Hồn quê thăng hoa trên mặt nước
BÁC NINH - Ẩn mình sau tấm mành tre phía hậu đài, không ai thấy dung mạo, cũng chẳng biết tên thật của họ. Đó là những nghệ nhân - "nghệ sĩ nông dân" ở làng Đồng Ngư (phường Song Liễu) vẫn đang bền bỉ, âm thầm dầm mình trong nước, lặng lẽ viết tiếp câu chuyện nghìn năm của văn hóa dân tộc...
Những đôi tay biết... “kể chuyện"
Ở sân khấu múa rối nước, nhìn từ phía khán giả chỉ thấy những con rối nhảy múa linh hoạt, vui tươi như có linh hồn: Chú Tễu hóm hỉnh, rồng uốn lượn phun lửa dữ dội, liền anh liền chị nồng nàn câu quan họ, những nông dân chăm chỉ cày bừa cấy hái... Những con rối biết hát, biết múa, biết cười, biết kể chuyện thật cuốn hút. Để làm nên sân khấu sống động ấy, những nghệ sĩ dân gian phải dầm mình dưới nước, lưng còng gập, chân tê, tay mỏi, đôi mắt, đôi tai tập trung dõi theo từng nhịp phách, tiếng trống để điều khiển rối bằng sào, dây và tất cả sự điêu luyện mà họ tích góp suốt nhiều năm. Bất kể giữa mùa hè oi bức hay mùa đông rét buốt, mỗi buổi diễn múa rối nước thường kéo dài 45-50 phút và cũng chừng ấy thời gian các nghệ nhân dầm mình trong nước, hoạt động không ngơi tay. Có những tiết mục như: "Cày bừa cấy hái", "Đám cưới chuột", "Vinh quy bái tổ"... phải cần 5 đến 7 người điều khiển cùng lúc.
![]() |
Một buổi biểu diễn múa rối nước ở làng Đồng Ngư. Ảnh tư liệu. |
Có thâm niên 18 năm trong nghề, không biết bao nhiêu mồ hôi đã hòa với nước ao, không biết bao lần lưng áo thấm lạnh, đôi bàn tay chai sạn, ông Nguyễn Bá Pha, 53 tuổi, thành viên Phường múa rối nước Luy Lâu tâm sự: “Trung bình mỗi năm, tôi tham gia biểu diễn khoảng 400-500 buổi. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông miền Bắc nước ao lạnh cóng, có hôm dưới 10 độ. Thời xưa không có đồ bảo hộ, không có máy sưởi, phải uống nước mắm, trà gừng để tăng khả năng chịu lạnh lúc ngâm mình dưới nước biểu diễn. Có người sau khi diễn không đứng nổi vì lưng đau, cơ thể co rút. Có người bàn chân nứt nẻ, sưng tấy, tay bong tróc vì lạnh, thế mà vẫn chẳng quản ngại. Bây giờ chúng tôi có quần áo chống nước nên cũng bớt vất vả”.
Sinh ra và lớn lên ở một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước truyền thống, từ nhỏ những "nghệ sĩ nông dân" làng Đồng Ngư đã biết đến bộ môn nghệ thuật độc đáo này. Chàng thanh niên Đinh Văn Thùy với tuổi đời còn trẻ, nghề nghiệp chính là sửa chữa ô tô nhưng lại có tình yêu đặc biệt với nghệ thuật múa rối nước. "Em đã có 8 năm thực hành biểu diễn. Cứ nhìn thấy khán giả thích thú, trẻ con hò reo là em cảm thấy vui và hạnh phúc. Có những khán giả là kiều bào sau khi xem xong xúc động khóc cảm ơn vì đã cho họ sống lại tuổi thơ, trở về với không gian làng quê Việt sau bao năm tha hương..." - nghệ nhân trẻ Đinh Văn Thùy bộc bạch.
![]() |
Mỗi buổi diễn kéo dài 45-50 phút và cũng chừng ấy thời gian các nghệ nhân hoạt động liên tục dưới nước. |
Để những con rối chuyển động nhịp nhàng, những cú xoay người theo nhịp chiêng trống, lúc ra xa sân khấu đến gần với khán giả, lúc lại thực hiện những động tác mềm mại, sinh động, đầy cảm xúc... thì người điều khiển con rối phải có đôi tay khéo léo, dẻo dai, linh hoạt, phối hợp nhuần nhuyễn, thậm chí nhắm mắt cũng thành thục từng động tác, điêu luyện như hơi thở, hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng chiêng và lời dẫn truyện. Nghệ nhân Nguyễn Thành Lai, Trưởng Phường múa rối nước Luy Lâu có gần 40 năm trong nghề chia sẻ: "Điều khiển con rối không khó nhưng để làm cho con rối có hồn thì không dễ, vì có những người gắn bó nhiều năm mà vẫn không diễn hay được. Nhất là biểu diễn các tích trò phức tạp cần có sức khỏe và sự linh hoạt, nhanh nhạy, biết kết hợp nhịp nhàng giữa nhạc và lời nói. Yếu tố quan trọng nhất vẫn phải có niềm đam mê".
Như mạch ngầm thấm vào máu thành đam mê, không cần sân khấu sang trọng, không cần trang phục lộng lẫy, không cần danh xưng, họ chỉ cần khán giả vỗ tay, reo hò, người xa xứ rưng rưng nước mắt khi thấy hình ảnh quê nhà trên mặt nước, vậy là đủ! Bằng tình yêu di sản cùng ý thức giữ gìn nghệ thuật của cha ông, những "nghệ sĩ nông dân" làng Đồng Ngư vẫn cứ âm thầm qua từng đêm diễn để giữ hồn dân tộc. |
Như mạch ngầm thấm vào máu thành đam mê, không cần sân khấu sang trọng, không cần trang phục lộng lẫy, không cần danh xưng, họ chỉ cần khán giả vỗ tay, reo hò, người xa xứ rưng rưng nước mắt khi thấy hình ảnh quê nhà trên mặt nước, vậy là đủ! Bằng tình yêu di sản cùng ý thức giữ gìn nghệ thuật của cha ông, những "nghệ sĩ nông dân" làng Đồng Ngư vẫn cứ âm thầm qua từng đêm diễn để giữ hồn dân tộc.
"Giữ lửa" nét văn hóa truyền thống độc đáo
Đồng Ngư là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước cổ truyền Việt Nam. Không ai biết rối nước Đồng Ngư có từ bao giờ. Người làng truyền rằng nghệ thuật này đã hình thành từ thời Lý (thế kỷ X–XI), gắn với tín ngưỡng nông nghiệp, văn minh lúa nước và lễ hội làng quê vùng Kinh Bắc.
![]() |
Một hoạt cảnh múa rối nước ở làng Đồng Ngư. |
Trải bao biến thiên thời cuộc, các thế hệ nghệ nhân nơi đây vẫn miệt mài gìn giữ và phát triển nghệ thuật quê hương. Làng Đồng Ngư hiện có hai phường rối nước dân gian là Phường múa rối nước cổ truyền Đồng Ngư và Phường múa rối nước Luy Lâu. Trong tổng số hơn 60 thành viên đang tham gia thực hành di sản, có những người đã gắn bó hơn nửa thế kỷ, có gia đình ba, bốn thế hệ cùng theo nghề. Hiện có 5 người được tỉnh Bắc Ninh phong tặng danh hiệu Nghệ nhân thuộc loại hình trình diễn dân gian múa rối nước là các ông: Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Đức Lai, Nguyễn Thanh Chiến, Nguyễn Đăng Hùng và Nguyễn Thành Lai.
Theo các nghệ nhân, điểm độc đáo của nghệ thuật múa rối nước làng Đồng Ngư là sử dụng kết hợp cả sào và dây để điều khiển con rối. Rối dây tạo ra cảm giác “bay” và “lướt” mượt mà, mang đến sự huyền ảo như những nhân vật bước ra từ huyền thoại. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối, bởi chỉ cần lệch một nhịp, cả trò sẽ rối loạn. Một nét khác biệt nữa là các nghệ nhân ở Đồng Ngư không chỉ biết biểu diễn mà còn tự tay đẽo tạc con rối. Qua nhiều thế hệ, họ đã sáng tạo và chế tác được hơn 200 loại rối khác nhau để biểu diễn. Gỗ để tạc con rối được lựa chọn kỹ lưỡng, thường là những loại gỗ nhẹ, thớ mịn, không có vết nứt như gỗ xoan, gỗ duối hoặc gỗ sung. Mỗi nhân vật rối là một tác phẩm thủ công với khuôn mặt tươi tắn, đôi mắt hóm hỉnh, trang phục, dáng dấp đậm chất làng quê Bắc Bộ: Từ chú Tễu tươi vui trẻ mãi không già đến ông lão câu cá, chú bé chăn trâu; từ tiết mục đám cưới chuột đến những tích trò trong truyền thuyết... đều sống dậy thăng hoa lung linh trên mặt nước nhờ chính đôi tay của những nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian. Những con rối không chỉ là đạo cụ biểu diễn, mà còn là ký ức, văn hóa, hiện thân của hồn dân tộc.
![]() |
Phía sau tấm mành tre, những nghệ nhân làng Đồng Ngư dầm mình trong nước điều khiển các con rối. |
Loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này không thể diễn online, không thể tua nhanh mà đòi hỏi khán giả phải cảm nhận qua những màn trình diễn sống động. Ngày nay, múa rối nước Đồng Ngư đã vượt ra khỏi lũy tre làng. Những “nghệ sĩ nông dân” chất phác đã mang bản sắc quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc đến biểu diễn ở mọi miền Tổ quốc và phục vụ khách du lịch trong nước, quốc tế. Mỗi tích trò như một câu chuyện cổ tích phản ánh đời sống nông thôn làng Việt xưa: Từ màn Tễu dạo đầu đến các tiết mục mời trầu, hát quan họ, múa tứ linh, chọi trâu, câu ếch, chăn trâu thổi sáo, cày bừa cấy hái, đánh cá úp nơm, rước kiệu, đánh đu... đều đậm chất thơ, chứa đựng ký ức và bản sắc văn hóa dân tộc.
Giữa không gian phát triển như vũ bão của công nghệ, của mạng xã hội và các hình thức giải trí hiện đại, nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư như “hòn than hồng” giữ lửa cho văn hóa dân tộc và vẫn đang rất cần những người trẻ đủ đam mê, đủ kiên nhẫn để kế thừa.
Ý kiến bạn đọc (0)