Sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa
Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị liên quan, xã Tự Lạn, đại diện các hộ dân tham gia mô hình ở xã Tự Lạn và một số địa phương trên địa bàn huyện.
![]() |
Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. |
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong vụ mùa năm 2022, đơn vị phối hợp với Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp hai huyện Việt Yên, Lạng Giang khảo sát, chọn địa điểm xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Tự Lạn (Việt Yên) và xã Dương Đức (Lạng Giang). Quy mô thực hiện 34 ha, trong đó xã Tự Lạn 24,5 ha với 150 hộ tham gia. Giống lúa gieo cấy tại mô hình xã Tự Lạn chủ yếu là TH8, chiếm 90% diện tích; còn lại là Khang dân 18.
Các hộ tham gia được cán bộ chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây…
Trong quá trình sản xuất, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đưa thiết bị bay không người lái vào phun thuốc bảo vệ thực vật cho mỗi mô hình một lần nhằm đánh giá hiệu quả phòng trừ sâu bệnh hại bằng thiết bị bay. Ngoài ra khi phát sinh sâu bệnh hại với mật độ thấp, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ tham gia mô hình chủ động phun phòng trừ bằng biện pháp phun bình truyền thống.
![]() |
Phun thuốc trừ sâu bệnh cho lúa bằng thiết bị bay không người lái. |
Tiền thuê máy là 782 nghìn đồng một lần cho 1ha. Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 40%, tương đương 312.800 đồng. Cùng đó, Trung tâm hỗ trợ thêm phân hữu cơ, phân NPK, phân đạm cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời hỗ trợ người dân thuốc bảo vệ thực vật cho một lần phun.
Hiện lúa trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến cho năng suất cao. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, năng suất thực thu của giống TH8 trong mô hình ước đạt 70 tạ/ha, tương đương 240kg/sào; giống Khang dân ước đạt 62 tạ/ha, tương đương 220kg/sào.
Hiệu quả mang lại khi thực hiện mô hình thể hiện rõ trong cả quá trình sản xuất từ việc bảo đảm thời vụ gieo trồng, quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng. Cách làm này giảm được lượng giống, giảm chi phí phân bón, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trong sản xuất lúa giúp người dân được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến, thông minh, quy trình sản xuất hiện đại.
Đỗ Tập
Ý kiến bạn đọc (0)