Khó nhân rộng rừng gỗ lớn
Lợi ích kép
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế quản lý hơn 2,2 nghìn ha rừng, trong đó có 400 ha rừng gỗ lớn. Khảo sát rừng keo lai 12 năm tuổi tại thôn Rừng Chiềng, xã Tiến Thắng cho thấy, nhiều cây đường kính gốc đạt hơn 30 cm, sản lượng gỗ đạt khoảng 300m3/ha, trị giá hơn 500 triệu đồng.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Hường, thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam-Bắc Giang) kiểm tra công nhân khai thác nhựa thông. |
Trong khi đó, một chu kỳ khai thác rừng trồng bình quân 6 năm (cả keo và bạch đàn), sản lượng gỗ chỉ đạt gần 100m3/ha, trị giá khoảng 120 triệu đồng, hơn nữa lại phải tái chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu, nguy cơ bị cháy cao. Thông thường gỗ nhỏ chỉ băm làm nguyên liệu giấy còn gỗ lớn có thể dùng làm thanh, ván sàn, bóc, đóng mộc gia dụng xuất khẩu, hiệu quả kinh tế cao. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp khai thác 40 ha rừng gỗ lớn. Nhờ vậy, doanh thu của Công ty tăng hơn 7 tỷ đồng so với năm trước.
Với 170 ha rừng, tính khai thác xoay vòng, mỗi năm hộ chị Nguyễn Thị Hường, thôn Cai Vàng, xã Đông Hưng (Lục Nam) thu hơn 2,5 tỷ đồng. Có diện tích rừng lớn, nguồn thu ổn định nên năm 2015 chị chuyển hóa 35 ha rừng keo lai 7 năm tuổi sang kinh doanh rừng gỗ lớn theo Dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn” do Tổng cục Lâm nghiệp làm chủ đầu tư.
Chị và 6 hộ trong thôn còn được hỗ trợ giống, phân bón (từ năm 2015 đến 2019) để trồng mới hơn 16 ha rừng gỗ lớn. Bù lại, các hộ tham gia phải cam kết để rừng phát triển sau 15 năm mới được khai thác. Cùng với các hộ ở thôn Cai Vàng và Bản Soan, xã Xuân Lương (Yên Thế), thực hiện dự án chuyển hóa và trồng rừng gỗ lớn, toàn tỉnh xây dựng được 200 ha rừng gỗ lớn. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt.
Từ năm 2013 đến 2018, toàn tỉnh trồng mới và trồng lại rừng sau khai thác được 46,33 nghìn ha rừng tập trung, rừng sản xuất gỗ lớn ước đạt 8 nghìn ha, cao hơn mục tiêu 800 ha. |
5 năm qua, toàn tỉnh có 8 nghìn ha rừng gỗ lớn, cao hơn mục tiêu đề ra 800 ha. Thực tế cho thấy, ngoài hiệu quả kinh tế, rừng gỗ lớn còn mang lại nhiều lợi ích về môi trường như: Độ che phủ rừng lớn, giữ ẩm cao nên giảm cháy rừng; hàm lượng mùn trong đất gia tăng, khả năng phòng hộ tốt vì đất không bị xói mòn.
Khuyến khích các chủ rừng lớn
Tuy nhiên, trên thực tế để nhân rộng rừng gỗ lớn không dễ bởi không ít chủ rừng thiếu vốn. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lục Nam cho hay, doanh nghiệp có hơn 2,8 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp nhưng chỉ có 10 ha chuyển đổi thành rừng gỗ lớn. Nếu không khai thác sớm, đơn vị sẽ không có kinh phí trả lương công nhân. Hơn nữa, công ty lâm nghiệp, cũng như địa phương đã giao đất cho hộ nhận khoán, do vậy nếu không được đầu tư thì quyền quyết định chu kỳ khai thác thuộc về chủ rừng.
![]() |
Khu rừng 12 năm tuổi của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Yên Thế nhiều cây có chu vi gốc hơn 85 cm. |
Ông Hoàng Văn Nguyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động chia sẻ, gỗ lớn là loại có đường kính từ 15 cm trở lên (rừng gỗ lớn từ 10 đến 14 năm) song năm nay giá gỗ bóc tăng, người dân đã thu hoạch sớm. Đối với các hộ nghèo, không có nguồn thu phụ khác thì việc để chu kỳ khai thác rừng lâu hơn là điều rất khó. Ông Đinh Văn Thịnh, thôn Dần 3, xã Hữu Sản (Sơn Động) giãi bày: “Gia đình có hơn 3 ha rừng. Vẫn biết rừng gỗ lớn có lợi hơn nhưng vì đời sống khó khăn, tôi đành phải bán cây trước”.
Trước thực trạng trên, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để nhân rộng diện tích gỗ lớn. Đó là phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp triển khai một số dự án hỗ trợ chủ rừng; tập huấn kỹ thuật, phương pháp chuyển hóa rừng trồng sang rừng gỗ lớn.
Ông Nguyễn Quốc Dự, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho hay: “Trồng rừng gỗ lớn là xu hướng trên thế giới. Ngành lâm nghiệp đang khuyến khích các chủ rừng, đặc biệt là các chủ rừng lớn đầu tư và liên kết trồng rừng gỗ lớn. Đẩy nhanh việc sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp để có nguồn vốn sản xuất, nhân rộng mô hình điểm. Đi đôi với biện pháp trên là tăng cường tuyên truyền hiệu quả kinh tế, môi trường, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn”.
Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)