Chuyện chưa kể về ba “chàng trai vàng” Olympic quốc tế
BẮC GIANG - Những ngày cuối năm 2024, ba “chàng trai vàng” Olympic quốc tế, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang là Giáp Vũ Sơn Hà, Thân Thế Công và Trương Phi Hùng có một niềm vui đặc biệt, đó là cả ba em vinh dự được yết kiến Chủ tịch nước và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Phóng viên Báo Bắc Giang đã có buổi trò chuyện cùng ba em ngay sau đó và khám phá những câu chuyện thú vị về ba “chàng trai vàng” này.
Lí- Hóa là những môn học đầy màu sắc
Xin chúc mừng ba em vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì! Cảm xúc của các bạn lúc này như nào?
![]() |
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng nhì cho các em học sinh có thành tích xuất sắc, trong đó tỉnh Bắc Giang có các em: Giáp Vũ Sơn Hà, Thân Thế Công và Trương Phi Hùng. |
Sơn Hà: Lần đầu tiên em được tới Văn phòng Chủ tịch nước. Em cảm thấy vinh dự, tự hào vô cùng.
Thế Công: Em hồi hộp hơn cả thi Olympic. Các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất thân thiện.
Phi Hùng: Em thấp thỏm từ hôm qua. Sáng nay lúc mặc áo vest, đeo cà- vạt, em khá run nhưng hơn hết là vui, tự hào ạ!
Con đường đến với môn Vật lí, Hóa học của các bạn như thế nào?
Sơn Hà: Năm học lớp 8, em vẫn theo đội tuyển Toán. Khi có cơ hội tiếp xúc, làm quen với những môn khoa học thực nghiệm (Vật lí, Hóa học, Sinh học), em nhận ra những vấn đề thực tiễn phù hợp với bản thân hơn là những lý thuyết cổ điển. Thế là em chuyển hẳn sang Hóa. Em mong muốn nghiên cứu sâu hơn về những điều đời sống đang cần, những điều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống.
Thế Công: Em may mắn có được sự ủng hộ, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè và gặp những người thầy tâm huyết. Cụ thể, năm lớp 8, em gặp thầy Trần Bá Minh, giáo viên Vật lí, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang). Thầy là người dạy em những điều cơ bản trong Vật lí, giúp em yêu thích môn học. Đến cấp 3 thì em gặp thầy Nguyễn Văn Đóa và anh Trịnh Duy Hiếu đều là những người rất tâm huyết trong việc truyền dạy kiến thức cho em và các bạn, giúp em tiến đến những kỳ thi đỉnh cao và có được kết quả như hôm nay.
Phi Hùng: Em học đội tuyển Toán tới tận kỳ 1 năm lớp 9. Gần tới lúc thi, em thấy Toán quá khó và khả năng trượt đội tuyển cao nên em đã “trốn” sang Lí và may mắn là Vật lí rất phù hợp với em.
Điều gì ở môn học khiến các bạn say mê, thích thú?
Sơn Hà: Hóa học có sức hấp dẫn đặc biệt đối với em. Ở Hóa, em tìm thấy sự thích thú khi chiêm ngưỡng những phản ứng đầy màu sắc và vô cùng bí ẩn, từ đó em quyết tâm giải mã và khám phá thêm nhiều điều như vậy. Đồng thời, qua các bài giảng của thầy cô, em cảm thấy yêu thích những lý thuyết mới lạ về Hóa học. Những vấn đề logic đó đòi hỏi em phải tư duy, sâu chuỗi tương tự như đang lắp ráp mô hình- một sở trường của em. Qua tất cả, em quyết định chọn Hóa học là thử thách tiếp theo để chinh phục, cũng như là đam mê để theo đuổi.
Thế Công: Đó là việc Vật lí có thể áp dụng trong mọi lĩnh vực thường ngày của chúng ta, từ việc đun sôi nồi nước cho đến mô hình của một chiếc máy bay.
Phi Hùng: Với Vật Lý, em không chỉ thấy những con số, những phép toán khô khan mà đó là những giọt nước tạo thành cầu vồng trên bầu trời, những chuyển động của đồ vật có thật tạo nên những quỹ đạo đẹp mắt, khơi dậy niềm đam mê khám phá, tìm tòi trong em.
Bí quyết làm chủ môn học của các bạn là gì? Hóa, Lí có khô và khó?
Sơn Hà: Em cũng không có bí quyết gì quá đặc biệt. Trên lớp, em nghe giảng bài của thầy cô như bao bạn khác, đồng thời đánh dấu cẩn thận những chi tiết được thầy cô nhấn mạnh, những vấn đề khó hiểu, trọng tâm. Em dành phần lớn thời gian tự học tại nhà, tự xem lại bài trên lớp, tìm hiểu sâu hơn về những vấn đề khó hiểu. Đặc biệt, em thường xuyên xem các tin tức, tích lũy thêm kiến thức qua các trang, bài báo trong nước và quốc tế để theo sát thông tin - vì Hóa học là một ngành khoa học đặc thù được cập nhật liên tục theo ngày.
Thế Công: Với em thì sẽ là luyện nhiều đề khác nhau và nhớ các công thức.
Phi Hùng: Em dành rất nhiều thời gian để học lý thuyết và làm bài tập, gặp bài khó thì em sẽ tìm tòi mọi nơi, vắt óc suy nghĩ tới khi không thể viết nổi gì nữa thì mới hỏi thầy. Vật lí với em không hề khô khan, mỗi lần làm được một bài mới như là chơi xong 1 ván game vậy, rất vui vẻ và thoải mái. Nhưng không làm được thì cũng khá khó chịu, y như thua game vậy (cười).
Thi Olympic là những trải nghiệm thú vị
Các bạn từng tham gia nhiều kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. Kỷ niệm nào các bạn ấn tượng nhất?
Giáp Vũ Sơn Hà, Thân Thế Công và Trương Phi Hùng là những học sinh đặc biệt xuất sắc của Bắc Giang. Trong hai năm (2023- 2024), các em đã mang về cho đất nước 8 tấm huy chương Olympic khu vực và quốc tế (4 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ), lập nên một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử giáo dục mũi nhọn cả nước và giáo dục Bắc Giang. Em Giáp Vũ Sơn Hà giành 2 Huy chương (1 HCV, 1 HCB Olympic Hóa học quốc tế). Em Thân Thế Công giành 3 Huy chương (1 HCV Olympic Vật lí quốc tế, 1 HCV và 1 HCĐ Vật lí châu Á). Em Trương Phi Hùng giành 3 Huy chương (1 HCV Olympic Vật lí quốc tế, 1 HCB Vật lí châu Âu và 1 HCĐ Vật lí châu Á). Cả ba em đều là học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang (niên khóa 2021-2024), được vinh danh Công dân Bắc Giang ưu tú và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. |
Sơn Hà: Ở trong nước thì em nhớ nhất khoảng thời gian đội tuyển quốc gia Trường Chuyên Bắc Giang ra Hà Nội ôn tập. Mặc dù nói là đi học các giáo sư ở Hà Nội - khó khăn và căng thẳng hơn ở trường rất nhiều nhưng thực sự đó lại là lúc chúng em cảm thấy vui và thoải mái nhất vì là khoảng thời gian ít ỏi cả đội tuyển được gần nhau. Chúng em được ở cùng phòng, buổi tối được học tập, chơi đùa với nhau - thứ mà khiến em cảm thấy hạnh phúc khó tả.
Còn thi quốc tế, năm nay thi ở Vương quốc Ả rập Xê-út, một đất nước có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Nắng nóng thì kinh khủng, em chưa từng trải qua. Còn về đồ ăn của nước bạn rất không hợp với em, khó ăn vô cùng. May mà họ làm thêm đồ ăn Tây cũng dễ ăn hơn. Chưa kể các thầy còn mang theo cả mỳ tôm cho bọn em chống đói nữa (cười).
Thế Công: Đó là kỳ thi Olympic Vật lí quốc tế (IPhO). Giữa một biển người, các màu da khác nhau, em và Phi Hùng bé tí teo cầm lá cờ Tổ quốc tiến lên bục danh dự, hai tiếng Việt Nam vang lên, em cảm thấy rất vinh dự và tự hào.
Phi Hùng: Em nhớ nhất hồi hè năm 2023 đi thi Olympic Vật lí châu Âu ở Đức. Giữa muôn vàn món ăn mới lạ thì em và đoàn quyết định ăn thử món phở ở Đức. Mặc dù ở tận châu Âu xa xôi nhưng hương vị của phở vẫn rất đặc trưng, như ở Việt Nam và cả đoàn đã có một bức hình chụp chung với chủ quán là người Việt rất thân thiện. Giờ đó vẫn là bát phở ngon nhất với em (cười).
Được biết, mỗi bài thi học sinh giỏi quốc tế thường kéo dài liên tục 5 giờ, gồm cả bài thi lý thuyết và thực hành. Nhiều người tò mò không biết 5 tiếng đó các bạn phân bổ thời gian như thế nào và đặc biệt, có giải lao, ăn nhẹ giữa giờ không…
Sơn Hà: Kỳ thi năm nay cũng như các năm trước đó, bài thi gồm 2 phần thi Lý thuyết và Thực hành- mỗi bài 5 tiếng, được chia ra hai ngày. Bài thi Thực hành được thi trước và có một khoảng nghỉ giữa giờ. Đối với em, phần thi này năm nay là một phần mới lạ và vô cùng hóc búa- hơn hẳn các năm trước. Vì vậy, nó đòi hỏi em phải có chiến thuật ứng biến phù hợp. Đã được chuẩn bị từ trước, em tập trung làm chắc chắn những phần dễ ăn điểm và dành phần thời gian còn lại giả quyết những phần khó khác.
Bài thi Lý thuyết được thi vào ngày hôm sau và không có khoảng nghỉ giữa giờ. 5 giờ là một thời gian khá dài và vì đây là sở trường nên em nhanh chóng làm qua đề một lượt trong 2/3 thời gian. Sau đó, kiểm tra lại nhiều lần trước khi hết giờ.
Thế Công: Thường khi thi thì thời gian trôi qua rất nhanh nên em sẽ tập trung vào việc làm bài. Trong 5 tiếng đó bọn em sẽ được cung cấp đồ ăn vặt và nước uống nhưng hầu như em không sử dụng tới.
Phi Hùng: Với em thì thời gian 5 tiếng vẫn là chưa đủ để làm hết đề thi nên cả 5 tiếng em đều dồn hết sức vào để làm bài mà không nghỉ. Em tự giới hạn mỗi bài chỉ được làm bao nhiêu phút, hết thời gian giới hạn thì phải chuyển bài nếu không sẽ dễ bị sa đà mà không kịp làm những bài khác.
Thi quốc tế, hẳn đề thi sẽ sử dụng ngôn ngữ quốc tế- tiếng Anh. Các bạn đã vượt qua như thế nào?
Sơn Hà: Vâng, đề thi là tiếng Anh và được các thầy dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên để tránh sai sót, hiểu lầm về ý nghĩa từ ngữ, em luôn dùng song song bản Việt và Anh- Ban tổ chức cung cấp nếu thí sinh yêu cầu. Hóa học chủ yếu là ký hiệu. Đề bài thì hỏi bằng chữ nhưng trả lời chủ yếu bằng ký hiệu nên cả bài hầu như em không viết chữ nào.
Thế Công: Phần ngoại ngữ đã được các thầy dịch ra tiếng Việt vì vậy đó không phải là vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, các bạn đội tuyển Olympic của Bắc Giang bạn nào trình độ tiếng Anh cũng kha khá ạ (cười).
Phi Hùng: Rất may mắn là đề thi đã được các thầy phụ trách dẫn đoàn dịch sang tiếng Việt nên em không gặp nhiều vấn đề về ngoại ngữ. Các thầy dịch rất tốt và sát đề khiến em cũng như các bạn của Việt Nam không bị thiệt thòi so với những nước khác.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao thưởng cho 3 học sinh đoạt Huy chương Vàng Olympic quốc tế. Ảnh: Tường Vi |
Tết là những ngày nghỉ ngơi
Ngoài giờ học, các bạn có sở thích gì? Các bạn có theo một môn thể dục, thể thao nào không?
Sơn Hà: Như đã chia sẻ, ngày xưa em có đam mê về lắp ráp mô hình như Lego, giờ đây, em vẫn còn sở thích về những điều logic tương tự như cờ vua, trò chơi Sudoku. Em thường chơi một mình trên các trang mạng xã hội vào thời gian rảnh. Ngoài ra, sau mỗi buổi học căng thẳng, chiều tối, bóng đá là một sự lựa chọn tốt cho em nếu muốn giải trí, hoạt động thể chất cùng các bạn.
Thế Công: Em có sở thích đọc truyện tranh. Em cũng thích đạp xe nữa.
Phi Hùng: Sau những giờ học, em thích đi bộ, lướt web, đọc truyện và cả chơi game nữa. Em không biết đi bộ có được tính là thể thao không nhưng em rất thích đi bộ vì đồng thời được ngắm cảnh. Khoảng thời gian ôn luyện ở Hà Nội, em đã đi được khá nhiều và yêu thích cảnh quan của thủ đô.
Hiện tại, cả ba bạn đang đăng ký theo học tại các trường đại học ở Việt Nam. Dự định trong tương lai của các bạn là gì?
Sơn Hà: Trong tương lai em đang có dự định sẽ du học ở nước ngoài, mong muốn tìm một môi trường tốt nhất để học tập, nghiên cứu và mở mang tri thức cho bản thân. Sau đó có thể quay về và góp sức giúp Việt Nam ta phát triển.
Thế Công: Tương lai em dự định sẽ đi du học.
Phi Hùng: Em đang chuẩn bị hồ sơ đi du học và có dự định đi du học vào năm sau. Em thích học ở những nước châu Á như: Singapore, HongKong, Hàn Quốc…vì em rất nhớ nhà và muốn được thường xuyên về Việt Nam chơi.
Tết Ất Tỵ năm nay, các bạn có kế hoạch ăn Tết gì đặc biệt không?
Sơn Hà: Em chưa có kế hoạch gì quá đặc biệt về Tết năm nay. Tuy nhiên, năm nay em nhận được khá nhiều tiền thưởng nên em sẽ thay mặt bố mẹ lì xì các em và chúc sức khỏe ông bà.
Thế Công: Chắc vẫn như mọi năm thôi ạ. Em sẽ ngủ bù những ngày học vất vả và tới chúc Tết họ hàng nội, ngoại. Đặc biệt, chiều mùng 4 Tết, năm nào cũng thế, em sẽ cùng hai người bạn thân từ nhỏ đi hội làng Núm (xã Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) để chơi hội và ăn quà vặt, rất ngon ạ!
Phi Hùng: Em ưu tiên số 1 cho gia đình vì cả năm xa nhà rồi. Tết năm nay lớn hơn, 18 tuổi rồi nhưng em vẫn thích cùng cả nhà đi chơi Tết, thăm họ hàng, thử quần áo mới và ăn cơm mẹ nấu.
Một lời chúc Tết của ba “chàng trai vàng trong làng quốc tế” gửi tới bạn đọc Báo Bắc Giang.
Sơn Hà: Em xin chúc bạn đọc Báo Bắc Giang một năm mới tràn đầy màu sắc, như những đóa pháo hoa tuyệt đẹp đêm giao thừa!
Thế Công: Chúc các bạn một năm mới ấm no, hạnh phúc, quây quần bên gia đình!
Phi Hùng: Chúc mừng năm mới! Chúc các bạn và gia đình một năm an khang, thịnh vượng, tràn đầy sức khỏe và hạnh phúc!
Xin cảm ơn các bạn và chúc ba “chàng trai vàng” của Bắc Giang năm mới nhiều sức khỏe và thành công!
Ý kiến bạn đọc (0)