Bắc Giang: Hiểm họa khôn lường từ nghiện ma túy đá
Ngáo ngơ vì "chơi" đá
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) đang hỗ trợ điều trị cho 150 người. Đáng chú ý trong số đó có đến gần 30% đối tượng từng sử dụng ma túy đá (ma túy tổng hợp). Ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc cơ sở cho hay: “Để nhận biết đối tượng đã sử dụng ma túy đá không khó bởi những biểu hiện đặc trưng là khuôn mặt ngáo ngơ, đờ đẫn, định hướng kém, thiếu tập trung; không tuân thủ quy định, cán bộ hướng dẫn một đằng nhưng lại làm một nẻo. Đặc biệt là luôn nói dối, hầu hết học viên đều không thừa nhận việc mình đã từng dùng ma túy đá. Chỉ đến khi bác sĩ đưa kết quả xét nghiệm mới nói thật”.
![]() |
Học viên cai nghiện học nghề điện tử tại cơ sở Song Mai (TP Bắc Giang). |
Lật giở hồ sơ của Nguyễn Văn H (SN 1989) ở xã Việt Tiến (Việt Yên) cho thấy, lần đầu tiên vào nơi này (năm 2014), H điều trị cai nghiện hêroin. Sau 24 tháng, H được trở về nhà, mới đầu còn tu chí làm ăn, vợ con và cả gia đình đều mừng vì H đã cai được ma túy. Bẵng đi gần 3 năm, vừa rồi H lại vào cai nghiện trong trạng thái ảo giác vì ngáo đá. Tương tự, mặc dù đã hơn 60 tuổi nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Th (SN 1960) ở xã Hoàng An (Hiệp Hòa) vẫn quyết tâm đưa ông đi cai do quá phụ thuộc vào ma túy đá. Ông Th cho biết, bản thân đã sử dụng ma túy ở các cấp độ. Ban đầu là thuốc phiện, dần dần chuyển sang heroin và thời gian gần đây là sử dụng ma túy đá.
Nghiện ma túy đá đã biến họ trở thành một người hoàn toàn khác, không kiểm soát được hành vi, còn gọi là "ngáo đá". Qua thăm khám cũng như tâm sự của người nhà cho thấy, nhẹ thì họ nói lảm nhảm, chửi bới, giận dữ vô cớ, giương oai quát tháo bất kỳ ai. Nặng là bị ảo giác cho rằng có ai đó đang tấn công mình, vì vậy họ có thể bỏ chạy thục mạng đi ẩn náu, đi trốn, thậm chí trèo cả lên mái nhà, ngọn cây, cột điện, chui vào cống rãnh...ẩn nấp. Trên đường đi, nếu vớ được bất kỳ hung khí nào họ đều sử dụng để "phòng vệ", đánh trả bất kỳ ai nhằm tìm cách thoát thân. Có những trường hợp tự hủy hoại bản thân như lấy dao rạch vào cơ thể, búa đập đầu, cắn đứt ngón tay, thậm chí tự vẫn.
Khó khăn trong điều trị
Chia sẻ về việc chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân rối loạn tâm thần bởi sử dụng ma túy đá, bác sĩ Bùi Anh Tuấn, Phó trưởng phòng phụ trách phòng y tế -phục hồi sức khỏe (Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Giang) thông tin: “Do học viên khi vào đây đã có những biểu hiện bất thường về thần kinh, nói cách khác là ở trạng thái nặng rồi mới vào nên việc điều trị gặp khó khăn, mất nhiều thời gian. Nếu so sánh việc điều trị giữa heroin và ma túy đá cho thấy, sử dụng heroin sẽ gây nghiện rất nhanh, khó từ bỏ nhất trong tất cả các chất gây nghiện. Người nghiện heroin hàng ngày không có thuốc thì sẽ vật vã, đau đớn. Tuy nhiên nghiện heroin có thể điều trị bằng thuốc Methadone, cắt cơn. Còn ma túy đá tuy chậm nghiện hơn, dễ từ bỏ hơn nhưng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Nguy hiểm nhất là sử dụng ma túy đá không gây đau đớn vật vã, không đưa đến cái chết tức thì nhưng sẽ dẫn đến các bệnh lý tâm thần, làm kích thích thần kinh và tế bào thần kinh dẫn đến rối loạn truyền dẫn, rối loạn hành vi nhận thức như trầm cảm, cáu gắt, trí nhớ kém, mê sảng, lời nói khó hiểu, tự hủy hoại thân thể".
Tìm hiểu cho thấy, nhiều học viên có hành vi hung hăng, to tiếng trong khi giao tiếp, điều trị, gây sự đánh nhau với các học viên khác bất kể lúc nào. Thống kê cho thấy các vụ việc học viên gây rối, đánh nhau đều liên quan đến việc có tiền sử sử dụng ma túy đá.
Một khó khăn nữa trong việc điều trị người loạn thần do ma túy đá hiện nay là chưa có quy trình quản lý, giáo dục rèn luyện, tư vấn bệnh lý tâm thần chuyên biệt. Chưa có khu vực dành riêng cho người bị loạn thần. Phác đồ điều trị về cơ bản vẫn chung với người nghiện hêroin. Đây là một bất cập lớn bởi học viên bị loạn thần khó tham gia các hoạt động liên quan đến đòi hỏi sự tập trung, suy nghĩ, nhận thức.
Bên cạnh đó, thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ cho công tác điều trị ở Cơ sở cai nghiện tỉnh Bắc Giang còn thiếu so với nhu cầu và yêu cầu hiện nay. Đáng chú ý là chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cai ma túy đá thực chất là chữa trị và chống rối loạn tâm thần thông qua tác động vào tinh thần, can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để người nghiện ma túy tổng hợp cai nghiện. Sau thời gian cai nghiện tập trung, học viên trở về nhà nếu không có quyết tâm cao, thậm chí chỉ uống chút rượu hay to tiếng là tinh thần bị kích động, làm tăng xung đột thần kinh, kích thích tâm lý là dễ tái nghiện. Minh chứng là tỷ lệ tái nghiện đối với những học viên cai ma túy đá gần như tuyệt đối, nhiều lần vào Cơ sở để tiếp tục điều trị.
Trên thị trường có rất nhiều loại ma túy tổng hợp như: Ketamine, cỏ Mỹ, lá khát, thuốc ngựa, Ketamit… mỗi loại có thành phần hóa học khác nhau nhưng đều mang độc tố và gây nguy hiểm. Trước sự tàn phá ghê gớm của ma túy đá đối với sức khỏe con người cũng như sự nguy hại do đối tượng ngáo đá gây ra cho xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các cơ quan chức năng mà còn của từng gia đình, cá nhân và toàn xã hội. Cùng với việc nâng cao chất lượng quản lý và chăm sóc học viên cai nghiện, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ những tác hại và hệ lụy của việc sử dụng các loại ma túy tổng hợp. Chỉ rõ hiểm họa tiềm ẩn, cách nhận biết người bị “ngáo đá” để có giải pháp phòng tránh cũng như nhanh chóng trình báo cơ quan công an. Tích cực vận động, thuyết phục người sử dụng ma túy đá tự nguyện đi cai nghiện tập trung, thậm chí đưa vào cơ sở chữa bệnh tâm thần.
Tuấn Minh
Ý kiến bạn đọc (0)