Tân An khắc ghi lời Bác
![]() |
Thầy và trò Trường THCS thị trấn Tân An tìm hiểu truyền thống tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An. Ảnh: Quốc Trường |
Đến đầu làng Bác hỏi: “Đây là làng kháng chiến giỏi phải không?”. Sau đó, Bác xuống xe đi bộ vào thăm làng, gặp các nữ dân quân. Tiếp đến, Người vào thăm giếng nước, thăm hỏi đời sống của bà con xã viên, thăm những gia đình có công với cách mạng, thăm bến ao làng… Bác với bộ quần áo nâu và áo khoác ngoài bằng vải bông xanh giản dị…
Tại trung tâm xã, Bác nói chuyện với gần 3.000 xã viên, đồng bào xã Tân An và các xã xung quanh đó đã đến đón chào Bác. Bác khen ngợi người dân xã Tân An có đóng góp lớn lao sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ và xây dựng quê hương thời kỳ hòa bình. Bác căn dặn người dân Tân An luôn phải thực hiện "3 cao": “Đoàn kết cao, năng suất sản xuất cao và đời sống nhân dân cao”.
Sáu thập kỷ qua, người dân Tân An luôn ghi nhớ lời dạy của Bác. Thời kỳ đổi mới, Tân An tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề và dịch vụ, đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao. Đến nay Tân An đã trở thành thị trấn, là điểm sáng KT-XH của khu vực bờ bắc sông Thương.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ thị trấn Tân An khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra tháng 5/2020 đã đánh giá những kết quả nổi bật 5 năm qua như: Nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị thu nhập đạt 134 triệu đồng/ha đất canh tác. Tổng thu nhập từ ngành trồng trọt đạt 50 tỷ đồng; tổng giá trị tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề hơn 213 tỷ đồng; tổng thu nhập toàn thị trấn đạt hơn 575 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 51 triệu đồng/người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,42% ...
Di tích Bác Hồ về thăm Tân An nay thuộc tổ dân phố Long Trì, thị trấn Tân An, cách thành phố Bắc Giang khoảng 15 km. Điểm di tích có diện tích gần 1.400m2 nằm trong khuôn viên Trường THPT Yên Dũng số 2. Nhà tưởng niệm có tấm bia khổ lớn khắc lời Bác Hồ căn dặn và ghi: “Nơi đây, ngày 6/4/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và đứng nói chuyện với cán bộ và nhân dân Tân An”. Ở khu phố Long Trì có một hồ nước rộng chừng 7 mẫu, người dân vẫn gọi với cái tên đầy tôn kính “Ao cá Bác Hồ”. Đó là nơi Bác Hồ đã xuống rửa chân khi về thăm Tân An.
Năm 1979, tỉnh Hà Bắc đón nhận giống cá từ “Ao cá Bác Hồ” tại Hà Nội đưa về nuôi tại một số địa phương trong tỉnh, trong đó có Long Trì. Hiện “Ao cá Bác Hồ” tại Long Trì đã được cải tạo, xây bến nước, trồng cây xanh quanh bờ và đặt ghế đá. Mỗi buổi chiều, bà con ra đây hóng mát, tập thể dục, vui chơi.
Những đóng góp của nhân dân làng Long Trì xưa trong hai cuộc kháng chiến và trong lao động sản xuất góp phần vào thành tích chung của Tân An mà phần thưởng cao quý là được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1999). Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 372/QĐ-BVH, ngày 10/3/1994.
Ngày sinh nhật Bác 19/5, Quốc khánh 2/9, tại đây, tuổi trẻ địa phương tổ chức các hoạt động như lễ báo công dâng Bác, tuyên dương đoàn viên thanh niên, học sinh đạt thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực. Huyện Yên Dũng đã có chủ trương quy hoạch tuyến du lịch Trúc lâm Phượng Hoàng - địa đạo làng kháng chiến Long Trì - Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An - chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động).
Trong những ngày xuân, thật xúc động khi về Tân An, nơi ghi dấu những địa danh lịch sử, địa đạo, bia kháng chiến và di tích cách mạng một thời. Kỷ niệm đón Bác về thăm mãi là niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ngô Trọng Bình
Ý kiến bạn đọc (0)