Điều hành chính sách tài khóa hiệu quả, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế
![]() |
Đồng chí Phan Thế Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư. Tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, toàn ngành đã chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, tổ chức triển khai quyết liệt nhiệm vụ tài chính - NSNN đề ra, góp phần tích cực thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân.
Tổng thu NSNN đạt hơn 941 nghìn tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 60/63 địa phương thu ngân sách nội địa đạt hơn 50% dự toán năm, trong đó có 45/63 có số thu cao hơn cùng kỳ.
Nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách 6 tháng qua được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, bảo đảm kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội cho nhân dân. Tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 28,6%, chi thường xuyên đạt 45,8%, chi trả lãi đạt 50,1% dự toán.
Công tác cân đối ngân sách T.Ư và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm. Bộ Tài chính đã kiểm soát chặt chẽ nợ công, tiếp tục tái cơ cấu theo hướng an toàn, bền vững; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Tại tỉnh Bắc Giang, công tác thu NSNN bảo đảm thu đúng, đủ kịp thời. Tổng thu NSNN 6 tháng qua ước đạt 9.386 tỷ đồng, bằng 65,8% dự toán, tăng 23,1% so cùng kỳ. Chi ngân sách cơ bản theo dự toán được giao, đáp ứng kịp thời nhu cầu, bảo đảm an sinh xã hội,. Tổng chi ngân sách ước đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, bằng 54,7% dự toán.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Tài chính quan tâm hướng dẫn các tỉnh thanh toán dự án theo hình thức BT; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Bộ tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu ngân sách; thực hiện các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số. Liền với đó là quản lý chặt chẽ hoàn thuế, đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế nhằm tăng thu cho ngân sách những tháng cuối năm…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Khái đánh giá cao những kết quả ngành Tài chính cùng cả nước đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nêu, tăng trưởng kinh tế trong nước những tháng cuối năm dự báo còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức. Năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, áp lực lạm phát gia tăng; nguy cơ xảy ra thiên tai, dịch bệnh cao.
Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5%, các ngành, các cấp từ T.Ư đến địa phương không chủ quan mà cần tiếp tục nỗ lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Đồng chí yêu cầu Bộ Tài chính cần tập trung triển khai kịp thời các giải pháp trọng tâm về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã đề ra. Tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện hiệu quả chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong khôi phục, phát triển kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN, phấn đấu thu vượt mức dự toán Quốc hội giao. Ngành Tài chính điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động và thận trọng, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục nắm chắc các nguồn thu, tăng cường quản lý thu, công tác thanh tra, kiểm tra tài chính.
Bộ Tài chính tổ chức điều hành quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Quan tâm làm tốt công tác quản lý giá, thị trường, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập.
Chuẩn bị tốt các điều kiện xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2023, kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2023-2025.
Tin, ảnh: Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)