Chăm sóc đã tốt, bảo vệ cần tốt hơn
Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, trẻ em là những mầm non, những người chủ tương lai của đất nước, “con trẻ có được nuôi dưỡng giáo dục hẳn hoi thì dân tộc mới tự cường tự lập”, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, có chính sách ưu tiên để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
Trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể đã đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức các hoạt động thường niên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và mỗi gia đình về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển của quê hương, đất nước.
Điển hình như Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh và Báo Bắc Giang hằng năm tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ” vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Nhìn vào bức tranh chung có thể thấy trẻ em ngày càng có cuộc sống tốt hơn, được chăm lo về dinh dưỡng, được đến trường, nơi luyện tập thân thể, vui chơi giải trí từng bước được đáp ứng đa dạng, phong phú, hấp dẫn hơn. Kể cả những nơi khó khăn nhất cũng không để trẻ em bị đói, bị khát, thất học.
Trên các diễn đàn, những vấn đề liên quan đến trẻ em đều thu hút sự quan tâm của dư luận, có chung tiếng nói phê phán, đấu tranh quyết liệt với những hành vi ngược đãi, xâm hại trẻ em, nhiều đối tượng vi phạm pháp luật liên quan trẻ em bị nghiêm trị.
Tuy nhiên, trên thực tế thấy rằng, công tác chăm sóc trẻ em từ nhận thức đến hành động đã có nhiều tiến bộ nhưng việc bảo vệ trẻ em thì còn nhiều hạn chế. Số vụ trẻ em bị tai nạn thương tích, bị đuối nước thương tâm, bị ngược đãi, bạo lực vẫn gia tăng. Áp lực trong cuộc sống, áp lực học tập gây tâm lý bất an cho trẻ, khiến nhiều trẻ mắc bệnh trầm cảm, khó hòa nhập cộng đồng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do còn những bất cập trong công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đó là sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường; người lớn còn thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Nhiều nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực ... chưa được cảnh báo và khắc phục kịp thời.
Có hiểu mới có thương, không hiểu biết không thể yêu thương ấy là lời nhà Phật dạy. Trách nhiệm giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vì tương lai phồn vinh của đất nước không của riêng ai, mà của toàn xã hội nhưng trước hết từ mỗi gia đình. Vậy nên, ông bà, cha mẹ, người thân cần trang bị kiến thức, kỹ năng, sự hiểu biết để chăm sóc, bảo vệ trẻ em mới có thể yêu thương trọn vẹn, để con em mình khôn lớn, trưởng thành, trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Trần Anh
Ý kiến bạn đọc (0)