch.
Thị trấn Nếnh (Việt Yên) hiện có hơn 20 nghìn dân với gần 13 nghìn người ở trọ; 50 hộ kinh doanh dịch vụ karaoke, trò chơi điện tử, massage. Ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nếnh cho biết, xã tuyên truyền, yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh cam kết tuân thủ quy định phòng, chống dịch, bố trí nước rửa tay sát khuẩn; khử khuẩn sàn nhà, mặt bàn, ghế, tấm chắn, dụng cụ ít nhất 2 lần/ngày. Nhân viên phục vụ và khách hàng phải đeo khẩu trang. Khách trước khi vào và rời cơ sở kinh doanh phải rửa tay sát khuẩn. Chủ cơ sở đề nghị khách khai báo y tế, cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại.
Trên địa bàn TP Bắc Giang có hàng trăm cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, trò chơi điện tử, thể thao. Từ đầu năm đến nay, dù không ban hành văn bản tạm dừng hoạt động song ngành chức năng TP tích cực phối hợp với UBND các phường, xã tuyên truyền các cơ sở kinh doanh chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19. Ông Giáp Văn Quý, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP cho biết, qua kiểm tra, nắm bắt, cơ bản các cơ sở đều chấp hành quy định phòng, chống dịch.
Toàn tỉnh hiện có hơn 800 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí, trò chơi điện tử... Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 và đầu năm 2021, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp, nhìn chung, các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí đã chấp hành các quy định về phòng, chống dịch. Công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng được tăng cường.
Dù chính quyền, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc song công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Ý thức chấp hành quy định về phòng dịch của không ít chủ cơ sở kinh doanh còn chưa nghiêm, còn chủ quan, xem nhẹ. |
Năm 2020, Đội Kiểm tra liên ngành lĩnh vực văn hóa, thông tin và tệ nạn xã hội tỉnh phối hợp với đội liên ngành các huyện, TP tổ chức 34 cuộc kiểm tra với hơn 650 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin, du lịch và các dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội khác. Trong đó có nhiều cuộc kiểm tra chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19; xử phạt 19 cơ sở với số tiền 65 triệu đồng. Một số cơ sở kinh doanh karaoke đã bị đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động.
Tại Lục Nam, từ đầu năm 2021 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí được UBND huyện chỉ đạo thực hiện sát sao hơn. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đột xuất, ngoài giờ hành chính, thậm chí cả ban đêm; ngày nghỉ, lễ, tết. Tổ kiểm tra của huyện và ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các xã, thị trấn xử phạt 47 trường hợp, số tiền 75,5 triệu đồng đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, Internet, nước giải khát, với các hành vi như: Không đeo khẩu trang, tụ tập đông người; không chấp hành việc tạm dừng kinh doanh để phòng dịch.
Không chủ quan, xem nhẹ
Dù chính quyền, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc song công tác kiểm tra, giám sát ở một số nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn mặt hạn chế. Ý thức chấp hành quy định về phòng dịch của không ít chủ cơ sở kinh doanh còn chưa nghiêm, còn chủ quan, xem nhẹ. Đơn cử như tại cửa hàng dịch vụ Internet Khánh Tuyết, thôn My Điền 1, thị trấn Nếnh, khi cán bộ ngành chức năng của huyện và công an thị trấn có mặt lúc gần 11 giờ ngày 4/3/2021 có hơn 20 thanh niên đang chơi game, hầu hết không đeo khẩu trang. Thấy đoàn tới, nhân viên phụ trách cửa hàng vội đi lấy khẩu trang phát cho khách. Chủ cơ sở là chị Thân Thị Hằng cũng không có bản cam kết về tuân thủ quy định phòng, chống dịch Covid-19.
![]() |
Lục lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử tại thị trấn Nếnh (Việt Yên). |
Không chỉ ở thị trấn Nếnh, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí ở các huyện, TP cũng không bố trí nước sát khuẩn, không nhắc khách đeo khẩu trang và không có sổ ghi chép thông tin của khách... Nhiều nơi tuy có yêu cầu cơ sở kinh doanh viết cam kết về phòng, chống dịch song cũng rất hình thức và hiếm thấy bóng dáng lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chánh Thanh tra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ nay đến cuối năm, lực lượng thanh tra sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra hơn 20 cuộc theo kế hoạch; đồng thời kiểm tra đột xuất ở các huyện, TP, trong đó tập trung vào việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, điều kiện hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, giải trí.
Những ngày này, dịch Covid-19 tuy được kiểm soát song nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn cao do số lượng người di cư từ các tỉnh, TP trên cả nước đến làm việc, lao động tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh rất lớn. Tình trạng người vượt biên trái phép về Việt Nam qua đường mòn, lối mở vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh. Trong khi đó, dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Do đó, chính quyền, ngành chức năng các địa phương quan tâm chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đối với chủ cơ sở kinh doanh về phòng, chống dịch, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ý kiến bạn đọc (0)