Tập trung GPMB, giải ngân vốn đầu tư công; kiểm soát chặt người về từ vùng dịch
Theo Văn phòng UBND tỉnh, ngoài các dự án chuyển tiếp, năm 2021 có 32 dự án đầu tư công khởi công mới do cấp tỉnh quản lý với số vốn hơn 1,1 nghìn tỷ đồng. Đến nay, 100% dự án khởi công mới đã được giao vốn thực hiện, trong đó có 20 dự án đã khởi công, 12 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công trong tháng 11/2021.
![]() |
Đồng chí Lê Ánh Dương phát biểu tại điểm cầu UBND tỉnh. |
Hiện đã có 6/14 dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh hoàn thành 100% diện tích giải phóng mặt bằng (GPMB), 8 dự án còn lại đang được đo đạc, kiểm đếm hoặc chi trả bồi thường; 4 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách cũng đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ…
Ở lĩnh vực nông nghiệp, đến nay, diện tích gieo trồng vụ đông đạt 63,4% kế hoạch, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 4/15 xã đăng ký được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 7/17 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, ngày 28/10/2021, huyện Yên Dũng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, trở thành địa phương thứ tư hoàn thành mục tiêu. Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông được bảo đảm; giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, hạn chế các vụ việc phức tạp.
![]() |
Ông Dương Thanh Tùng nêu ý kiến. |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, GPMB dự án trọng điểm, công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, một số ý kiến cho rằng tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với tháng trước là do trong tháng 10/2021, kế hoạch vốn mới được bổ sung từ nguồn vượt thu tiền đất hơn 1,66 nghìn tỷ đồng. Về giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các huyện, TP cam kết sẽ tập trung cao thu hồi đất, bồi thường GPMB, hoàn thiện các thủ tục để triển khai các dự án, bảo đảm không dự án nào bị thu hồi vốn…
Lãnh đạo UBND huyện Việt Yên cho biết, cùng với tập trung các dự án trong năm nay, huyện sẽ tập trung thực hiện các quy trình chuẩn bị đầu tư dự án đầu tư công năm 2022; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; các dự án tạo nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, thu hút đầu tư thương mại, hướng đến mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, một số ý kiến cho rằng, cùng với chính sách hỗ trợ, các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến công tác PCD trên đàn vật nuôi, nhất trong giai đoạn chuyển mùa, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi mua bán, kinh doanh vận chuyển động vật nhiễm bệnh. Về chương trình xây dựng NTM, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tiến độ chậm so với kế hoạch do đó các địa phương tập trung hoàn thành.
Riêng đối với huyện Hiệp Hòa, tiêu chí cấp huyện cơ bản hoàn thành song còn hai xã đang thẩm định do vướng về tiêu chí giáo dục. Để về đích huyện NTM, cùng với hỗ trợ của tổ công tác tỉnh, địa phương cần làm đồng thời các nội dung, phấn đấu hoàn thành.
Đối với tiêu thụ nông sản, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, Sở đang xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Theo đó, cùng với điểm cầu Lục Ngạn, năm nay sẽ mở thêm điểm cầu tại huyện Tân Yên, Yên Thế xúc tiến tiêu thụ gà, lợn cùng các sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Các điểm cầu này sẽ được kết nối với nhau và với các điểm cầu tại một số tỉnh, TP tiêu thụ nhiều nông sản của Bắc Giang.
![]() |
Ông Từ Quốc Hiệu thông tin về tình hình dịch Covid-19. |
Liên quan đến công tác PCD, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ khi dịch xuất hiện trở lại tại xã Thượng Lan (ngày 26/10), đến nay đã phát hiện 18 ca F0 liên quan đến ổ dịch này, tập trung chủ yếu tại các xã: Thượng Lan, Việt Tiến và Tự Lạn (cùng huyện Việt Yên).
Về cơ bản ổ dịch này đã được khống chế, các trường hợp F0 mới đều thuộc diện đang thực hiện cách ly tập trung. Tuy nhiên, qua tầm soát tại các khu công nghiệp (KCN), từ tối 28 đến sáng 29/10 đã phát hiện 10 ca nhiễm mới, chưa rõ nguồn lây.
Liên quan đến tỷ lệ tiêm vắc-xin tại huyện Sơn Động thấp, ông Hiệu cho rằng do thời gian qua tỉnh tập trung vắc-xin cho các KCN cũng như các địa phương lân cận nên lượng vắc-xin phân bổ cho các địa phương còn lại hạn chế. Tới đây sẽ ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ tiêm thấp.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Ánh Dương cho rằng, hiện ổ dịch tại xã Thượng Lan đã được kiểm soát, các ca phát sinh đều là F1 đã cách ly nên nguy cơ không lớn. Tuy nhiên, các ca trong KCN chưa rõ nguồn lây; có trường hợp là công nhân từ KCN tại tỉnh Bắc Ninh trở về địa phương nên cần quản lý chặt chẽ người về từ các vùng dịch; tăng cường hoạt động tổ Covid cộng đồng để rà soát, đưa các trường hợp có nguy cơ cao đi cách ly.
Đối với các KCN cần tiếp tục tầm soát, tính toán giảm các hoạt động không thiết yếu tại các doanh nghiệp. Đồng chí nhấn mạnh, hiện tỉnh đang trong giai đoạn đầu chuyển chiến lược để thích ứng với dịch, do đó các địa phương cần siết chặt quản lý đi lại, nhất là từ các tỉnh có dịch về địa bàn...
Đối với phát triển KT-XH, đồng chí Lê Ánh Dương đề nghị các ngành, địa phương cần tập trung rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa đạt, khả năng không hoàn thành để có biện pháp tháo gỡ. Quan tâm đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB các dự án để vừa triển khai thi công, vừa giải ngân vốn đầu tư công. Đối với việc thu gom, xử lý rác thải, đồng chí yêu cầu các huyện: Lục Nam, Hiệp Hòa sớm chọn chủ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác; huyện Tân Yên rút kinh nghiệm, tập trung cao cho công tác này, nhất là xử lý các điểm rác thải tồn lưu.
Về chương trình xây dựng NTM, đồng chí yêu cầu các ngành liên quan hỗ trợ tối đa cho huyện Hiệp Hòa để hoàn thành mục tiêu đạt huyện NTM trong năm nay; các huyện, TP rà soát, tháo gỡ khó khăn để đưa các thôn, xã về đích theo đúng kế hoạch. Riêng về tiêu thụ nông sản, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với đề xuất của Sở Công Thương, đồng thời yêu cầu Sở sớm hoàn chỉnh kế hoạch, tham mưu với UBND tỉnh, phấn đấu tổ chức hội nghị xúc tiến trực tuyến trong nửa đầu tháng 11.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)