Bắc Giang: Cải thiện bữa ăn bán trú học đường
Phụ huynh yên tâm
Năm nay, con trai anh Nguyễn Văn Phú ở thị trấn Vôi (Lạng Giang) bước vào lớp 1. Anh làm nghề lái xe taxi thường xuyên xa nhà, vợ làm nhân viên văn phòng ở TP Bắc Giang nên không thể đưa đón con liên tục trong ngày. Bởi vậy anh chị cho con ăn bán trú tại trường.
![]() |
Học sinh Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) trong ngày hội trải nghiệm bữa ăn bán trú giàu dinh dưỡng. |
Anh Phú cho hay, trước đó ở bậc mầm non cháu cũng ăn tại trường nhưng có sự giúp đỡ của cô giáo. Nay sang bậc tiểu học, đòi hỏi trẻ phải tự lập nên những ngày đầu hai vợ chồng khá lo lắng. Tuy nhiên khi thấy con kể ăn hết suất, các món ngon, ngoài bữa chính buổi trưa còn có bữa phụ; hằng ngày cô giáo đăng hình ảnh thực đơn và bữa ăn ở trường vào nhóm zalo của phụ huynh nên gia đình rất yên tâm.
Tại Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) có bếp ăn một chiều, áp dụng quy trình tiếp nhận, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn theo quy định. Niêm yết thực đơn hằng ngày, hằng tuần trên trang thông tin điện tử, facebook của trường để phụ huynh theo dõi.
Dù không hẹn trước song mới đây chúng tôi cùng phụ huynh có mặt tại bếp ăn của trường. Tại đây, nhân viên nhà bếp trong bộ quần áo bảo hộ đang nhanh tay sắp xếp dụng cụ, chia thức ăn vào khay chuẩn bị cho bữa trưa. Các món ăn trên bàn gồm: Cơm tẻ, thịt xay kho tàu, trứng chim cút chiên rim, canh bí xanh nấu với thịt nạc; tráng miệng bánh gạo; trùng khớp với bảng thực đơn.
Trao đổi với cô giáo Hoàng Thị Ngân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Nguyên Hãn được biết, thực phẩm đầu vào bếp ăn được các hợp tác xã trên địa bàn thành phố cung cấp nên có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn. Với mỗi trẻ, phụ huynh phải đóng góp 19 nghìn đồng/ngày gồm bữa trưa, chiều và bữa phụ.
Mặc dù chi phí mua thực phẩm theo hợp đồng với các hợp tác xã sẽ đội lên vài giá so với ngoài chợ song bù lại nhà trường thường xuyên kiểm soát được đầu vào, quy trình chế biến bảo đảm. Ngoài ra, trường còn khảo sát các món ăn mới, hợp khẩu vị của trẻ để đưa vào thực đơn .
Tăng cường kiểm soát
Hằng ngày, phần lớn thời gian trẻ ở trường nên bữa ăn bán trú có vai trò quan trọng. Bữa ăn phải bảo đảm an toàn, cung cấp đầy đủ năng lượng cho hoạt động học tập, vui chơi cũng như đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất của trẻ. Tổng hợp từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), toàn tỉnh có 44/220 trường tiểu học, 250 trường mầm non và 590/653 điểm trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.
Với mong muốn con em mình có bữa ăn an toàn, đủ chất, được biết, phụ huynh các địa phương đã thỏa thuận, thống nhất đóng góp với nhà trường từ 17 - 23 nghìn đồng. Sở GD&ĐT phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam triển khai Dự án Bữa ăn học đường đến các trường tiểu học có bếp ăn bán trú.
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 44 trường tiểu học, 250 trường mầm non và 590/653 điểm trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh. Nhờ tăng cường quản lý của ngành giáo dục và chính quyền các địa phương, 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tại trường học. |
Khắc phục tình trạng suất ăn đơn điệu, ít món, dự án đã cung cấp phần mềm với 120 thực đơn được cân bằng dinh dưỡng theo nhu cầu lứa tuổi để các trường thay đổi. Qua kiểm tra của Sở GD&ĐT vào đầu năm nay, hầu hết các trường bảo đảm suất ăn từ 5-7 món, cung cấp tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và các khoáng chất.
Bên cạnh hình thức tự tổ chức bếp ăn bán trú, năm nay, một số trường như: Tiểu học Ngô Sĩ Liên, Đông Thành, THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang); Tiểu học Yên Mỹ, Quang Thịnh (Lạng Giang), Tiểu học thị trấn Đồi Ngô số 1 (Lục Nam) thực hiện hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh.
Theo thầy giáo Trần Giang Ninh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đồi Ngô số 1, nhà trường có bếp ăn khang trang, quy mô hơn 300 chỗ ngồi vừa xây xong nhưng còn thiếu trang thiết bị, đồ dùng nên đơn vị ký hợp đồng với một cơ sở cung cấp suất ăn. Cơ sở có trách nhiệm thông tin về nguồn thực phẩm, thực đơn hằng ngày và thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm.
Trường cử cán bộ phụ trách kiểm tra chất lượng suất ăn của đơn vị cung cấp dịch vụ, nếu không đáp ứng yêu cầu sẽ thay thế. Nhà trường đã họp với phụ huynh và thống nhất phương án tổ chức trên, bước đầu có gần 300 em đăng ký ăn bán trú trong tổng số hơn 1,5 nghìn học sinh toàn trường.
Nhờ các biện pháp chỉ đạo, tăng cường quản lý của ngành giáo dục và chính quyền các địa phương, 5 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào trong các bếp ăn tại trường học.
Mặc dù vậy, nguy cơ luôn tiềm ẩn đặt ra yêu cầu đối với các trường phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ phòng ngừa sự cố an toàn thực phẩm. Các phòng GD&ĐT thường xuyên kiểm tra theo hình thức chuyên đề hoặc đột xuất bữa ăn ca của trẻ.
Theo ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng GD&ĐT TP Bắc Giang, từ năm học này, đơn vị yêu cầu hiệu trưởng các trường báo cáo thực đơn bữa ăn của học sinh hằng ngày vào nhóm zalo lãnh đạo, đồng thời kết hợp với kiểm tra đột xuất, lấy ý kiến từ cha mẹ học sinh, học sinh để đánh giá chất lượng. Đây cũng là một trong những biện pháp bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh và là tiêu chí xếp loại thi đua đối với các cơ sở giáo dục trong năm học.
Mai Toan
Ý kiến bạn đọc (0)