Trang sử vàng của thanh niên xung phong
Bảo vệ an toàn tuyệt đối ATK
Ông Ngô Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh thông tin: Bắc Giang vinh dự là một trong những tỉnh đầu tiên có lực lượng TNXP tham gia kháng chiến chống Pháp. Rất tự hào cho quê hương ta, đồng chí Vương Bích Vượng (xã Bố Hạ, huyện Yên Thế), Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc tỉnh Bắc Giang vinh dự là người Đội trưởng Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên.
![]() |
Lực lượng dân công vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Lật giở lịch sử cách đây 70 năm, vào ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập Đội TNXP công tác Trung ương đầu tiên (tiền thân của Lực lượng TNXP sau này). Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc lúc đó được giao nhiệm vụ tổ chức Lễ ra mắt tại Núi Hồng (Thái Nguyên).
Ban đầu, Đội gồm 225 cán bộ, đội viên được huy động từ 4 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Phú Thọ do đồng chí Vương Bích Vượng làm Đội trưởng. Để dễ bề hoạt động và quản lý, Đội biên chế thành 8 liên phân đội lần lượt mang tên 8 nhân vật lịch sử là: Hoàng Hoa Thám, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Hà Huy Tập, Tô Hiệu, Trần Hưng Đạo. Tất cả các liên phân đội này đều có đội viên tỉnh Bắc Giang tham gia.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bắc Giang có 2.810 TNXP có mặt trên các tuyến đường chiến lược, phục vụ 7 chiến dịch lớn. Đặc biệt, TNXP Bắc Giang đã bám trụ mở đường, san lấp hố bom, chuyển tải vũ khí, lương thực chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ từ đường 13 đến Đèo Cà (Yên Thế) lên Việt Bắc, Tây Bắc. |
Vào mùa Thu năm 1953, thời điểm chuẩn bị mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Bắc Giang đã thành lập hai đại đội TNXP là những nam thanh niên ở các xã đang giảm tô đợt 1 thuộc huyện Tân Yên, Yên Thế, Lạng Giang và Hiệp Hòa, lấy phiên hiệu là C266 và C267 trực thuộc đội 36-XP. Đại đội trưởng là ông Lê Xuân Khoa (tức Giá) ở xã Lan Giới (Tân Yên); Đại đội phó là ông Nguyễn Phẩm, xã Tân Sỏi (Yên Thế).
Cả hai ông đều là Đảng ủy viên do Đảng bộ các xã cử đi. Hai đơn vị này được vào thẳng ATK cùng với các lực lượng khác làm nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ Thủ đô kháng chiến- nơi có các cơ quan đầu não của Trung ương và Bác Hồ làm việc. Là lực lượng trẻ, tuổi đời từ 18 đến 25, lần đầu tiên xa gia đình đi theo cách mạng ở nơi núi rừng xa xôi nhưng tất cả đội viên đều háo hức, hăng say lao động. Công việc hàng ngày là xẻ núi mở đường, làm cầu bắc qua sông suối, làm nhà ở cho cán bộ.
Trước yêu cầu của cách mạng là phải sớm thông đường, thông cầu để nối liền huyết mạch giao thông từ các ngả đến Trung ương, Chính phủ trong ATK và đường đi chiến dịch, các đơn vị phát động thi đua làm thêm cả ban đêm với tinh thần "Không có việc gì khó". Mọi thông tin đều được các đội viên TNXP giữ bí mật tuyệt đối, ATK được bảo vệ an toàn cho đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ.
Hàng ngàn chuyến xe thông suốt, an toàn
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của TNXP là tham gia xây dựng, bảo vệ các tuyến đường huyết mạch của chiến trường nhất là ở các tọa độ lửa. Tại Bắc Giang, địa danh Đèo Cà, thuộc xã Đồng Hưu (Yên Thế) được ví như “cửa tử”, địch liên tục dội bom xuống nơi này nhằm ngăn chặn đường chi viện của ta từ biên giới Lạng Sơn về Bắc Giang rồi lên chiến trường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
![]() |
Các cựu TNXP Bắc Giang chống Pháp thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Trước yêu cầu đó, để bảo đảm an toàn cho những chuyến xe đi qua, Liên khu ủy Việt Bắc đã thành lập Ban chỉ huy mặt trận Đèo Cà và 2 đơn vị TNXP C231, C232 thuộc Ty Giao thông công chính Bắc Giang với hơn 500 người. Nhiệm vụ là trực chiến, sửa chữa cầu đường, thuyền phà tại bến Sỏi, phà Bố Hạ, Đèo Cà, Bo Non bảo đảm giao thông thông suốt.
Chỉ trong thời gian 1 tháng, địch dùng hoả lực "chụp" xuống Đèo Cà hơn 100 tấn bom nhưng TNXP Bắc Giang và dân công hỏa tuyến đã kiên cường, dũng cảm, lao động ngày đêm để tháo bom nổ chậm, nhanh chóng sửa lại những quãng đường, cầu, phà bị hỏng, góp phần để hơn 2.500 lượt ô tô chở hàng lên tiền tuyến an toàn. Có được chiến công đó, không chỉ mồ hôi, công sức mà còn cả máu và nước mắt của hàng trăm TNXP Bắc Giang, trong đó 6 đội viên đã anh dũng hy sinh.
Hôm nay, 66 năm sau ngày giải phóng Điện Biên Phủ, lịch sử đã bước sang nhiều trang mới. 2.810 đội viên TNXP chống Pháp tỉnh Bắc Giang thời kỳ ấy giờ đây đều đã bước qua tuổi 80, 90. Theo quy luật của thời gian, tuổi tác, rất nhiều đội viên đã khuất núi, vắng bóng dần theo năm tháng. Dù còn hay mất thì họ luôn vinh dự, tự hào là thế hệ TNXP đầu tiên, đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)