Bắt nhịp nhanh với chương trình giáo dục phổ thông mới
Học kỳ nhiều biến động
Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, các nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các thầy cô đều nỗ lực học hỏi, nghiên cứu tài liệu, chương trình sách giáo khoa (SGK), tham khảo các tiết dạy minh họa để nắm chắc yêu cầu của bài giảng.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Kết thúc học kỳ I, Sở đánh giá chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 bảo đảm chất lượng, tiến độ. Học sinh tiếp thu đầy đủ kiến thức trong cả thời điểm chuyển đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến do dịch Covid-19.
![]() |
Do có sự chủ động trong chuẩn bị nên các nhà trường bắt nhịp nhanh với chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6. |
Các môn học mới tích hợp nhiều phân môn đã góp phần giảm tải kiến thức bị trùng lặp ở một số môn đơn lẻ. Ưu điểm là học sinh mạnh dạn hơn trong thảo luận theo từng nhóm chủ đề. Kiến thức trong chương trình mới được tinh giản, nội dung thiết kế bài giảng hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nên dù học trực tiếp hay trực tuyến song các em vẫn hào hứng tiếp nhận.
Tháng 10/2021, dịch Covid-19 bùng phát tại xã Thượng Lan (Việt Yên), nhiều trường học chuyển làm khu cách ly. Trường THCS Thượng Lan có 8 em dương tính, hoạt động dạy và học từ trực tiếp phải chuyển sang trực tuyến.
Dù gặp khó khăn nhưng theo đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện, chất lượng dạy và học vẫn bảo đảm, nhất là với 186 học sinh khối 6 đang học theo chương trình GDPT mới. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đi học trở lại, nhà trường chỉ đạo giáo viên bộ môn tổ chức phụ đạo, củng cố kiến thức cho những học sinh tiếp thu chậm hơn.
Những ngày đầu triển khai, môn Khoa học tự nhiên (gồm 3 phân môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học) do một giáo viên đảm nhiệm giảng dạy. Sau một tháng thực hiện, trường tăng cường 3 giáo viên phụ trách từng phân môn cho phù hợp với thực tế, học sinh tiếp thu bài hiệu quả hơn. Ban Giám hiệu nhà trường lập nhóm Zalo với hội phụ huynh học sinh lớp 6 để tiếp nhận thông tin, từ đó điều chỉnh quá trình dạy học cho phù hợp và hiệu quả.
Cô giáo Nguyễn Thị Bắc, giáo viên dạy môn Sinh học cho biết: “Chúng tôi cố gắng soạn giáo án với phần kiến thức trọng tâm nhất, gửi các Video hướng dẫn học sinh thực hành, làm sản phẩm tại nhà. Cách thức này giúp học trò hiểu sâu về bài giảng và biết ứng dụng vào thực tế đời sống”.
Cùng với lớp 6, năm học này, hơn 30,3 nghìn học sinh lớp 2 trên địa bàn tỉnh học SGK mới. Cô giáo Lê Thị Sáng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Mỹ (TP Bắc Giang) cho biết: Nhà trường có 9 lớp 2 với 350 học sinh. Kết thúc học kỳ I, các em đọc, viết tốt, làm toán nhanh.
Qua khảo sát, đánh giá, toàn trường chỉ có một học sinh lớp 2 không hoàn thành chương trình kỳ học. Từ đầu năm học đến nay, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tập trung cao cho việc soạn giáo án dạy trực tiếp và có bài giảng riêng khi dạy trực tuyến. Giáo viên luôn chú trọng trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và thường xuyên có bài kiểm tra nhanh để lôi cuốn học trò tập trung vào bài học.
Bám sát mục tiêu
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, trong những thời điểm chuyển đổi sang dạy và học trực tuyến, chất lượng, hiệu quả ở một số môn học yêu cầu thực hành trải nghiệm thực tế, vận động ngoài trời bị hạn chế, chủ yếu học lý thuyết cho phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Tuy vậy đây là giải pháp cần thiết để việc học tập không bị ngắt quãng nên Sở khuyến khích các trường phát huy tính chủ động, linh hoạt chuyển đổi hình thức giáo dục, thích ứng với tình hình.
![]() |
Học sinh lớp 6A, Trường THCS Thượng Lan (Việt Yên) trong giờ học môn Khoa học tự nhiên. |
Bên cạnh kết quả đạt được, phần lớn các trường sử dụng trang thiết bị của những năm trước phục vụ các môn học lớp 2 và 6 trong chương trình mới nên nhiều thiết bị không còn phù hợp.
Riêng lớp 6, chương trình học có một số môn tích hợp như: Khoa học tự nhiên, nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc), trong khi phần lớn giáo viên hiện được đào tạo đơn môn, chưa thể đảm nhiệm giảng dạy toàn diện môn học. Một số trường ở TP Bắc Giang có học sinh nghỉ học do dịch bệnh nên việc tổ chức kiểm tra học kỳ I chậm hơn so với kế hoạch.
Từ những tồn tại cần khắc phục và rút kinh nghiệm để triển khai hiệu quả trong học kỳ II và những năm học tiếp theo, Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, TP chỉ đạo các nhà trường tiếp tục quán triệt mục tiêu, nhiệm vụ đổi mới, đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình GDPT mới.
Các nhà trường chủ động xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, cân đối giữa các phân môn, bảo đảm giáo viên được đào tạo bộ môn nào vẫn giảng dạy môn học đó, không dạy chéo môn. Với bài giảng tích hợp kiến thức, giáo viên cùng thảo luận, thiết kế giáo án đáp ứng tốt yêu cầu môn học. Các nhà trường luân phiên cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng để sớm có thể dạy được môn tích hợp.
Năm học này, toàn tỉnh có hơn 37,9 nghìn học sinh lớp 2 và hơn 30,3 nghìn học sinh lớp 6. |
Với một số môn học mới như: Giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo viên chú trọng tìm tòi, nghiên cứu mở rộng kiến thức bổ trợ phù hợp với tình hình phát triển KT-XH của đất nước và thực tiễn địa phương để các em nắm bắt được những thông tin, kiến thức mới.
Xác định đội ngũ cán bộ, giáo viên là cốt lõi, tác động trực tiếp đến chất lượng dạy học, trước mắt Phòng GD&ĐT các huyện, TP tiếp tục bồi dưỡng chuyên sâu chương trình giảng dạy SGK mới theo hướng mỗi giáo viên dạy được tất cả các phân môn trong các môn học tích hợp.
Để thuận lợi cho các trường sắp xếp bố trí đội ngũ, ngành GD&ĐT tỉnh yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên tiểu học và THCS tham gia tập huấn chương trình SGK mới hằng năm và tự đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Các trường học trong cụm thi đua ở các huyện, TP tổ chức sinh hoạt chuyên môn liên trường để cùng tháo gỡ vướng mắc, nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình mới trong những năm tiếp theo.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)