Sản xuất vụ chiêm xuân: Giảm chỉ tiêu diện tích, tăng giống lúa chất lượng
![]() |
Nông dân thôn 7, xã Việt Lập (Tân Yên) làm mạ khay cấy lúa xuân. |
Điều chỉnh chỉ tiêu
Năm 2017, diện tích sản xuất lúa, ngô, rau đậu của ngành nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do việc lập kế hoạch chưa sát thực tế. Mấy năm gần đây, tại một số địa phương, người dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây mới có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác, thu hẹp diện tích lúa. Thế nhưng chỉ tiêu gieo cấy lúa vẫn không thay đổi so với trước. Huyện Lục Ngạn là điển hình, nhiều xã trồng cây có múi trên chân đất lúa, rau màu như: Hồng Giang, Tân Quang. Tuy vậy, năm nào huyện cũng được giao nhiệm vụ gieo cấy hơn 2,6 nghìn ha lúa xuân. Đây là điều không hợp lý, qua đó khiến chỉ tiêu chung về diện tích lúa của toàn ngành năm qua không đạt.
Trước thực tế này, năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn rà soát lại toàn bộ diện tích để đề ra kế hoạch phù hợp. Theo đó, lúa xuân dự kiến gieo cấy hơn 50,6 nghìn ha, giảm 1,7 nghìn ha so với năm trước; riêng huyện Lục Ngạn chỉ phải thực hiện hơn 1,3 nghìn ha, bằng một nửa năm ngoái. Trà xuân muộn chiếm 97% tổng diện tích, còn lại là xuân sớm. Thực tế cho thấy, thời gian qua, lúa chất lượng đã khẳng định ưu thế vượt trội như gạo thơm ngon, tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn lúa thường, dễ chăm sóc nên giống lúa này tiếp tục được chú trọng nhân rộng trong vụ xuân năm nay. Toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy hơn 16 nghìn ha lúa thuần chất lượng, tăng một nghìn ha so với vụ xuân năm 2017. Các giống lúa chất lượng được khuyến khích mở rộng diện tích gồm: BC15, Bắc Thơm, Hương Thơm số 1, TBR225...
Tìm hiểu tại huyện Yên Dũng, địa bàn trọng điểm về sản xuất lúa của tỉnh được biết, vụ này huyện gieo cấy 4,5/7,7 nghìn ha lúa chất lượng, tăng 500 ha so với vụ xuân năm ngoái, tập trung tại xã Tư Mại, Đồng Phúc, Đức Giang, Cảnh Thụy. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Gạo thơm Yên Dũng tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, vụ này huyện tiếp tục duy trì 14 cánh đồng mẫu cấy lúa chất lượng, quy mô bình quân hơn 30 ha/cánh đồng. Tham gia, nông dân được hỗ trợ 30% giá giống”. Các xã trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đều chú trọng đưa lúa chất lượng như: BC15, Hương Thơm số 1, Bắc Thơm số 7, Nàng Xuân... vào gieo cấy ở vụ này. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay nông dân trong huyện đã chuẩn bị giống, dự kiến diện tích lúa chất lượng đạt 2,5 nghìn ha, chiếm hơn 30% tổng diện tích lúa xuân.
Tại Lục Nam, huyện khuyến cáo nông dân đưa giống lúa chất lượng QR1, Thiên Ưu 8, RVT, BC15 gieo cấy trên chân ruộng chủ động nước với diện tích đăng ký 1,8 nghìn ha.
Tuân thủ khung thời vụ
Tập trung gieo mạ trà xuân muộn từ ngày 25-1 đến 10-2, cấy xong trước ngày 10-3. Đối với lúa gieo thẳng, thời gian gieo từ 15-2 đến hết tháng 2. Trà xuân sớm cấy xong trước tháng 2-2018. Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT |
Dựa trên kế hoạch, định hướng của cơ quan chuyên môn, thời điểm này, nông dân trong tỉnh đang tập trung sản xuất. Bà Nguyễn Thị Hoa, thôn 7, xã Việt Lập (Tân Yên) cho biết: “Nhiều người ở làng đi làm công nhân, dịch vụ nên không còn thiết tha với trồng trọt, vì vậy tôi nhận ruộng của họ để cấy, đỡ bỏ trống đất. Vụ này, gia đình tôi có hơn 2 mẫu lúa, tăng gấp đôi vụ trước. Hiện nay, tôi đã gieo xong mạ khay, khoảng nửa tháng nữa sẽ cấy ném”.
Đồng hành cùng nông dân, các đơn vị cung ứng vật tư cũng chủ động nguồn, bảo đảm hàng hóa chất lượng đến bà con. Công ty cổ phần Vật tư Kỹ thuật nông nghiệp đã sẵn sàng hơn 25 nghìn tấn phân bón các loại. Tranh thủ đợt xả nước hồ thủy điện, các công ty thủy nông huy động hơn 35 tổ máy bơm nước từ các sông phục vụ sản xuất. Theo Chi cục Thủy lợi, kết thúc xả nước đợt 1 (từ ngày 16 đến 19-1), toàn tỉnh bơm đổ ải cho hơn 1 nghìn ha đất canh tác, đạt 10% kế hoạch tưới bằng động lực. Do đặc thù canh tác, dự kiến Bắc Giang bơm tập trung vào thời điểm xả nước hồ thủy điện đợt 2 diễn ra từ ngày 28-1 đến 4-2.
Nhìn chung đến thời điểm này, các điều kiện cho vụ xuân tương đối thuận lợi, dung tích các hồ chứa đạt hơn 73% thiết kế, đủ cung cấp nước đổ ải và tưới dưỡng vài đợt đối với diện tích lúa ở khu vực miền núi. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, vẫn còn vài đợt rét đậm, rét hại tập trung trong tháng 1 và tháng 2 nên bà con không nên chủ quan. Các huyện, TP cần xây dựng phương án chủ động nguồn giống dự phòng, đề phòng sự cố. Đặc biệt, căn cứ vào tiết lập xuân, tùy đặc điểm sinh trưởng của từng giống phải gieo cấy lúa trong khung thời vụ thích hợp, hạn chế lúa trỗ trùng vào thời điểm thời tiết bất thuận”.
Ngoài ra, năm nay cũng được dự báo có thể phát sinh một số loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại cho lúa, nhất là bệnh lùn sọc đen phương nam. Bệnh này đã xuất hiện vào năm 2009 ở mức độ cục bộ và được phòng trừ kịp thời, sau đó không xuất hiện. Đến vụ mùa năm 2017 bùng phát trở lại với diện tích nhiễm hơn 40 ha, nhiều diện tích lúa thuộc huyện Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động bị gây hại nặng. Trong điều kiện về biến đổi khí hậu và thay đổi cơ cấu giống như hiện nay thì nguy cơ cao bệnh lùn sọc đen phương nam bùng phát thành dịch trong vụ chiêm xuân năm 2018. Bởi vậy, cần nâng cao chất lượng dự báo sâu bệnh; kịp thời cảnh báo để hướng dẫn nông dân phòng trừ hiệu quả.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)