Hòa giải, đối thoại tại tòa án: Tạo đồng thuận, rút ngắn thời gian giải quyết án
Vì những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày dẫn đến tình cảm vợ chồng sứt mẻ, không thể hàn gắn, chị Nguyễn Thị B (SN 1989) ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đã viết đơn ly hôn. Do luôn bất đồng quan điểm sống nên thời gian đầu, quá trình hòa giải giữa đôi bên gặp khó khăn. Thẩm phán khi giải quyết vụ việc đã phải dành nhiều thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cả hai phía. Từ đó tích cực làm cầu nối giúp vợ chồng anh chị giảm bớt mâu thuẫn, nhất là về việc nuôi con.
![]() |
Cán bộ, thẩm phán TAND TP Bắc Giang thảo luận các vụ án phải tiến hành hòa giải. |
Vụ việc hòa giải thành, cuối tháng 9 năm nay, TAND TP đã ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn mà không phải đưa ra xét xử. Anh chị B và T tuy giờ không còn chung sống dưới một mái nhà nhưng đều thoải mái về tư tưởng và cùng có trách nhiệm nuôi dạy con khôn lớn.
Từng tham gia hòa giải nhiều vụ án phức tạp về hôn nhân gia đình, Thẩm phán Nguyễn Trần Kiên, TAND TP Bắc Giang cho biết: "Đối với các vụ án ly hôn, trong quá trình hòa giải, giải quyết án, chúng tôi thường khuyến khích các đương sự tự thỏa thuận về những vướng mắc cả hai đang băn khoăn, chưa đi đến thống nhất".
Hòa giải trong tố tụng dân sự ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án. Đây cũng là phương thức hiệu quả để hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Khi các bên đồng ý với cam kết hòa giải sẽ góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa tranh chấp, nâng cao ý thức pháp luật của người dân và giữ ổn định trật tự xã hội.
TP Bắc Giang là địa bàn có số lượng án dân sự, hôn nhân gia đình khá cao. Qua thống kê, trung bình mỗi năm, TAND TP Bắc Giang tiếp nhận gần 1 nghìn vụ. Để giảm áp lực xét xử, từ thực tiễn công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, những năm gần đây, đơn vị đã chú trọng công tác hòa giải giữa các nguyên đơn và bị đơn, tạo điều kiện cho các bên thống nhất giải quyết vụ án. Trong số những tranh chấp được hòa giải, chủ yếu liên quan đến quyền nuôi con, quyền sử dụng đất, hợp đồng vay tài sản, hợp đồng tín dụng...
Theo Thẩm phán Hoàng Thị Hải Hường, Phó Chánh án TAND TP Bắc Giang: Để các đương sự đồng thuận hòa giải, thực hiện đúng cam kết, hạn chế tái khởi kiện, quá trình hòa giải, các thẩm phán đã quan tâm thu thập thông tin, tìm hiểu rõ vấn đề mấu chốt sự việc. Bên cạnh đó, nắm vững kiến thức pháp luật để đưa ra lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục.
Sau khi được hòa giải, phân tích thiệt hơn, không ít đương sự đã bớt căng thẳng, chủ động thỏa thuận phân chia tài sản hay thương lượng về cách xử lý các khoản nợ. Vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng tài sản vay của nguyên đơn là anh Nguyễn Quang T (SN 1973) ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) là một minh chứng. Theo vụ án, bị đơn là bà Nguyễn Thị H (SN 1967) ở phường Lê Lợi, TP Bắc Giang phải trả cho anh T số tiền cả gốc và lãi hơn 200 triệu đồng. Qua 2 lần hòa giải, các đương sự đã có sự thỏa thuận chung về số tiền phải trả và kỳ hạn thanh toán nợ mà không cần phải đưa vụ việc ra xét xử.
Nhờ làm tốt công tác hòa giải đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ việc phải đưa ra xét xử. Kết quả, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã hòa giải thành 489/802 vụ án tranh chấp, đạt 61%. Trong đó, có 231 vụ là tranh chấp dân sự; 258 vụ án hôn nhân gia đình. Thời gian tới, TAND TP Bắc Giang tiếp tục yêu cầu các thẩm phán thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải trong quá trình tiếp nhận, giải quyết án. Mặt khác, chủ động làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc lập hồ sơ vụ án, thu thập tài liệu, chứng cứ để có căn cứ, cơ sở hòa giải thành, qua đó hạn chế phải đưa vụ án ra xét xử.
Ý kiến bạn đọc (0)