Hết lòng vì sức khỏe người có công
BẮC NINH - Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thời gian qua, công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Ninh quan tâm. Sự chăm sóc cả về thể chất và tinh thần giúp người có công cải thiện sức khỏe, chống chọi với những cơn đau do vết thương cũ tái phát.
Đồng hành với thương binh, bệnh binh
Đến Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, phường Ninh Xá khi cơn mưa rào vừa dứt. Ghé thăm căn phòng đầu tiên bên trái ngay cổng vào khu vực điều dưỡng, thấy ngay hình ảnh thương binh Nguyễn Văn Cần (sinh năm 1958), quê ở phường Mão Điền đang nằm trên giường theo dõi thông tin về những ngày đầu vận hành chính quyền địa phương hai cấp trên sóng truyền hình của Báo và Phát thanh, Truyền hình Bắc Ninh. Theo lời ông Cần, vừa tròn 18 tuổi, ông xung phong nhập ngũ, được biên chế vào Quân đoàn 3 tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam. Năm 1978, ông bị thương trong một trận đánh tại tỉnh Tây Ninh rồi được đi điều trị ở nhiều nơi, sau đưa về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành. Với tỷ lệ thương tật 95%, hằng ngày, ông được bác sĩ Trung tâm đến tận giường khám, kiểm tra sức khỏe và kê đơn thuốc.
![]() |
Người có công tham gia phục hồi chức năng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh. |
Cách phòng của ông Cần không xa, bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng Phòng Y tế (Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành) đang thăm khám cho thương binh Nguyễn Văn Xoa (sinh năm 1958), trú tại phường Tân An. Theo bác sĩ Phô, do thời tiết thay đổi, vết thương cũ lại tái phát nên ông Xoa đau đầu, toàn thân khó chịu. Vừa cho ông Xoa uống thuốc, bác sĩ Phô vừa ân cần động viên. “Hiện Trung tâm đang chăm sóc, điều dưỡng 84 thương binh nặng đến từ 13 tỉnh, thành phố, trong đó 27 thương binh là người Bắc Ninh. Do hơn 90% thương binh bị thương ở cột sống nên những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát khiến thương, bệnh binh đau đớn. Những lúc như vậy, chúng tôi ngoài làm tốt chuyên môn còn phải rất tâm lý, động viên, chia sẻ cùng các bác”, bác sĩ Ngô Huy Phô cho biết.
Cùng với chăm sóc suốt đời cho 13 thương binh nặng đến từ các địa phương trong tỉnh và thành phố Hà Nội, Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh thực hiện chăm sóc, điều dưỡng tập trung người có công trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tổ chức điều dưỡng tập trung tại đơn vị và tỉnh ngoài cho hơn 2,2 nghìn người có công. Tại đây, các thương binh, bệnh binh được theo dõi sức khỏe, thăm khám, trị liệu và chăm sóc chu đáo về mặt tinh thần. Đối với những thương binh nặng được chăm sóc suốt đời, Trung tâm giao tổ y tế thường trực, sẵn sàng thăm khám, điều trị 24/24 giờ.
Để người có công được chăm sóc toàn diện
Tính đến tháng 7/2025, toàn tỉnh có hơn 284 nghìn người có công, trong đó hơn 40 nghìn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Để người có công được chăm sóc sức khỏe toàn diện, những năm qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều hoạt động. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã rà soát, cấp tiền mua dụng cụ chỉnh hình cho 1.196 đối tượng người có công đến niên hạn được cấp thiết bị dụng cụ chỉnh hình; phối hợp với Bảo hiểm xã hội Khu vực XI cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 135,4 nghìn người có công…
Tính đến tháng 7/2025, toàn tỉnh có khoảng 284 nghìn người có công, trong đó hơn 40 nghìn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Theo kế hoạch, năm nay toàn tỉnh tổ chức điều dưỡng cho hơn 27 nghìn người có công, trong đó điều dưỡng tập trung 8,5 nghìn đối tượng, còn lại tại nhà. |
Mặc dù đạt được kết quả tích cực song qua đánh giá, do đối tượng người có công, nhất là thương binh, bệnh binh nặng đều tuổi cao, sức khỏe suy giảm, nhiều người mắc bệnh mạn tính như: Tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, viêm đường tiết niệu… nên công tác chăm sóc, điều dưỡng gặp khó khăn.
Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh tổ chức điều dưỡng cho hơn 27 nghìn người có công, trong đó điều dưỡng tập trung hơn 8,5 nghìn đối tượng, còn lại điều dưỡng tại nhà. Để bảo đảm các điều kiện tốt nhất, Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết, liên kết với các địa điểm ngoài tỉnh để tổ chức các đợt điều dưỡng tập trung; đồng thời tuyển thêm 1 bác sĩ, sẵn sàng thăm khám, điều trị cho thương binh, bệnh binh. Tương tự, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành duy trì kíp trực gồm 3 người (bác sĩ, y tá và điều dưỡng), bảo đảm trực 24/24 giờ tại dãy phòng ở của thương binh. Với trách nhiệm của mình, các cơ sở y tế bố trí khu vực tiếp đón, khám ưu tiên người có công; cấp thuốc miễn phí. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Phòng Người có công (Sở Nội vụ) cho biết: “Hiện Sở Nội vụ đang rà soát để tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định hỗ trợ chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe; hỗ trợ phục vụ công tác điều dưỡng, đón tiếp người có công và thân nhân trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh trong thời gian tới. Trước mắt, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà 7 trung tâm, đơn vị nuôi dưỡng tập trung, điều trị người có công và 36 người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh dịp kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2025)”.
Ý kiến bạn đọc (0)