Trọn đam mê với nghề
Tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Nga, Trường Đại học Hà Nội nên khi làm việc tại Đài PT&TH tỉnh, công việc hầu như không liên quan đến chuyên môn được học nên Thu Phượng gặp nhiều khó khăn. Xác định tâm thế bước vào nghề báo, chị nghiêm túc học hỏi từ đồng nghiệp đi trước, bổ sung thêm kỹ năng nghiệp vụ từ các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do cơ quan và Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức nên nhanh chóng bắt nhịp yêu cầu công việc.
![]() |
Nhà báo Thu Phượng cùng đồng nghiệp kiểm duyệt chương trình trước giờ phát sóng. |
“Khi lửa nghề đã cháy, tôi luôn ở tâm thế sẵn sàng cùng đồng nghiệp lên đường làm nhiệm vụ. 10 năm làm phóng viên thời sự và 7 năm là biên tập viên, tôi đến hầu hết các xã vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, không ngại trước những đề tài gai góc, những khó khăn mà người dân đang gặp phải” - chị Thu Phượng chia sẻ.
Những phóng sự có vấn đề về mặt trái xã hội khiến phóng viên gặp nhiều áp lực trước câu hỏi làm sao khai thác đủ thông tin, hình ảnh, bảo đảm tính thời sự, chính xác, định hướng dư luận. Nhà báo Thu Phượng nhớ mãi kỷ niệm đầu năm 2009 khi xuống xã Đồng Tân (Hiệp Hòa) phản ánh về tình trạng nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng, những hình ảnh mắt thấy, tai nghe được chị ghi chép, ghi âm, ghi hình cẩn trọng.
Chừng ấy thông tin vẫn chưa đủ, chị cẩn thận lấy thêm một chai nước mang về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) rồi bỏ tiền túi ra làm xét nghiệm. Tiền nhuận bút không đủ bù chi phí nhưng kết quả đánh giá chất lượng nước thấp đến mức báo động của cơ quan chức năng giúp chị làm sáng tỏ thêm vấn đề, thuyết phục được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục ô nhiễm nguồn nước, bảo đảm đời sống và sản xuất cho bà con.
Nhà báo Thu Phượng cùng đồng nghiệp đoạt giải C Giải báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014; 1 giải A, 2 giải B giải báo chí Thân Nhân Trung; Huy chương Bạc, Huy chương Đồng Liên hoan Phát thanh toàn quốc, đoạt giải C giải báo chí về Tài nguyên và Môi trường lần thứ VI. |
Có lần chị đến hiện trường làm chương trình về vụ bạo hành gia đình ở TP Bắc Giang. Sau khi phát sóng, người đàn ông từng ra tay đánh đập vợ mình nhiều lần tìm nữ nhà báo dùng những lời nói, hành động đe dọa, kiện cáo, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cả gia đình chị.
Năm 2016, nhà báo Thu Phượng đảm nhận công tác biên tập, khâu cuối cùng của quy trình sản xuất chương trình thời sự. Dù không trực tiếp đi cơ sở như phóng viên song biên tập viên lại có khó khăn đặc thù, thường kết thúc công việc muộn, không có khái niệm ngày nghỉ lễ, Tết và chịu sức ép rất lớn về chất lượng chương trình, khung giờ phát sóng.
Mỗi ngày, phòng biên tập tiếp nhận nhiều tác phẩm phóng viên gửi về. Qua bàn tay của biên tập viên tận tụy, trách nhiệm, các tác phẩm đều đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng. Nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh kết thúc muộn, tin tức chuyển về sát giờ phát sóng là biên tập viên tập trung cao độ, căng mắt "soi" từng chữ, từng khuôn hình để bảo đảm chất lượng và kịp giờ phát sóng.
Công việc làm báo vất vả, với nhà báo Thu Phượng lại vất vả hơn bởi chồng công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn. Để hoàn thành tốt công việc gia đình và nhiệm vụ ở Đài, chị được sự ủng hộ, giúp đỡ của cả hai gia đình nội, ngoại; đồng thời luôn sắp xếp thời gian, công việc hợp lý.
Nhìn lại gần 20 năm qua, nhà báo Thu Phượng luôn thấy mình hạnh phúc, may mắn khi công việc làm báo đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống. Ở đó, chị được vui trọn niềm vui với nghề, được cháy lên ngọn lửa đam mê, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp thêm.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)