Thực hiện các quy định mới trong trường học: Phát huy vai trò nêu gương của nhà giáo
Nhà giáo Nguyễn Danh Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (Việt Yên): Giáo dục học sinh bằng tình yêu thương
Những hình thức xử lý học sinh vi phạm trước đây như phê bình trước lớp hoặc trước toàn trường; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn nhằm hướng tới mục đích răn đe các em không vi phạm song hình thức kỷ luật này cũng có ý kiến trái chiều.
Ở tuổi mới lớn, đôi khi học sinh vô tình hoặc thiếu hiểu biết mà mắc lỗi. Khi bị phê bình trước lớp, trước trường sẽ khiến các em cảm thấy xấu hổ với thầy cô và bạn bè; giờ sinh hoạt tập thể trở nên căng thẳng, mệt mỏi, không mang lại cảm giác hào hứng thi đua cho cả cô và trò.
Nhiều năm trực tiếp giảng dạy và quản lý, tôi quan niệm giáo dục đạo đức là gốc của mọi hoạt động giáo dục khác. Trường học là môi trường nhân văn, nơi học sinh vừa được trau dồi kiến thức vừa tu dưỡng đạo đức, kỹ năng, hoàn thiện nhân cách để vững vàng bước vào đời.
![]() |
Nhà giáo Nguyễn Danh Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt và học sinh trong giờ ngoại khóa về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Ảnh Mai Toan. |
Những năm gần đây, hoạt động giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường triển khai thường xuyên. Thay vì phê bình học sinh thì trong tiết sinh hoạt lớp hay chào cờ đầu tuần, Ban Giám hiệu chú trọng tuyên dương học sinh đạt thành tích xuất sắc, có việc làm tốt.
Việc phê bình học sinh mắc lỗi vẫn thực hiện song giáo viên góp ý thông qua gặp gỡ, trao đổi riêng hoặc phối hợp với cha mẹ, bạn bè giúp đỡ các em. Với cách làm đó, học sinh mắc lỗi sẽ cảm nhận được tình yêu thương cũng như sự nghiêm khắc của thầy cô để ý thức sửa chữa sai lầm, khuyết điểm.
Trong năm học, chúng tôi thường xuyên chọn việc cụ thể, thiết thực, ý nghĩa để giáo dục học sinh như: Tổ chức cho các em đến thăm gia đình chính sách, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Ngay như đầu năm học này, khi biết thông tin về hai em nhỏ ở xã Trung Sơn mồ côi bố mẹ, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", chỉ trong thời gian ngắn, thầy cô và học sinh của trường đã quyên góp hơn 5 triệu đồng tặng hai em. Học sinh được tai nghe, mắt thấy người thật, việc thật là bài học bổ ích nhất về nghị lực, khát vọng vượt lên số phận, niềm tin và lòng nhân ái trong cuộc sống.
Muốn thực hiện tốt quy định mới ban hành, mỗi nhà giáo cần trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, lấy tình yêu thương làm động lực để quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh mắc lỗi lầm khắc phục khuyết điểm.
Cùng đó, Đoàn Thanh niên trường học tổ chức nhiều sân chơi chung thông qua các câu lạc bộ thể thao, văn nghệ để thầy cô và học sinh tăng cường giao lưu, chia sẻ, thực hiện hiệu quả phương châm: "Trường học là ngôi nhà thứ hai, thầy cô là người bạn tốt".
![]() |
Trường THPT Lý Thường Kiệt tổ chức Hội khỏe Phù đổng năm học 2020-2020. Ảnh do trường cung cấp. |
Là đơn vị giáo dục có hơn 1 nghìn cán bộ, giáo viên và học sinh, nhiều năm qua, Trường THPT Lý Thường Kiệt thường xuyên dẫn đầu nhiều phong trào thi đua ở cấp THPT do ngành giáo dục phát động.
Tiêu biểu là mô hình trường học “5 không” gồm: Không tệ nạn xã hội, không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, không thuốc lá, không bạo lực, không gian lận trong học tập và thi cử. Năm học 2020-2021, trường bổ sung thêm chỉ tiêu “không tai nạn thương tích” vào phong trào thi đua.
Nhà giáo Lê Văn Lực, Phó hiệu trưởng Trường THPT Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang): Xây dựng và thực hiện nghiêm nội quy học sinh dùng điện thoại
Thông tư 32 quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ hoạt động học tập nếu được giáo viên đồng ý hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế và chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học của ngành giáo dục.
![]() |
Nhà giáo Lê Văn Lực hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại phục vụ học tập. Ảnh Mai Toan. |
Với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ, cơ hội học tập để mở rộng, nâng cao kiến thức đối với tất cả mọi người thuận tiện hơn. Đơn cử như trước đây khi tổ chức một giờ dạy Tiếng Anh, học sinh muốn tra cứu từ mới phải tìm trong cuốn từ điển giấy vừa cồng kềnh lại mất nhiều thời gian thì nay các em nhanh chóng thực hiện với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet. Không những biết được nghĩa của từ mà còn có thể nghe được cách phát âm chính xác.
Ở Trường THPT Ngô Sĩ Liên, hầu hết giáo viên và học sinh THPT có điện thoại thông minh có thể kết nối internet đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin phục vụ hoạt động dạy và học.
Thầy cô luôn hướng dẫn học sinh kỹ năng sử dụng điện thoại hiệu quả để tra cứu thông tin, tìm các dạng đề phục vụ cho bài học. Ngay như cuối năm học 2019-2020, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng hoạt động giáo dục ở trường không bị ảnh hưởng lớn. Thông qua phần mềm Viettel Study cài đặt sẵn trên điện thoại mà gần 1 nghìn học sinh trong trường vẫn có thể làm bài kiểm tra đánh giá năng lực; giáo viên thường xuyên tương tác, trao đổi kiến thức môn học với học sinh.
Mới đây, khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 32, nhà trường tiếp tục tuyên truyền đến thầy cô và học sinh, cha mẹ các em nắm được chủ trương mới. Ban Giám hiệu khuyến khích giáo viên sử dụng điện thoại có ứng dụng phần mềm tương tác với học sinh trong quá trình giảng dạy.
Từ kinh nghiệm của Trường THPT Ngô Sĩ Liên, tôi cho rằng để quản lý học sinh sử dụng điện thoại đúng mục đích, nhà trường cần xây dựng nội quy, nêu rõ những việc được làm và những điều nghiêm cấm.
Yêu cầu học sinh cam kết chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ mục đích học tập như: Tra cứu thông tin, sao chụp bài học... khi được sự đồng ý của giáo viên.
Học sinh Trường THPT Ngô Sĩ Liên làm bài kiểm tra tại phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động. Ảnh Mai Toan. |
Trên thực tế sẽ có nhiều ý kiến cho rằng giáo viên dạy trên lớp rất vất vả, khó quản lý nếu học sinh cố tình lén lút dùng điện thoại cho mục đích cá nhân mà không phục vụ việc học song tôi cho rằng khi đã xây dựng nội quy thì trường cần thực hiện nghiêm. Thêm nữa, hơn ai hết thầy cô và cha mẹ ở gia đình phải nêu gương bằng việc sử dụng điện thoại đúng mục đích.
Để khai thác tối đa tiện ích của mạng internet, tới đây Trường THPT Ngô Sĩ Liên sẽ xây dựng mô hình giáo dục mở. Trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại (điện thoại, tivi thông minh), thầy cô có thể tương tác kết nối toàn cầu khi tổ chức giảng dạy về một nội dung bài học như: Tìm hiểu về đặc điểm địa lý, kinh tế, xã hội, văn hoá của một quốc gia trên thế giới... Phương pháp giáo dục mới mẻ này khá sinh động, hình ảnh, thông tin đa dạng, hấp dẫn tin rằng sẽ giúp thầy cô và học sinh hào hứng.
Mai Toan (ghi)
Ý kiến bạn đọc (0)