Giữ vững tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế
Điều chỉnh linh hoạt
Hai năm liên tục (2020 - 2021), toàn tỉnh thực hiện tốt mục tiêu duy trì và phát triển bền vững 99% người dân có thẻ BHYT. Tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ bao phủ BHYT.
![]() |
Phẫu thuật nối khớp vai cho người bệnh có thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Thu hút người dân tham gia BHYT lâu dài, toàn tỉnh xác định nhiệm vụ then chốt là nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ngay tại địa phương. Mặc dù dịch Covid-19 kéo dài nhưng tỉnh Bắc Giang vẫn chú trọng đầu tư máy móc, trang thiết bị cùng sự giúp đỡ chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện hàng đầu trong cả nước, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn đã thực hiện độc lập các kỹ thuật khó, bảo đảm điều trị, chăm sóc tốt cho người bệnh.
Ông Nguyễn Thành Đô, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo BHXH tỉnh, Sở Y tế giám sát, kiểm tra việc sử dụng quỹ khám, chữa bệnh BHYT. BHXH tỉnh tập trung thẩm định lại toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế bội chi từ nguồn quỹ BHYT. Trong đó chú trọng giám định đối với các nhóm chỉ định xét nghiệm, kê đơn, ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc, dịch vụ kỹ thuật.
Người tham gia BHYT được hưởng đầy đủ các quyền lợi khám, chữa bệnh, nhất là khi điều trị bệnh hiểm nghèo, can thiệp các kỹ thuật cao, chi phí lớn.
Anh Phí Văn Trường (SN 1981), xã Tân Liễu (Yên Dũng) cho biết: “Tôi bị xơ gan, thường xuyên bị viêm tụy cấp, mới đây phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị sốc nhiễm khuẩn dài ngày. Chi phí cho đợt nằm viện này lên đến 142,3 triệu đồng, nhờ có BHYT, tôi chỉ phải trả 28,4 triệu đồng”.
Dịch Covid-19 kéo dài, để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, một số hướng dẫn về khám, chữa bệnh BHYT đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đó là quy định kéo dài thời gian kê đơn thuốc ngoại trú cho người mắc bệnh mạn tính từ 30 lên 90 ngày. Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, cơ sở y tế nơi bệnh nhân đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu nếu bị phong toả, bệnh nhân sẽ được đến cơ sở y tế tuyến trên khám, chữa bệnh mà vẫn được quỹ BHYT chi trả như đúng tuyến.
Phát triển đối tượng bền vững
Mặc dù vậy, do dịch bệnh, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT ở một số nơi bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, chậm đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Công việc của nhiều lao động tự do có thời điểm bị gián đoạn dẫn đến nhiều người dân không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT, nhất là hình thức BHYT hộ gia đình.
Mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT cao song đa phần đối tượng tham gia nằm trong nhóm được nhà nước hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ hằng năm. Khi có thay đổi về chính sách, người dân không được hỗ trợ kinh phí mua thẻ, tỷ lệ người tham gia giảm.
Như mới đây, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 4/6/2021 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 46 xã của 5 huyện (Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Thế) chuyển thành khu vực I.
Theo quyết định này, 90 nghìn người dân tộc thiểu số và một số người Kinh tại những xã nêu trên sẽ không tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua BHYT. Từ tháng 7/2021, họ sẽ phải tự mua thẻ BHYT. Trong số này, chỉ những đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên mới được hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ.
Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng với hầu hết các dịch vụ y tế. Ngoài việc sử dụng thẻ BHYT liên thông tuyến huyện, từ tháng 1/2021, người tham gia BHYT khi đi điều trị nội trú tại cơ sở y tế tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh mà không cần thủ tục chuyển tuyến. |
Từ tháng 5 đến tháng 7/2021, người dân có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn do một số trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện chuyên khoa tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường để tập trung thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19.
Đồng thời, hàng nghìn bác sĩ, điều dưỡng được trưng tập làm nhiệm vụ chống dịch không chỉ ở trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, TP trong Nam, ngoài Bắc làm ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 150 nghìn người chưa tham gia BHYT chủ yếu là lao động tự do, người buôn bán nhỏ lẻ. Vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, có tư tưởng khi ốm mới tham gia.
Hằng năm, tỉnh Bắc Giang chọn tháng 11 là tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHYT. Xác định đối tượng vận động khó nhất là nông dân, hộ gia đình buôn bán nhỏ lẻ, BHXH các huyện phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền về lợi ích thiết thực của BHYT đối với đời sống mỗi người, mỗi gia đình.
Trước mắt, các huyện, TP chú trọng phát triển BHYT hộ gia đình và duy trì bền vững các nhóm đối tượng đang có thẻ. Đồng thời mở rộng, phát triển nhóm đối tượng chưa tham gia, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đại lý thu BHYT, hướng dẫn quy trình thủ tục nhanh gọn, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp, xử lý nghiêm hành vi trốn đóng, nợ đọng BHYT và gian lận, trục lợi BHYT.
Bài, ảnh: Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)