Thêm cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn
BẮC NINH - Sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trở thành tỉnh Bắc Ninh mới là bước ngoặt không chỉ để xây dựng một tỉnh siêu công nghiệp mà còn mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn - loại hình “công nghiệp không khói” đang là xu thế hiện đại, bền vững hiện nay.
Bức tranh du lịch nông nghiệp đa sắc
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Bắc Ninh mới có không gian rộng lớn, nhiều nguồn lực hơn để phát triển kinh tế, trong đó có du lịch nông nghiệp, nông thôn. Dễ nhận thấy, tỉnh vừa có diện tích lớn đất nông nghiệp với hàng nghìn mô hình sản xuất công nghệ cao, vùng trồng chè hữu cơ, cây ăn trái; vừa có khoảng 100 làng nghề tạo nên một bức tranh du lịch nông nghiệp đa sắc, độc đáo. Đặc biệt hiện nay, ngày càng nhiều du khách lựa chọn điểm đến là các nhà vườn, nông trại, làng nghề để trải nghiệm, thư giãn, hòa mình với không gian trong lành, bình yên của làng quê. Đây là những điều kiện cần thiết để phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
![]() |
Du khách tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Lan Điệp Farm, xã Phật Tích. |
Tìm hiểu mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Lan Điệp Farm, xã Phật Tích được biết, nhiều năm nay, nhà vườn đã quan tâm trồng các giống dưa cho năng suất tốt, mã đẹp, giá cao để gia tăng thu nhập đồng thời kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm. Theo chị Dương Lan (chủ vườn), gia đình có hơn 2 nghìn m2 nhà màng trồng dưa các loại, từ 3-4 vụ/năm. Như vụ này, vợ chồng anh chị trồng dưa vàng Nhật, năng suất ước khoảng 10 tấn/vụ, trừ chi phí lãi 170-200 triệu đồng/vụ.
Từ đầu tháng 6/2025 đến nay, nhà vườn đón tiếp hàng trăm lượt khách ở trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm thu hoạch dưa. Để hấp dẫn du khách, Lan Điệp Farm hoàn toàn miễn phí vé vào, người dân được chụp ảnh, thưởng thức dưa miễn phí ngay tại vườn, nếu mua dưa sẽ được tính mức giá 45 nghìn đồng/kg. Nhận thấy có tiềm năng, thời gian tới, vợ chồng chị Lan dự định tiếp tục phát triển mô hình này ở một số tỉnh khác.
Hay như trong mùa vải thiều năm 2025, các tour du lịch mùa quả chín trên địa bàn tỉnh được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, nhiều dịch vụ hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Chị Vũ Thị Cư, phường Bắc Giang cho hay, gia đình chị vừa có chuyến đi nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại điểm du lịch Windy hills Homestay, phường Chũ (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển dịch vụ Homesmart).
Điều chị ấn tượng nhất là được ngắm nhìn những đồi vải bát ngát, quả chín đỏ rực một góc trời; trải nghiệm thu hái quả; hít thở bầu không khí trong lành; được thưởng thức các món ăn dân tộc độc đáo của địa phương; đắm mình trong bể bơi để thư giãn giữa ngày hè nóng bức; nghỉ ngơi tại các phòng nghỉ gia đình hoặc cộng đồng. Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn, từ đầu mùa vải thiều đến nay, toàn tỉnh thu hút hơn 200 nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm.
Bắc Ninh còn là điểm dừng chân của nhiều khách tham quan vì có không gian di sản văn hóa làng nghề lâu đời, độc đáo; có các vườn sinh thái ven sông Đuống để phát triển loại hình du lịch giải trí, dã ngoại cuối tuần, cắm trại sinh thái; các xưởng sản xuất đồ gỗ, đồng, gốm cũng là điểm đến giúp du khách khám phá toàn diện đời sống làng quê Bắc Bộ…
Cần chính sách, định hướng rõ ràng
Du lịch nông nghiệp hiện đại không chỉ là ngắm cảnh đơn thuần mà du khách còn được trải nghiệm thực tế, cùng tham gia sản xuất; kết hợp nghỉ dưỡng và chung tay gìn giữ, phát huy nét văn hóa bản địa. Hướng đi này giúp người dân tăng thu nhập; bảo tồn nét văn hóa nông thôn, không gian sinh thái; giáo dục kỹ năng sống gắn với bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tiềm năng sau sáp nhập, Bắc Ninh cần những chính sách và định hướng cụ thể.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng các tuyến du lịch gắn kết giữa đồng quê, làng nghề, tín ngưỡng dân gian; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất; gia tăng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm “trợ lực”, thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn. |
Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, địa phương cần quy hoạch vùng du lịch nông nghiệp rõ ràng, tránh phát triển tự phát. Đặc biệt cần quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh gắn với du lịch, ưu tiên các khu vực có hệ sinh thái thuận lợi, gần các tuyến giao thông chính, khu đông dân cư. Việc hỗ trợ hạ tầng, kết nối giao thông cũng đóng vai trò quan trọng để “kéo” du khách về vùng nông thôn.
Để ngày càng nhiều người biết đến các điểm du lịch nông nghiệp hiện đại, địa phương, các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm đẩy mạnh chiến lược truyền thông qua nhiều phương tiện, hình thức. Ví như phát triển các ứng dụng du lịch thông minh, bản đồ số, website giới thiệu các điểm đến hấp dẫn của tỉnh.
Nhìn lại bài học kinh nghiệm trong phát triển du lịch nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cũ, chúng ta thấy rằng, không thể tách rời nông dân ra khỏi chuỗi du lịch. Thay vào đó, họ cần được đào tạo để trở thành người làm du lịch chuyên nghiệp ngay trên chính mảnh đất của mình. Du lịch nông nghiệp không chỉ là cây trái, mà còn là không gian văn hóa độc đáo. Theo đó trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng các tuyến du lịch gắn kết giữa đồng quê, làng nghề, tín ngưỡng dân gian; triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất; gia tăng sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm “trợ lực”, thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn.
Ý kiến bạn đọc (0)