Tăng cơ hội thoát nghèo từ quỹ giải quyết việc làm
Nâng hạn mức, mở rộng quy mô sản xuất
Thành lập năm 1992, quỹ cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, hộ gia đình. Từ năm 2016 đến cuối năm 2019, hoạt động cho vay từ quỹ thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm, Nghị định 61 ngày 9/7/2015 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn. Ngày 23/9/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 74, điều chỉnh, bổ sung Nghị định 61 với nhiều quy định mới phù hợp hơn.
![]() |
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Lạng Giang và Hội Nông dân xã Yên Mỹ tham quan mô hình sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Đăng Trọng, thôn Ngành Bễn. |
Cụ thể, mức vay được nâng lên tối đa 100 triệu đồng đối với người lao động (trước đây là 50 triệu đồng); đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay mức tối đa 2 tỷ đồng/dự án. Thời hạn cho vay nâng lên tối đa 120 tháng (trước đây 60 tháng). Bên cạnh đó, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh tăng, bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo là 7,92%/năm (trước đây bằng lãi suất cho vay với hộ nghèo là 6,6%/năm). Sự điều chỉnh này tạo thuận lợi để người dân tiếp cận, sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn, có động lực, trách nhiệm với chính sách ưu đãi.
Huyện Tân Yên hiện có hơn 100 nghìn người trong độ tuổi lao động. Ngoài số nhân công trẻ đang làm việc trong các khu, cụm công nghiệp, tại các xã, thị trấn, lực lượng lao động trung tuổi khá lớn. Vì vậy, chủ trương tạo việc làm tại chỗ thông qua phát triển sản xuất được huyện quan tâm. Gia đình bà Dương Thị Luyện (SN 1974) ở thôn Khánh Linh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) được vay vốn từ quỹ đã có sinh kế bền vững và giúp nhiều hộ dân ở địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Năm 2015, nhận thấy giá trị kinh tế của măng lục trúc, bà Luyện vận động các hộ dân thành lập hợp tác xã với 20 thành viên. Năm 2017, qua tư vấn, hướng dẫn của Hội Nông dân xã, hợp tác xã được vay hơn 300 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay của quỹ quốc gia về việc làm, bà dành kinh phí mua thêm cây giống, bón phân hữu cơ cho đất. Hiện gia đình bà có 2 mẫu với hơn 700 khóm tre lấy măng, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Năm 2014, từ số vốn tích lũy của gia đình và vay mượn thêm người thân, anh Nguyễn Đăng Trọng (SN 1985), thôn Ngành Bễn, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất đồ gỗ. Trải qua thời điểm đầu khó khăn, đến nay cơ sở đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho từ 5- 8 lao động, chủ yếu là thanh niên địa phương.
Với các sản phẩm đồ gỗ nội thất, thị trường ngày càng mở rộng, trung bình mỗi năm, cơ sở đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng, trừ chi phí, gia đình anh Trọng có lãi gần 700 triệu đồng. Đầu năm nay, qua tín chấp của Hội Nông dân xã, được vay 100 triệu đồng từ nguồn quỹ, anh Trọng mua sắm thêm một số loại máy móc như: Máy cưa bàn trượt, máy cuốn gỗ liên hợp, máy phay để hỗ trợ các khâu sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Bố trí nguồn đối ứng, lựa chọn dự án cho vay
Để hỗ trợ người dân tiếp cận thuận lợi nguồn quỹ quốc gia về việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh, các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách. Đến nay, nguồn vốn mang lại hiệu quả tích cực, doanh số cho vay tăng dần, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn thấp.
Theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh, giai đoạn 2016-2020, doanh số cho vay từ vốn cho vay giải quyết việc làm (gồm nguồn quỹ, vốn huy động NHCS và vốn ủy thác của địa phương) đạt hơn 335,2 tỷ đồng với hơn 10,5 nghìn lượt khách hàng được vay vốn; số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm gần 14,9 nghìn người. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, doanh số cho vay đạt hơn 123,3 tỷ đồng với gần 2,2 nghìn dự án phát triển sản xuất. |
Tuy nhiên, do đối tượng vay vốn tập trung vào nhóm hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ trong lĩnh vực nông nghiệp nên hiệu quả tạo việc làm mới còn hạn chế; số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã vay vốn còn ít. Nguyên nhân là do nguồn vốn T.Ư phân bổ vào quỹ rất ít (68,9 tỷ đồng năm 2015), cả giai đoạn 2016-2020 chỉ bổ sung hơn 200 triệu đồng; nguồn kinh phí đối ứng của tỉnh, huyện còn hạn chế.
Ông Hà Quốc Quân, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Hiện nay, dư nợ của quỹ chỉ chiếm 5,6% tổng dư nợ của 16 chương trình cho vay vốn hiện nay của Ngân hàng CSXH. Vì vậy, nguồn vốn này chưa thể đáp ứng được nhu cầu vay có xu hướng ngày càng tăng của người dân, cơ sở sản xuất. Để khắc phục thực tế này, đơn vị tập trung thẩm định các dự án cho vay, đôn đốc thu hồi nợ để bảo đảm nguồn quay vòng hằng năm, tạo thêm cơ hội vay vốn cho người dân có nhu cầu.
Nhằm triển khai hiệu quả nguồn quỹ, bà Tạ Thị Quý, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạng Giang đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lồng ghép, bố trí nguồn đối ứng từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay. Sau khi có quyết định giải ngân, địa phương phân công cán bộ hội, đoàn thể giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn.
Kinh nghiệm của đơn vị là dựa trên kết quả thẩm định, ưu tiên lựa chọn những mô hình trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương để “dồn vốn”, bảo đảm cho vay tối đa theo hạn mức, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Kết quả từ đầu năm đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạng Giang giải ngân cho vay 18 tỷ đồng với 344 lao động được tạo việc làm mới.
Thời gian tới, để phát huy hiệu quả, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH kiến nghị hằng năm, Chính phủ quan tâm cấp bổ sung kinh phí cho quỹ. Đơn vị tiếp tục chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, các địa phương quan tâm rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn thực tế tại từng thôn, xóm, làm cơ sở xây dựng kế hoạch tín dụng trong những năm tiếp theo; đề nghị UBND các xã cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây, con giống để nâng cao giá trị kinh tế của mô hình sản xuất.
Ý kiến bạn đọc (0)