Tự chủ trong dạy học: Phát huy tính sáng tạo của giáo viên
So với nhiều trường THPT trong huyện, chất lượng tuyển sinh đầu vào ở Trường THPT Việt Yên số 2 không nổi bật ở tốp đầu. Với quy mô gần 1,4 nghìn học sinh và 39 lớp, để xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hạnh phúc, học sinh được yêu thương, tôn trọng, có động lực thi đua học tập, rèn luyện, từ đầu năm học 2020-2021 đến nay, Ban Giám hiệu nhà trường đã thay đổi phương pháp quản lý, giáo dục.
![]() |
Cô Nguyễn Thị My, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào dạy học. |
Theo hướng dẫn chung của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về chuyên môn, Ban Giám hiệu trao quyền cho thầy cô bộ môn được chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục chi tiết đến từng bài học phù hợp với học sinh của từng lớp và điều kiện cơ sở vật chất hiện có.
Ngay trong học kỳ I, 100% giáo viên đăng ký tổ chức giảng dạy có sử dụng thiết bị công nghệ (tivi, loa, máy chiếu). Ngoài sách giáo khoa còn có nhiều kênh học tập khác như tổ chức sân chơi trí tuệ Đường lên đỉnh Olympia, ngày hội sáng tạo.
Giáo viên là lực lượng nòng cốt thực hiện và quyết định hiệu quả hoạt động giáo dục. Cùng với giải pháp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ thường xuyên cho thầy cô, từ năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT đã hướng dẫn các trường THCS, THPT đẩy mạnh tự chủ về chuyên môn cho giáo viên, tạo cơ hội cho thầy cô phát huy năng lực, sức sáng tạo. Thực tế tại nhiều nơi, giáo viên đã bắt nhịp với yêu cầu mới, làm chủ trang thiết bị công nghệ, phát huy hiệu quả giờ học. Việc làm này tiếp tục thực hiện trong những năm tới.
Thực tế cho thấy những khó khăn bước đầu khi thực hiện Chương trình GDPT mới vừa tạo áp lực, vừa tạo động lực cho thầy cô thay đổi về phương pháp giảng dạy. Tại Trường Tiểu học Xuân Lương (Yên Thế), năm học này, nhà trường chọn sử dụng bộ sách tiếng Việt lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” song theo thầy giáo Lăng Thế Dân, Hiệu trưởng cho biết, giáo viên không lệ thuộc hoàn toàn vào ngữ liệu trong sách mà được lựa chọn nhiều hình thức khác nhau để đạt mục tiêu giáo dục.
Điển hình như trong giờ học môn tiếng Việt tại lớp 1A do cô giáo Đỗ Thị Hằng tổ chức, thay vì dùng hình ảnh trong sách giáo khoa có từ địa phương là “quả muỗm” khá mới lạ với học sinh miền núi, cô đã thay bằng ngữ liệu khác là “cánh buồm” kết hợp với chiếu hình ảnh con thuyền buồm trên biển để học sinh dễ hình dung. Ngoài ra, giáo viên cũng khai thác hình ảnh gần gũi với học sinh như đồi chè ở bản Ven, suối nước ở Thác Ngà, các loại nông sản quê hương.
Tổng hợp của Sở GD&ĐT, từ ngân sách các cấp và huy động xã hội hóa, toàn tỉnh đã trang bị hơn 3,3 nghìn thiết bị hỗ trợ dạy học (tivi, loa, đài, máy vi tính…) tạo thuận lợi cho thầy cô thay đổi cách tiếp cận với môn học. Cùng với sách, tài liệu tham khảo, giáo viên khai thác thêm nhiều nguồn dữ liệu khác từ Internet, sử dụng thiết bị công nghệ được trang bị để trình chiếu với hình ảnh, âm thanh, biểu đồ, lược đồ minh họa giúp nâng cao hiệu quả giờ học.
Nhằm hỗ trợ giáo viên phát huy quyền tự chủ sáng tạo, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, TP thành lập tổ giáo viên cốt cán trực tiếp lắng nghe, tư vấn, hướng dẫn giáo viên tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học.
Ông Hà Huy Giáp, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Sau một học kỳ dạy học theo Chương trình mới, tại mỗi nhà trường, giáo viên đã làm quen với việc tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục, tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nhằm tổ chức tiết dạy hiệu quả, tăng cường sự tương tác, thể hiện được năng lực, phẩm chất của từng cá nhân học sinh.
Nhằm hỗ trợ giáo viên phát huy quyền chủ động sáng tạo trong giảng dạy, hiện nay, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các huyện, TP thành lập tổ giáo viên cốt cán trực tiếp lắng nghe, tư vấn, hướng dẫn giáo viên tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học. |
Thay đổi là yêu cầu tất yếu để đáp ứng với phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thì khó khăn lớn nhất là năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, nhất là ở khu vực miền núi, nơi điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn.
Trong thời gian tới, ngành tiếp tục rà soát, tham mưu với cấp ủy, chính quyền bổ sung, hoàn thiện các hạng mục thiết bị, cơ sở vật chất còn thiếu. Giáo viên phát huy vai trò chủ động học tập, bồi dưỡng thường xuyên, tham gia các buổi sinh hoạt chuyên môn, kịp thời cập nhật kiến thức, phương pháp giáo dục mới. Nhà trường quan tâm xây dựng môi trường giáo dục “mở” không chỉ là nơi trang bị kiến thức cho học sinh mà còn tạo cơ hội cho các em vận dụng hiểu biết vào các hoạt động cụ thể, thiết thực.
Hải Vân
Ý kiến bạn đọc (0)