Tăng thẩm quyền cho công an xã chính quy: Kịp thời ngăn chặn tội phạm
Xử lý thông tin nhanh hơn
Trước đây, công an xã chỉ có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tin báo kèm theo các tài liệu, đồ vật liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền, từ ngày 1/12, công an xã còn được "tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ" đối với tố giác, tin báo về tội phạm.
![]() |
Công an xã Việt Lập (Tân Yên) tiếp nhận tin báo của người dân qua Zalo. |
Việc tăng thẩm quyền như vậy sẽ phát huy được nguồn lực của lực lượng này, xử lý kịp thời, nhanh chóng hơn các vụ việc từ giai đoạn mới phát hiện. Theo đó, khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, trong vòng 7 ngày, công an xã phải làm các công việc ban đầu như: Bảo vệ hiện trường, lấy lời khai, gửi yêu cầu tra cứu để xác định có tiền án, tiền sự không.
Nếu có dấu hiệu hình sự thì mới chuyển lên công an huyện. Thượng úy Trương Văn Thịnh, Trưởng Công an xã Tân Lập (Lục Ngạn) chia sẻ: Tân Lập là xã vùng 2, địa bàn rộng, bà con dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 53%. Việc tăng thẩm quyền cho lực lượng công an xã chính quy theo quy định mới được kỳ vọng người dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc tố giác tội phạm, giúp lực lượng công an làm tốt hơn nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân ngay từ cơ sở.
Còn tại địa bàn xã Việt Ngọc (Tân Yên), theo Thượng úy Giáp Văn Kiên, Trưởng Công an xã, từ khi triển khai lực lượng công an chính quy về xã (năm 2020), đơn vị đã tiếp nhận hơn 30 tin báo liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có 9 tin báo, tố giác tội phạm.
Khi có vụ việc phạm pháp hình sự, các hành vi vi phạm pháp luật mới xảy ra, trong thẩm quyền của mình, công an xã đã giải quyết nhanh chóng, dứt điểm từ cơ sở, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tạo được tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa cao. Tuy nhiên, không phải vụ việc nào công an xã cũng có thể xử lý ngay khi có tin báo tố giác. Bởi trước đây theo quy định cũ, nếu không trực tiếp bắt quả tang vụ việc, lực lượng công an xã chỉ có thế tiếp nhận tin báo và phải chuyển hồ sơ vụ việc lên cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện.
Năm 2021, Công an tỉnh tiếp nhận gần 2.500 tố giác, tin báo tội phạm, đã giải quyết đạt 91,92%, vượt 1,92% so với mục tiêu. Đại tá Lại Văn Đông, Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết: Công an xã là lực lượng thường trực gần dân nhất, nắm và tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm. Lực lượng này luôn có mặt nhanh nhất, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra. Bắc Giang có diện tích rộng, nhiều dân tộc. Công an xã chính quy bám sát dân, địa bàn sẽ bảo đảm cho công tác an ninh được thực hiện tốt hơn.
Bảo đảm điều kiện thực hiện quy định mới
Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, phát sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự. Dự báo tình hình tội phạm sẽ phức tạp hơn do mất việc làm, không có thu nhập và các tranh chấp khác. Việc tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm ngay tại công an xã giúp người dân báo tin nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Mặt khác, việc nắm bắt, xác minh, giải quyết của công an từ cấp xã được nhanh chóng, chính xác, hiệu quả hơn. Dù vậy, cũng không loại trừ cả những vụ việc hành chính, nhỏ lẻ “con cá, lá rau” người dân cũng sẽ phản ánh.
Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: Để thực hiện tốt nhiệm vụ mới cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ công an xã chính quy, Công an tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy. Đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Đề án “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an xã chính quy trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025”.
Hiện nay, công an chính quy đảm nhận chức danh tại 199/199 xã, thị trấn trong tỉnh với tổng số khoảng 1.000 cán bộ, chiến sĩ. Bộ trưởng Bộ Công an cũng vừa ký quyết định về việc tổ chức công an xã, thị trấn chính quy đối với 199 xã, thị trấn. Căn cứ quyết định này, Công an tỉnh sẽ bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ công an chính quy phù hợp với tình hình, tính chất địa bàn, nhất là đội ngũ cấp trưởng.
Nghiên cứu để bố trí những đồng chí từng làm điều tra viên, cán bộ điều tra trinh sát viên từng công tác trong cơ quan điều tra cấp huyện, cấp tỉnh có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo tội phạm. Cùng đó phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đối với chỉ huy công an cấp xã làm công tác phòng, chống tội phạm.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị theo yêu cầu thực tiễn. Xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc của công an xã chính quy, góp phần bảo đảm cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở, ổn định tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Đến nay đã có 8 trụ sở công an xã chính quy được khởi công (kinh phí khoảng 3 tỷ đồng/trụ sở).
Theo kế hoạch, năm 2022 có từ 30-40 trụ sở tiếp tục được xây dựng. Công an tỉnh cũng đề nghị Bộ Công an trang cấp công cụ, phương tiện, thiết bị nghiệp vụ để phục vụ yêu cầu công tác, chiến đấu. Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác xây dựng lực lượng công an; quan tâm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp cùng lực lượng tham gia thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Bài, ảnh: Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)